Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngành Thương mại: Đổi mới công nghệ để thích ứng và phát triển

05:01, 28/01/2022

Năm 2021 là một năm đầy biến động và khó quên đối với những người kinh doanh, các doanh nghiệp (DN), HTX về thương mại, dịch vụ vì phải hứng chịu liên tục những cơn sóng vồ vập của đại dịch Covid-19 quét qua.

Năm 2021 là một năm đầy biến động và khó quên đối với những người kinh doanh, các doanh nghiệp (DN), HTX về thương mại, dịch vụ vì phải hứng chịu liên tục những cơn sóng vồ vập của đại dịch Covid-19 quét qua.

Lãnh đạo Sở Công thương và đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghi thức nhấn nút ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn). Ảnh: H.Quân
Lãnh đạo Sở Công thương và đại diện các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện nghi thức nhấn nút ra mắt Sàn giao dịch thương mại điện tử Đồng Nai (ecdn.vn). Ảnh: H.Quân

Từ thực tiễn, yêu cầu đặt ra đối với những người kinh doanh là cần thay đổi tư duy, đổi mới công nghệ để thích ứng và phát triển.

* Trong “nguy” có “cơ”

Theo các chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 như một sự kiện “thiên nga đen” đến bất ngờ, gây khó khăn chung cho nhiều DN, cơ sở kinh doanh, dịch vụ. Đây vừa là thách thức, khó khăn cho các chuỗi dịch vụ, thương mại nhưng cũng vừa là cơ hội để DN, start-up… nắm bắt thời cơ, tìm hướng đi mới phù hợp với nhu cầu thị trường.

Đại dịch Covid-19 mở ra gợi ý về các kênh tiếp cận khách hàng, là dịp để các DN, đơn vị bán lẻ phân tích kỹ hơn những việc cần làm trong xu hướng công nghệ, chuyển đổi số ngày càng phát triển. Trong đó, các ứng dụng mua sắm online trên điện thoại thông minh, máy tính bảng… trở nên phổ biến hơn.

Theo nhiều chuyên gia kinh tế, đại dịch Covid-19 đã và đang buộc các DN, chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ chủ động hơn về đổi mới sáng tạo hay nói đúng hơn là “phải làm khác đi” nếu không sẽ bị chậm lại phía sau và mất dần sức cạnh tranh.

Ông Nguyễn Hữu Nam, Phó giám đốc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh tại TP.HCM chia sẻ, mỗi lĩnh vực, mỗi DN có những khó khăn và chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất định từ đại dịch. Hơn ai hết, các DN bị tác động bởi dịch Covid-19 cần xác định hoặc là đóng cửa, hoặc là thay đổi. Việc thay đổi là cơ hội cho các DN chuyển hướng đầu tư, phát triển. Cơ hội luôn dành cho những DN dám thay đổi và biết thay đổi. Đó là ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất, kinh doanh; tìm kiếm khách hàng mới và đặc biệt là đầu tư vào con người…

Chị Nguyễn Ngọc Ngân, Quản lý vận hành chuỗi cửa hàng Laha Cafe (TP.Biên Hòa) cho biết, trước những tác động của dịch bệnh, hệ thống chuỗi cửa hàng đã triển khai nhiều kênh bán hàng, marketing sản phẩm trực tuyến. Trong đó, đẩy mạnh bán hàng mang về, đặt hàng và thanh toán trực tuyến qua các ứng dụng (app) giao đồ ăn như: Loship, Ahamove, Baemin...

Bà Trương Lý Hoàng Phi, một chuyên gia về đổi mới sáng tạo, Chủ tịch HĐQT - Giám đốc điều hành Công ty CP Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ DN IBP (TP.HCM), nhà sáng lập kiêm Giám đốc chiến lược của Trung tâm Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp (BSSC) chia sẻ, chính bởi trong “nguy” luôn có “cơ” nên giai đoạn dịch Covid-19 là thời điểm để các start-up, DN tự nhìn nhận lại “trong nhà mình thực sự có gì”, đánh giá lại nội tại của DN có những “tài sản”, giá trị nào là thực chất.

Sau những ảnh hưởng của dịch bệnh, các nhà bán lẻ, cửa hàng truyền thống, các sàn thương mại điện tử (TMĐT) đã tích cực ứng dụng công nghệ để kinh doanh trực tuyến thông qua các ứng dụng trên điện thoại thông minh, các mạng xã hội như: Facebook, Zalo… Nhiều chợ online theo các khu dân cư, chung cư xuất hiện rộng khắp trong đợt dịch vừa qua với đa dạng các loại thực phẩm, đặc sản, hàng tiêu dùng được quảng cáo, rao bán trên các nền tảng mạng xã hội.

Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Big C Đồng Nai cho hay, trong năm vừa qua, siêu thị đã chủ động triển khai dịch vụ đặt hàng, “đi chợ” trực tuyến… Các hình thức đặt hàng trực tuyến được khách hàng đón nhận khá tốt, duy trì đà tăng trưởng với số lượng đơn hàng trực tuyến tăng trung bình khoảng 20-30% so với trước khi bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4.

Phó giám đốc Sở Công thương Lê Văn Lộc chia sẻ, các kênh bán hàng trực tuyến của các siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi… đã phát huy hiệu quả cao trong thời gian qua. Lượng đơn hàng trực tuyến tăng cao, góp phần đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa thiết yếu, mang lại nhiều tiện ích cho người dân… Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục chủ động các phương án chuẩn bị nguồn hàng thiết yếu; kết nối tiêu thụ các mặt hàng nông sản, thực phẩm của địa phương; nâng cao hiệu quả hoạt động TMĐT… 

* Bài toán về công nghệ - chuyện không của riêng ai

Bài toán về ứng dụng công nghệ là một giải pháp để ngành dịch vụ, thương mại vững vàng hơn trước những rủi ro về thị trường, dịch bệnh. Tuy nhiên trên thực tế, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh vẫn còn gặp khó khăn khi triển khai các kênh bán hàng trực tuyến, ứng dụng công nghệ số vào hoạt động kinh doanh.

Theo nhiều cửa hàng dịch vụ, quán cà phê, trà sữa, quán ăn gia đình, việc áp dụng các hình thức đặt hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt là cần thiết nhưng thực tế vẫn chưa dễ thay đổi thói quen tiêu dùng của nhiều khách hàng, nhất là các khách hàng lớn tuổi vẫn ưu tiên lựa chọn phương thức trải nghiệm dịch vụ và thanh toán trực tiếp. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ đối với những người kinh doanh trẻ sẽ dễ dàng hơn, trong khi các tiểu thương, hộ kinh doanh trung niên, lớn tuổi vẫn khá nhọc nhằn để có thể xoay xở với các mô hình kinh doanh trực tuyến, ứng dụng công nghệ. 

Người tiêu dùng thanh toán bằng ví điện tử khi mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa Người tiêu dùng tiến hành khai báo y tế bằng mã QR trước khi vào mua sắm tại Trung tâm Thương mại BigC Đồng Nai
Người tiêu dùng tiến hành khai báo y tế bằng mã QR trước khi vào mua sắm tại Trung tâm Thương mại BigC Đồng Nai

Hơn thế nữa, đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra nhiều thách thức, khó khăn cho nhiều DN khởi nghiệp, start-up. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để nhiều DN, start-up thay đổi tư duy, đẩy mạnh nghiên cứu phát triển sản phẩm, dịch vụ mới, từ đó tìm ra lối đi riêng trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khó lường vì đại dịch Covid-19.

Bà Võ Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn hỗ trợ khởi nghiệp phía Nam trực thuộc Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận định, trong bối cảnh hội nhập quốc tế, khoa học - công nghệ ngày càng phát triển như hiện nay, nhất là sau những tác động từ dịch Covid-19, các yếu tố đổi mới sáng tạo về công nghệ có thể tạo ra nhiều sự khác biệt, nâng sức cạnh tranh giữa các sản phẩm, dự án khởi nghiệp, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh đối với các DN, start-up...

Giám đốc Sở KH-CN Lại Thế Thông nhấn mạnh, từ thực tiễn chương trình khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh vừa qua, vấn đề đặt ra hiện nay là bằng các giải pháp phải kết nối được các nguồn lực hỗ trợ khởi nghiệp, đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái về đổi mới sáng tạo, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh, thích ứng linh hoạt trong tình hình mới. Trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu tỉnh ban hành những cơ chế, chính sách phù hợp để hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của tỉnh phát triển tương xứng với tiềm năng.

* Từ thích ứng linh hoạt đến tiền đề phát triển kinh tế số

Với sự phát triển nhanh chóng của khoa học - công nghệ, hạ tầng thương mại, dịch vụ số…, nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng ngày càng thay đổi theo hướng thuận tiện, nhanh chóng. Đặc biệt, sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trong thời gian qua đã làm thay đổi hành vi mua sắm, sử dụng dịch vụ của người tiêu dùng trong nước. Điều này góp phần tạo điều kiện cho các loại hình TMĐT, dịch vụ chuyển đổi số ngày càng đa đạng và phát triển hơn.

Người tiêu dùng thanh toán bằng ví điện tử khi mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa
Người tiêu dùng thanh toán bằng ví điện tử khi mua sắm tại Co.opmart Biên Hòa

Đồng Nai được đánh giá là một trong những địa phương năng động trong phát triển TMĐT, nhất là sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Theo Báo cáo chỉ số TMĐT năm 2021 do Hiệp hội TMĐT Việt Nam (VECOM) công bố, chỉ số TMĐT của Đồng Nai trong năm vừa qua xếp hạng thứ 5 toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm trước đó. Chỉ số này của Đồng Nai đứng sau các địa phương: TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương.

Ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Trung tâm Phát triển TMĐT - EcomViet (Cục TMĐT và kinh tế số - Bộ Công thương) nhận định, Đồng Nai là địa phương giáp ranh với TP.HCM nên tỉnh có nhiều thuận lợi trong hoạt động vận chuyển, cung ứng hàng hóa sang TP.HCM và các tỉnh, thành khác, cũng như kết nối tiêu thụ với các địa phương. Ngoài ra, các dịch vụ, đơn vị cung cấp dịch vụ logistics khá phát triển trên địa bàn tỉnh còn góp phần tạo nhiều thuận lợi cho việc phát triển TMĐT, các dịch vụ giao nhận hàng hóa…

“Lợi thế lớn của Đồng Nai là trên địa bàn tỉnh có nhiều sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm công nghiệp thế mạnh. Điều này giúp thúc đẩy hoạt động giao thương trên môi trường trực tuyến ngày càng phát triển, lượng hàng hóa đa dạng, dồi dào hơn. Thực tế cho thấy, hoạt động bán lẻ trực tuyến thông qua các sàn TMĐT của Đồng Nai tăng trưởng khá trong những năm gần đây. Đồng Nai có doanh số bán lẻ trực tuyến tương đối cao so với các tỉnh, thành khác. Đơn cử, theo thống kê khảo sát của EcomViet, trên Shopee - sàn TMĐT lớn nhất Việt Nam hiện nay, doanh số bán hàng từ địa bàn Đồng Nai đi các tỉnh, thành khác và cả xuất khẩu đạt hơn 220 tỷ đồng với khoảng 2,5 triệu sản phẩm được bán ra trong vòng 1 năm vừa qua” - ông Thành chia sẻ thêm.

Trước những ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị hiếu tiêu dùng, trải nghiệm dịch vụ của người dân có nhiều thay đổi. Điều này đòi hỏi người kinh doanh thương mại, dịch vụ, nhất là các trường hợp DN nhỏ, hộ kinh doanh cá thể cần chủ động các phương án kinh doanh, marketing… để thích ứng trước những diễn biến của dịch bệnh, trong đó cần lưu ý đến các kênh bán hàng trực tuyến, kết nối các đơn vị phân phối, cung ứng hàng hóa phù hợp.

Bà Liu Thị Yến, Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại, sản xuất Thuận Hương (H.Định Quán) cho biết, sau những tác động của dịch Covid-19, công ty đã chủ động tăng cường các hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm, các hoạt động kích cầu tiêu dùng vào dịp này, cũng như triển khai đưa sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) của công ty vào hệ thống siêu thị, hướng tới kết nối sản phẩm với các sàn TMĐT lớn, uy tín để phát triển kinh doanh…

“Dòng chảy” số hóa ngày càng phát triển, tạo bước đệm quan trọng dựa trên các ứng dụng TMĐT, các hình thức kinh doanh, dịch vụ trực tuyến ngày càng nở rộ, sáng tạo. Điều này góp phần thúc đẩy sự ra mắt của Sàn TMĐT Đồng Nai, cũng như kế hoạch đón đầu xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nền kinh tế số của tỉnh.

Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến trong thời gian qua, nhất là sau những tác động từ đại dịch Covid-19 Trong ảnh: Giới trẻ chọn mua các sản phẩm tiêu dùng trên các kênh mua sắm trực tuyến
Xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng trở nên phổ biến trong thời gian qua, nhất là sau những tác động từ đại dịch Covid-19. Trong ảnh: Giới trẻ chọn mua các sản phẩm tiêu dùng trên các kênh mua sắm trực tuyến

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng nhấn mạnh, trong thời gian tới, ngành Công thương và các đơn vị, địa phương trong tỉnh cần chủ động triển khai nhiệm vụ kế hoạch phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh theo kế hoạch chung của giai đoạn 2021-2025. Cùng với đó, cần có phương án đưa Sàn TMĐT Đồng Nai đi vào hoạt động có hiệu quả, nghiên cứu tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung xúc tiến thương mại, trong đó có các hình thức trực tuyến nhằm mở rộng đối tượng DN tham gia kết nối giao thương và đảm bảo phù hợp với tình hình diễn biến của dịch Covid-19...

Để chuẩn bị đón đầu xu hướng cách mạng công nghiệp 4.0 và phát triển nền kinh tế số, chính quyền điện tử, UBND tỉnh đã có Kế hoạch số 7600/KH-UBND ngày 3-7-2020. Theo kế hoạch này, trong việc chuyển đổi thành nền kinh tế số, Đồng Nai phấn đấu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GRDP của tỉnh. Đến năm 2030, Đồng Nai phấn đấu hoàn thành xây dựng chính quyền điện tử tỉnh, đô thị thông minh, kết nối với mạng lưới đô thị thông minh của khu vực và cả nước; kinh tế số chiếm khoảng 30% GRDP của tỉnh…

Hải Quân

Tin xem nhiều