Năm 2015, Ðồng Nai liên tục đón các đoàn doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước về tìm hiểu cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Có thể nói, chưa bao giờ nông nghiệp công nghệ cao lại "rộ mùa" thu hút đầu tư như hiện nay.
Năm 2015, Ðồng Nai liên tục đón các đoàn doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước về tìm hiểu cơ hội đầu tư vào nông nghiệp, nhất là nông nghiệp công nghệ cao. Có thể nói, chưa bao giờ nông nghiệp công nghệ cao lại “rộ mùa” thu hút đầu tư như hiện nay. Trong đó, không ít dự án đầu tư vốn “khủng” tại Ðồng Nai đang triển khai và dự kiến trong năm 2016 sẽ đón những quả ngọt đầu mùa.
Nông dân trồng giống mãng cầu dai, không hạt bán tại vườn được giá 80 ngàn đồng/kg. Ảnh: B.Nguyên |
Theo đánh giá của các nhà đầu tư, Đồng Nai là một trong những thị trường trọng điểm khu vực phía Nam, có những lợi thế nổi bật về cơ sở hạ tầng với hàng loạt những dự án đường cao tốc, sân bay Long Thành, cảng biển đã và sẽ tiếp tục được đầu tư. Ngoài lợi thế về địa lý, địa phương có những điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, nhất là có đội ngũ nông dân giỏi kỹ thuật với tinh thần sẵn sàng tiếp nhận cái mới, quan tâm ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Thu hút vốn “khủng”
Năm 2015, Đồng Nai đã thu hút hàng loạt dự án đầu tư của cả khối DN FDI và DN nội địa vào lĩnh vực nông nghiệp. Ngoài các dự án đầu tư sản xuất thức ăn chăn nuôi, vật tư phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhiều dự án phát triển vùng nguyên liệu sản xuất, chế biến để xuất khẩu cũng được triển khai. Trong đó, có những dự án về “siêu giống” mới có lợi thế vượt trội so với các giống truyền thống... Tổng công ty công nghiệp thực phẩm Đồng Nai (Dofico) và Công ty cổ phần Hội Cựu chiến binh Hàn Quốc (NAMSAN) cũng đã ký kết hợp tác dự án phát triển vùng nguyên liệu, chế biến và xuất khẩu giống cỏ Cực Đông số 6 có vốn đầu tư khoảng 9 triệu USD. Đây cũng là giống cỏ mới của Hàn Quốc, chủ yếu sử dụng làm thức ăn chăn nuôi đại gia súc với năng suất và chất dinh dưỡng cao hơn hẳn so với các dòng cỏ làm thức ăn chăn nuôi khác. Theo nội dung ký kết, giai đoạn đầu, chương trình sẽ hợp tác với nông dân phát triển khoảng 1 ngàn hécta trồng cỏ với quy mô xuất khẩu 100 ngàn tấn/năm.
Nông dân Định Quán sử dụng giống mới và kỹ thuật bao trái để sản xuất xoài sạch. Ảnh: B.Nguyên |
Dofico cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược toàn diện và lâu dài với Tập đoàn Vingroup trên các lĩnh vực: phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao với quy mô lớn; phân phối tiêu thụ thực phẩm sạch; chuyển giao công nghệ - quy trình - kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP… Hiện Dofico và và Tập đoàn Vingroup đang xúc tiến các thủ tục thành lập Công ty TNHH hai thành viên nông nghiệp Đồng Nai - VinEco. Mục tiêu là tạo thành vùng sản xuất nguyên liệu tập trung chất lượng cao, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Bên cạnh đó, Vingroup cũng đang thực hiện các thủ tục để thuê khoảng 700 hécta đất tại Khu liên hiệp công nông nghiệp Dofico; ứng dụng những công nghệ hàng đầu từ các nước phát triển về nông nghiệp, như: Israel, Hà Lan, Nhật Bản… trong sản xuất và chế biến nông sản.
Ðồng Nai đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện ưu đãi về chính sách, cơ chế thu hút đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao. Tỉnh đã quy hoạch xây dựng những vùng nông nghiệp công nghệ cao với nhiều chính sách ưu đãi, như: Khu liên hiệp công nông nghiệp Dofico (Agropark); Khu công nghệ cao chuyên ngành sinh học Ðồng Nai; khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao tại xã An Phước (huyện Nhơn Trạch)… Ðây là tiền đề thuận lợi để thu hút các dự án nông nghiệp công nghệ cao cả ở khối DN FDI và DN trong nước. |
Trong lĩnh vực chăn nuôi, tỉnh đã thực hiện quy hoạch, hình thành những vùng chăn nuôi tập trung theo quy mô hàng hóa lớn, an toàn dịch bệnh và đạt chuẩn vệ sinh thực phẩm. Ngoài thế mạnh về chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản cũng là một tiềm năng lớn của tỉnh. Dự kiến năm 2016, Đồng Nai sẽ triển khai quy hoạch dự án đầu tư khu nông nghiệp công nghệ cao nuôi tôm siêu thâm canh tại xã An Phước (huyện Nhơn Trạch) với quy mô khoảng 500 hécta; thu hút doanh nghiệp đầu tư theo mô hình liên kết, bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Ông Lương Thanh Vân, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn Việt - Úc (TP.Hồ Chí Minh), cho biết: “Tập đoàn chọn Đồng Nai để đầu tư khu phức hợp, gồm: khu sản xuất giống, khu nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà màng và nhà máy chế biến tôm xuất khẩu, vì địa phương có nhiều lợi thế về thổ nhưỡng cũng như hạ tầng giao thông. Theo kế hoạch, khu phức hợp này sẽ rộng khoảng 300 hécta với tổng vốn đầu tư gần 800 tỷ đồng”.
Ðưa phòng thí nghiệm ra đồng
Nông dân Nhơn Trạch trồng dưa lưới trong nhà màng. Ảnh: B.Nguyên |
Đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, thu lợi nhuận lớn không chỉ là câu chuyện của các tập đoàn có dự án vốn “khủng”, mà đây là cơ hội cho cả DN vừa và nhỏ, cho từng nông dân, chủ trang trại chủ động thay đổi để bắt kịp hội nhập. Ông Trần Xuân Trường, Tổng giám đốc Công ty TNHH Việt Nông (Khu công nghệ cao chuyên ngành sinh học Đồng Nai, huyện Cẩm Mỹ), nhận xét: “Tuy đầu tư nông nghiệp công nghệ cao cần nguồn vốn lớn, lộ trình dài hơi nhưng vẫn rộng cửa cho DN nhỏ và vừa, cho từng nông dân cùng tham gia. Khởi đầu có thể đi từ sản xuất nhỏ lẻ, nghiên cứu bằng phương pháp thủ công rồi đầu tư từng bước theo lộ trình đã định. Yếu tố quyết định là phải thay đổi tư duy sản xuất lạc hậu, manh mún, mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất”. Với quan niệm này, nhiều năm nay Việt Nông đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng công nghệ sinh học Đồng Nai tổ chức hoạt động “Ngày hội ruộng đồng”, thu hút hàng ngàn lượt nông dân từ nhiều tỉnh, thành trong cả nước tham gia. DN này đã đưa phòng thí nghiệm ra đồng cho nông dân được xem tận mắt, sờ tận tay những giống mới; những mô hình canh tác ứng dụng kỹ thuật hay để làm theo.
Sản xuất rau công nghệ cao tại huyện Long Thành do Tập đoàn Vingroup đầu tư. Ảnh: Vingroup |
Cùng suy nghĩ này, ông Nguyễn Phú Cường, Giám đốc Công ty cổ phần phát triển công nghệ sinh học (Dona - Techno, TX.Long Khánh), chia sẻ: “Tôi nghe các nhà khoa học phát biểu rất nhiều về giải cứu nền nông nghiệp Việt Nam bằng việc nhập khẩu mô hình công nghệ cao từ nước ngoài. Nhưng quan điểm của tôi, làm nông công nghệ cao không chỉ là câu chuyện của các đại gia quy hoạch được những dự án hàng trăm hécta với vốn đầu tư cả triệu đô, mà làm sao đưa khoa học - công nghệ vào để mỗi nông dân tăng thu nhập trên từng sào đất của mình. Phải chọn được mô hình phù hợp với điều kiện nông nghiệp của Việt Nam manh mún, nhỏ lẻ”. Ông chủ DN có gần 20 năm gắn bó với lĩnh vực nông nghiệp, tự nhận mình hiểu đến từng nhịp thở của cây trồng này, khẳng định đừng nghĩ nông sản sạch phải bán với giá cao ngất ngưởng vì cần vốn đầu tư lớn, năng suất lại thấp. Nông dân hoàn toàn có thể làm ra được bó rau muống sạch giá chỉ vài ngàn đồng để người nghèo cũng ăn được. Mô hình sản xuất sạch đang được DN hướng dẫn cho nông dân cũng chỉ đơn giản là tuân thủ đúng quy trình sử dụng thuốc trong phòng và trị bệnh. Ở đây, yếu tố công nghệ cao là đưa ra cho nông dân giải pháp trị bệnh trên cây tiêu, cây rau, cây ăn trái hiệu quả, cho ra sản phẩm an toàn và không gây ô nhiễm môi trường. Trong thực tế, không ít nông dân nhờ sản xuất trên cơ sở khoa học đạt thu nhập cả trăm triệu đồng từ một vài sào rau, sào tiêu.
Năm 2015, Bộ trưởng Bộ Nông, lâm, ngư nghiệp Nhật Bản Koya Nishikawa đã thăm và làm việc tại Ðồng Nai; đã ký kết biên bản hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp, tập trung vào nông nghiệp công nghệ cao. Theo ông Koya Nishikawa: “Ðồng Nai là tỉnh có mật độ tập trung cao nhất các dự án đầu tư của Nhật Bản. Ngoài công nghiệp, Nhật Bản đang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và sẽ chọn Ðồng Nai để thực hiện các mô hình thí điểm, mô hình mẫu từ khâu giống đến sản xuất, sơ chế, chế biến ứng dụng công nghệ cao theo chuỗi liên kết khép kín, đáp ứng cho cả thị trường nội địa và xuất khẩu. Với nhiều lợi thế về vị trí địa lý và hạ tầng giao thông, đây cũng là tỉnh trọng điểm trong việc cải thiện chuỗi cung ứng và lưu thông hàng hóa”. |
Lê Quyên