Báo Đồng Nai điện tử
En

Năm "vàng" của các đoàn nghệ thuật Đồng Nai

09:02, 03/02/2016

Chưa năm nào, các đoàn nghệ thuật của Ðồng Nai lại cùng lúc đạt nhiều thắng lợi như năm 2015 vừa qua. Không chỉ phát triển về chất và lượng, liên tiếp dàn dựng nhiều tiết mục mới được khán giả hâm mộ, đón nhận, mà tập thể và cá nhân của các đoàn cũng liên tiếp "rinh" huy chương vàng, bạc cùng những danh hiệu cao quý của Nhà nước.

Chưa năm nào, các đoàn nghệ thuật của Ðồng Nai lại cùng lúc đạt nhiều thắng lợi như năm 2015 vừa qua. Không chỉ phát triển về chất và lượng, liên tiếp dàn dựng nhiều tiết mục mới được khán giả hâm mộ, đón nhận, mà tập thể và cá nhân của các đoàn cũng liên tiếp “rinh” huy chương vàng, bạc cùng những danh hiệu cao quý của Nhà nước.

Nhà hát nghệ thuật truyền thống Ðồng Nai: Sánh vai cùng các “anh Cả”

Năm 2015, Đoàn nghệ thuật cải lương Đồng Nai có những thay đổi tích cực cũng như đón nhiều tin vui: Đoàn đổi tên thành Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai; đoạt 1 trong 5 huy chương vàng danh giá tại cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015, các diễn viên của đoàn đoạt 5 huy chương vàng, 6 huy chương bạc cá nhân.

Một tiết mục tham dự hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2016 của Đoàn ca mua nhạc Đồng Nai.
Một tiết mục tham dự hội diễn ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2016 của Đoàn ca mua nhạc Đồng Nai.

Đoàn dựng 2 vở cải lương được người trong nghề đánh giá là “nặng ký”, là Ánh đèn khuyaTình sử hai vương triều. Ánh đèn khuya (tác giả Huỳnh Văn Tới) thuộc đề tài mượn chuyện xưa nói chuyện nay để nêu lại bài học về sự công minh sáng suốt, sử dụng, bố trí nguồn nhân lực và tính nêu gương của người đứng đầu - một trong những chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh hiện nay. Tình sử hai vương triều (tác giả Chu Thơm) thì nhẹ nhàng lồng câu chuyện tình lãng mạn nhưng đầy ngang trái giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh trong bối cảnh đất nước rối ren, thù trong giặc ngoài, để nhắc lại rằng có những thời điểm phải biết đặt lợi ích Tổ quốc lên trên lợi ích cá nhân, dòng tộc. Với sự sáng tạo nhiều mảng, miếng sân khấu mới của “phù thủy” NSND - đạo diễn Giang Mạnh Hà cùng tài năng ca, diễn của các nghệ sĩ trong đoàn, đặc biệt là tốp nghệ sĩ trẻ, cả hai vở diễn đều được đánh giá cao tại cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015, trong đó Tình sử hai vương triều đã xuất sắc đoạt huy chương vàng.

Đây cũng là năm đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ và bền vững của các nghệ sĩ trong đoàn. Niềm vui đầu tiên là NSƯT Ngân Vương được phong tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, là người thứ hai được nhận danh hiệu cao quý này sau NSND - đạo diễn Giang Mạnh Hà. Nghệ sĩ Chiêu Hùng cũng được phong tặng danh hiệu NSƯT. Như vậy, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai hiện có 2 NSND, 2 NSƯT - điều mà các đoàn cải lương cấp tỉnh khác không dễ gì có được.

Những niềm vui còn được nhân lên gấp bội khi bên cạnh các nghệ sĩ “gạo cội” đã thành danh của đoàn như: NSND Ngân Vương, NSƯT Quế Anh, NSƯT Chiêu Hùng… các nghệ sĩ trẻ trong đoàn đã bắt đầu khẳng định “chỗ đứng” trong nghề. Cũng tại cuộc thi nghệ thuật sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2015 ở Bạc Liêu vừa qua, các nghệ sĩ trẻ đã mang về cho đoàn 2 huy chương vàng, gồm: nghệ sĩ Cẩm Loan (vai Lý Chiêu Hoàng, vở Tình sử hai vương triều), nghệ sĩ Sang Sang (vai Thuận Thiên, vở Tình sử hai vương triều); 4 huy chương bạc, gồm: nghệ sĩ Hoài Linh (vai quản tượng, vở Ánh đèn khuya), nghệ sĩ Thu Huyền (vai Trần Thị Dung, vở Tình sử hai vương triều), nghệ sĩ Việt Trang (vai Trần Cảnh, vở Tình sử hai vương triều) và nghệ sĩ Thành Vinh (vai Trần Liễu, vở Tình sử hai vương triều). Qua khả năng ca, diễn của các nghệ sĩ trẻ, các đoàn cải lương khác đánh giá rất cao công tác đào tạo của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai.

Với những thành tựu bước đầu của các nghệ sĩ trẻ, NSND - đạo diễn Giang Mạnh Hà cũng cất được “gánh nặng” về đội ngũ kế thừa. Ông tâm sự: “Ông bà thường bảo “Thầy già, con hát trẻ”. Các nghệ sĩ trụ cột của đoàn cũng bắt đầu có tuổi, vì vậy những năm qua tôi luôn trăn trở về công tác đào tạo nghệ sĩ trẻ. Tuy nhiên, đào tạo một nghệ sĩ cải lương không hề đơn giản bởi ngoài yếu tố năng lực bẩm sinh, khả năng thiên phú còn phải có tâm huyết với nghề và thật sự gắn bó với đoàn. Với thực trạng chung của sân khấu cải lương hiện nay, tìm được người chịu theo nghề đã là khó khăn rồi, chưa kể đến việc vừa dốc hết tâm huyết truyền dạy thì các em đã “bay” nơi khác. Cho nên, bên cạnh việc truyền dạy về chuyên môn, tôi cũng rất chú trọng đến việc giáo dục đạo đức, lòng yêu nghề, bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, yêu thương gắn bó nhau cho các nghệ sĩ trẻ. Tôi vẫn nhắc nhở các em “Thắng không kiêu, bại không nản”, thành tích đạt được hôm nay chỉ mới là bước đầu khích lệ, tương lai vẫn là sự nỗ lực không ngừng nghỉ…”.

Ðoàn ca múa nhạc Ðồng Nai: Không thể và có thể

Tại Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc 2015 diễn ra tại Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 9-2015, khi Ban giám khảo liên hoan xướng danh Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai đoạt 2 huy chương vàng, 2 huy chương bạc trong 11 tiết mục dự thi, cả đoàn đã reo lên, ôm chầm lấy nhau trong tiếng cười, trong những giọt nước mắt hạnh phúc.

Không hạnh phúc sao được, khi đây là những huy chương vàng, huy chương bạc đầu tiên của đoàn đoạt được sau 15 năm “khiêm tốn” nép mình bên cánh gà nhìn các đoàn bạn tung tẩy ở sân chơi lớn của giới ca nhạc, trong khi chính bản thân mình không dám tham gia bởi biết sức chưa ra được “biển lớn”. Đứng bên lề cuộc chơi nhiều năm liền, niềm mặc cảm tự tin của các nghệ sĩ trong đoàn ngày càng lớn, nỗi khao khát vươn lên càng trở nên xa vời hơn.

Cảnh trong vở Tình sử hai vương triều của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai.
Cảnh trong vở Tình sử hai vương triều của Nhà hát nghệ thuật truyền thống Đồng Nai.

Năm 2015, Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai có sự thay đổi lớn khi 2 phó đoàn mới được bổ nhiệm là 2 gương mặt xinh đẹp, trẻ trung: Bích Hạnh (ca sĩ) và Việt Bắc (nghệ sĩ múa). Gắn bó với đoàn từ lúc mới bước chân vào nghề, từng đau đáu, trăn trở về sự phát triển của đoàn, nắm được điểm mạnh, yếu của đoàn đồng thời có được sự quyết liệt của tuổi trẻ nên 2 tân lãnh đạo của đoàn đã mạnh dạn thổi luồng gió mới với “chiến lược” bài bản. Điều đầu tiên 2 nữ lãnh đạo đoàn bắt tay vào làm là xốc dậy tinh thần, tạo không khí đoàn kết, gắn bó của anh chị em nghệ sĩ. Quyết tâm “làm mới”, Bích Hạnh, Việt Bắc không chỉ nỗ lực củng cố, bồi dưỡng về chuyên môn cho nghệ sĩ trẻ, triển vọng, như: La Đình Nguyên (ca sĩ), Nguyễn Sơn (nghệ sĩ múa)… mà còn tìm kiếm, mời gọi những nhân tố trẻ vừa tốt nghiệp từ các trường nghệ thuật trong cả nước, như: Trường cao đẳng văn hóa nghệ thuật Huế, Trường cao đẳng múa Việt Nam, Trường trung cấp văn hóa nghệ thuật Đồng Nai. Kết quả của cuộc “chiêu hiền đãi sĩ” là một số gương mặt nghệ sĩ trẻ đã đầu quân cho đoàn, như: Thanh Tùng, Như Ngọc, Hải Yến. Bên cạnh đó, đoàn cũng mạnh dạn “đặt hàng” các tên tuổi lớn trong nghề, như: Trần Ly Ly, Tạ Thùy Chi (biên đạo múa), Đức Trí (hòa âm phối khí), Lương Xuân Thành (đạo diễn)… để tạo nên một sân khấu theo nhịp hiện đại.

Trong giới sân khấu cải lương từ trước đến nay vẫn có sự “xếp hạng” ngầm, phân biệt giữa các đoàn “anh Cả”, như: Nhà hát cải lương Việt Nam, Nhà hát cải lương Hà Nội, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang… với các đoàn “tỉnh lẻ”. Sự phân biệt này dựa vào nhiều tiêu chí đánh giá, như: tài năng của nghệ sĩ, các huy chương, giải thưởng, danh hiệu; khả năng “kiếm tiền” (biểu diễn có doanh thu), cơ sở vật chất, đào tạo thế hệ kế thừa của đoàn… So với các đoàn tỉnh, Nhà hát nghệ thuật truyền thống Ðồng Nai vẫn được giới sân khấu xếp ở “chiếu trên”, bởi đoàn luôn đoạt giải cao ở tất cả các cuộc thi trong nhiều năm liền, đặc biệt là cùng với các đoàn “anh Cả”, Ðồng Nai đã hoàn thành được nhiệm vụ đào tạo thế hệ kế thừa.

Có “bột”, đoàn bắt tay “gột nên hồ”, dàn dựng chương trình biểu diễn. Không còn là những tiết mục lẻ tẻ “góp đám giỗ” nữa, các tiết mục vừa nằm trong tổng thể hài hòa theo chủ đề, lại vừa tạo dấu ấn riêng. Như tiết mục múa Dũng sĩ Rừng Sác, các nghệ sĩ Thanh Tùng, Nguyễn Sơn và tốp múa nam đã tạo được cảm xúc mạnh mẽ và khó quên qua hình ảnh các chiến sĩ đặc công đã vượt qua những cơn sốt rét rừng hành hạ, sấu dữ Rừng Sác, vượt qua bom đạn, rào chắn, thép gai kẻ thù để làm nên những kỳ tích vang dội. Để có những “xen” đắt giá, có lúc các nghệ sĩ múa mạo hiểm như diễn viên xiếc, gây tác động tâm lý cao đến khán giả. Tiết mục múa Đất thở lại khá lạ, có sự cách điệu táo bạo nhưng hợp lý từ động tác cho đến trang phục, âm nhạc khiến tiết mục mang nét hiện đại nhưng vẫn giữ được chất truyền thống. Tiết mục hòa tấu của dàn nhạc dân tộc cũng được phối khí thành công qua bàn tay của nhạc sĩ Đức Trí. Đặc biệt, lần đầu tiên đoàn ứng dụng công nghệ hiện đại vào bố trí phông sân khấu để tạo hiệu ứng âm thanh, ánh sáng đồng thời cũng là “đạo cụ”, rất sáng tạo.

Nghệ sĩ Việt Bắc, Phó trưởng đoàn ca múa nhạc Đồng Nai, cho biết đoàn đến với liên hoan với tâm thế “học hỏi là chính”, song 2 huy chương vàng (Dũng sĩ Rừng SácĐất thở), 2 huy chương bạc (Dòng chảy Sức sống mới Đồng Nai) của Đoàn trong số 222 tiết mục của hơn 1 ngàn nghệ sĩ thuộc 21 đơn vị nghệ thuật, nhà hát ca múa nhạc chuyên nghiệp liên hoan bước đầu không chỉ mang lại sự phấn khởi, tự tin cho nghệ sĩ trong đoàn mà còn củng cố miền tin của lãnh đạo Sở Văn hóa - thể thao và du lịch về quyết tâm đổi mới của đoàn. Đoàn ca múa nhạc Đồng Nai đã biến điều không thể thành có thể. Tuy nhiên, chính vì vậy mà các nghệ sĩ của đoàn thường nhắc nhở nhau, thành công ở liên hoan cũng chỉ mới là bước đầu, quan trọng là sự đón nhận, tin yêu của khán giả, công chúng Đồng Nai, vì vậy toàn đoàn sẽ nỗ lực hơn nữa trong năm 2016 và thời gian tới.

Hà Lam

 

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều