Báo Đồng Nai điện tử
En

GS.NSND Nguyễn Trọng Bằng: Đất phương Nam cho tôi nhiều nguồn cảm hứng

09:02, 05/02/2016

Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân (GS.NSND) Nguyễn Trọng Bằng đã dùng những tiếng đàn piano trầm ấm điệu nghệ của mình để "đãi" khách Ðồng Nai tới thăm nhà ông trong một căn nhà tập thể nhỏ tại quận Ba Ðình (Hà Nội). Thứ mà ông đãi khách không gì khác chính là những bản sáng tác về Ðồng Nai trong những lần vào công tác, thăm bạn bè đồng nghiệp.

Giáo sư, Nghệ sĩ nhân dân (GS.NSND) Nguyễn Trọng Bằng đã dùng những tiếng đàn piano trầm ấm điệu nghệ của mình để “đãi” khách Ðồng Nai tới thăm nhà ông trong một căn nhà tập thể nhỏ tại quận Ba Ðình (Hà Nội). Thứ mà ông đãi khách không gì khác chính là những bản sáng tác về Ðồng Nai trong những lần vào công tác, thăm bạn bè đồng nghiệp.

GS.NSND Trọng Bằng bên cây đàn piano đệm những bản nhạc về Đồng Nai.
GS.NSND Trọng Bằng bên cây đàn piano đệm những bản nhạc về Đồng Nai.

“Tôi sinh sống và công tác chủ yếu ở Hà Nội, nhưng lại rất có duyên với vùng đất phương Nam, trong đó có mảnh đất Đồng Nai. Đất phương Nam đã cho tôi nhiều cảm hứng và những dấu ấn để đời” - GS.NSND Trọng Bằng.

Chuyến chuyên cơ đặc biệt

Ngay sau ngày miền Nam giải phóng (30-4-1975), Nhà hát Giao hưởng hợp xướng nhạc vũ kịch Việt Nam gồm 100 nhạc công được “lệnh” xuất phát từ Hà Nội ra Hải Phòng, sau đó xuống tàu biển thẳng tiến vào Sài Gòn biểu diễn chào mừng sự kiện lịch sử này. Lênh đênh trên biển mất hơn 10 ngày, đoàn tàu chở theo 100 nhạc công mới cập cảng Nhà Rồng. Được bước chân lên bến cảng Nhà Rồng, nhiều nhạc công đã khóc vì quá vui sướng.

Tôi từng chỉ huy rất nhiều dàn nhạc giao hưởng tiếng tăm ở những nơi sang trọng bậc nhất thế giới, như: Nga, Ðức, Nhật Bản… nhưng không thể nào vượt qua được cảm xúc lần đầu tiên được chỉ huy dàn nhạc giao hưởng của Việt Nam tại Sài Gòn tròn 40 năm trước” - GS.NSND Trọng Bằng.

Trên chuyến tàu biển vào Sài Gòn ngày ấy, không có GS.NSND Trọng Bằng vì ông phải ở lại Hà Nội trị bệnh. Ông kể: “Sát tới ngày công diễn, giám đốc nhà hát đã đến gặp tôi. Ông ấy nói nếu tôi không đi sẽ không có ai chỉ huy dàn nhạc, và thế là tôi gắng sức cầm theo thuốc men hỏa tốc vào Sài Gòn trên một chuyên cơ đặc biệt từ Sân bay Gia Lâm vào Tân Sơn Nhất”. GS.NSND Trọng Bằng nhớ lại: “Trên chuyến cơ đặc biệt vào Sài Gòn ngày ấy còn có GS.Vũ Khiêu và một số cán bộ khác, trong đó có người lần đầu tiên được đặt chân vào đất Sài Gòn”.

GS.NSND Trọng Bằng xúc động kể lại ký ức không thể quên trong đời khi lần đầu tiên được cầm “đũa” chỉ huy dàn nhạc ngay giữa trung tâm Sài Gòn mới được giải phóng: “Đó là ngày 1-6-1975, khán giả hồ hởi vào ngồi kín cả hội trường. Trước đó, tôi không dám hình dung khán giả lại tới đông đến thế. Chính vì sự hào hứng của khán giả mà tôi bước lên sân khấu chỉ huy dàn nhạc mà quên hết cả đau đớn bệnh tật”. Lần đầu tiên xuất hiện trước công chúng Sài Gòn, GS.NSND Trọng Bằng và dàn nhạc giao hưởng đã cho khán giả được đắm mình vào những bản giao hưởng kinh điển của J.Rossini, F.Schubert, Beethoven, hay những trích đoạn ballet Hồ thiên nga của P.I.Tchaikovsky… GS.NSND  Trọng Bằng kể: “Sau mỗi bản nhạc kết thúc, khán giả lại vỗ tay không ngớt khiến tôi phải giơ hai cánh tay lên ra hiệu xin khán giả ngừng lại để chúng tôi tiếp tục biểu diễn bản khác”.

“Với sự nhiệt thành của khán giả Sài Gòn khi đó, nhiều nhạc công của chúng tôi sung sướng tới nỗi vừa kéo đàn violon vừa rơi nước mắt. Phải nói là hạnh phúc lắm” - GS.NSND Trọng Bằng kể. Bên cạnh những bản giao hưởng phương Tây kinh điển, những bản giao hưởng Việt Nam mới soạn còn nóng hổi, như: Thắng lợi của tình yêu Tổ quốc của Nguyễn Đình Tấn, Tây Nguyên chiến thắng của Nguyễn Văn Thương... cũng được vang lên trong đêm diễn phục vụ khán giả Sài Gòn.

Thương nhớ đất Ðồng Nai

Lần đầu tiên GS.NSND Trọng Bằng đặt chân vào mảnh đất Đồng Nai là năm 1997, khi đó ông được giới thiệu ứng cử là đại biểu Quốc hội (Khóa X) tại tỉnh Đồng Nai. Địa bàn ông ứng cử là huyện Tân Phú, Định Quán và Thống Nhất. Ông tâm sự: “Tôi đã không mất thời gian nhiều để chiếm trọn trái tim và tình cảm của nhiều người dân bằng những câu chuyện rất đời thường, chân thành. Đó cũng là lý do không chỉ có cử tri bày tỏ niềm tin ở tôi, mà có cả những vị linh mục, các vị chức sắc ở các chùa chiền mời tôi ghé thăm và hứa sẽ vận động mọi người bỏ phiếu cho tôi”.

GS.NSND Trọng Bằng đón những vị khách Đồng Nai tới thăm nhà.
GS.NSND Trọng Bằng đón những vị khách Đồng Nai tới thăm nhà.

Những năm làm đại biểu Quốc hội tại Đồng Nai, ngoài những buổi tiếp xúc mang tính chuyên môn của một đại biểu Quốc hội, GS.NSND Trọng Bằng còn dành nhiều thời gian để đưa âm nhạc đến với Đồng Nai một cách rất nhiệt thành. Ông chia sẻ, ông đã sáng tác nhiều tác phẩm về Đồng Nai, trong đó có ca khúc Cùng em về Tân Phú được lãnh đạo huyện lúc đó gọi vui là “huyện ca”, hay ca khúc Chào những bến cảng Đồng Nai bây giờ được Công ty cổ phần Cảng Đồng Nai coi là bài hát truyền thống của đơn vị… Ấn tượng sâu sắc nhất của GS.NSND Trọng Bằng với Đồng Nai chính là sự ra đời của ca khúc với chủ đề: “Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm” nhân dịp Đồng Nai tổ chức kỷ niệm mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm hình thành và phát triển năm 1998. Ông chia sẻ: “Biết tôi là nhạc sĩ lại là đại biểu Quốc hội của tỉnh nên Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Lê Hoàng Quân khi đó đã đề nghị tôi sáng tác một ca khúc về sự kiện này và tôi đã cho ra đời ca khúc Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm.

Tôi có mong ước được một lần nữa trở lại Ðồng Nai, vì tôi luôn thương nhớ mảnh đất này với những người dân hiền lành chất phác và cuộc sống luôn hối hả và đã cho tôi rất nhiều cảm xúc” - GS.NSND Trọng Bằng.

GS.NSND Nguyễn Trọng Bằng kể, khi tỉnh tổ chức kỷ niệm 300 năm Biên Hòa - Đồng Nai (năm 1998), lãnh đạo tỉnh còn mời ông vào chỉ đạo dàn đồng ca thể hiện ca khúc do chính ông sáng tác về Biên Hòa - Đồng Nai và ông rất nhiệt tình hưởng ứng. Đặc biệt nhất khi vào dự sự kiện, GS.NSND Trọng Bằng đã dẫn theo dàn nhạc giao hưởng của Đức vào biểu diễn bản giao hưởng Biên Hòa - Đồng Nai 300 năm do ông viết. Sau này bản giao hưởng này còn được biểu diễn tại hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh cũng do dàn nhạc giao hưởng của Đức biểu diễn.

“Tình cảm của con người Đồng Nai dành cho tôi đã khiến tôi bị “cảm” cho tới tận bây giờ” - GS.NSND Trọng Bằng hóm hỉnh chia sẻ. Sau khi hoàn thành cương vị đại biểu Quốc hội khóa X, và vì sức khỏe yếu nên ông không thường xuyên vào Đồng Nai được nữa. Tuy nhiên, ông tâm sự: “Tôi không làm gì được nhiều cho Đồng Nai ngoài một số sản phẩm âm nhạc mang tính chất tinh thần. Nhưng người Đồng Nai sống có trước có sau lắm, nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh vẫn ghé thăm tôi, chúc mừng tôi mỗi khi nhận được các giải thưởng âm nhạc khiến tôi vô cùng cảm kích”.

      Công Nghĩa

 

 

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều