Họ là những sĩ quan có tuổi đời rất trẻ (từ 23 đến 27), được đào tạo trực tiếp từ phi công mới ra trường trở thành phi công lái máy bay Su30 thuộc Trung đoàn 935 (đóng tại TP.Biên Hòa), Sư đoàn Không quân 370.
Họ là những sĩ quan có tuổi đời rất trẻ (từ 23 đến 27), được đào tạo trực tiếp từ phi công mới ra trường trở thành phi công lái máy bay Su30 thuộc Trung đoàn 935 (đóng tại TP.Biên Hòa), Sư đoàn Không quân 370. Ðại tá Trần Văn Dũng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 935, nhấn mạnh: “Với sức trẻ tràn trề nhựa sống, các phi công hiện đang được huấn luyện tại trung đoàn sẽ là nguồn bổ sung lực lượng thay thế lớp phi công lớn tuổi”.
Quan sát đường băng. Ảnh: Đăng Tùng |
Làm chủ “hổ mang chúa” Su30 cực khó, nhất là với các phi công mới ra trường, nhưng họ đã được rèn luyện, vượt qua mọi trở ngại để tiếp cận loại máy bay hiện đại này.
Mơ ước bay cao
Đường băng của Trung đoàn 935 lộng gió trong một ngày cuối năm nắng đẹp, phía xa các máy bay Su30 làm nhiệm vụ trực chiến được trang bị đầy đủ, sẵn sàng cất cánh khi có lệnh. Trước đây, để được điều khiển “hổ mang chúa”, một phi công phải trải qua nhiều loại máy bay L39, Mig21, Su22… rồi mới được học chuyển loại để lái Su30. Từ năm 2013 đến nay, theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng về việc đổi mới công tác huấn luyện đối với phi công, các phi công vừa tốt nghiệp sẽ được Bộ Quốc phòng lựa chọn phân công về Trung đoàn 935 để học lái trực tiếp Su30 mà không cần qua giai đoạn chuyển loại. Thượng úy Trần Thanh Luân, Biên đội trưởng thuộc Phi đội 1, là một trong những phi công có nhiều thành tích trong thế hệ phi công trẻ của trung đoàn. Tốt nghiệp thủ khoa tại Học viện Phòng không không quân, anh là một trong 6 phi công đầu tiên được lựa chọn, phân công về Trung đoàn 935 đào tạo trực tiếp lên Su30.
Lớp học lý thuyết của các phi công trẻ tuổi. |
Hướng ánh mắt về phía cuối đường băng, Thượng úy Luân tâm sự: “Nghề phi công là một nghề đặc biệt, được lao vút lên bầu trời, trước mặt, hai bên chỉ có mây, có mặt trời, phía dưới là đất liền, là biển… Cảm giác như cả không gian, thời gian lắng đọng lại, trong tâm trí chỉ có nhiệm vụ, chỉ nghĩ đến nhiệm vụ. Khi bay trên trời mới thấy được vùng trời Tổ quốc ta cao rộng như thế nào, mới thấy đất nước mình đẹp ra sao, bay trên ruộng đồng mà ngỡ như bay trên thảm lụa vậy!”. Khi cất cánh, tùy theo nhiệm vụ, bài bay mà phi công bay ở độ cao khác nhau, có khi còn phải lộn nhào nên thể lực và tinh thần phải luôn vững vàng và được rèn luyện liên tục. Anh Luân chia sẻ, bay ở trên cao, xung quanh chỉ có mây trời và máy bay cùng biên đội bay song hành nên không cảm nhận được tốc độ lớn như thế nào. Ấy vậy mà không được để cảm giác đánh lừa trí óc, chỉ sai lệch 1 ly thôi là có thể dẫn tới hậu quả khôn lường.
Với Trung úy Hoàng Đình Duy, do gia đình sinh sống gần Sân bay Thọ Xuân (Thanh Hóa) nên từ nhỏ anh đã có mơ ước trở thành phi công lái máy bay chiến đấu chinh phục bầu trời. Xác định được điều đó nên anh đã học tập, rèn luyện để đủ tiêu chuẩn thi vào Trường Sĩ quan không quân. Sau hơn 2 năm từ khi vào học, anh mới được bay chuyến đầu tiên, dù đã chuẩn bị tinh thần, thể lực, kiến thức dưới mặt đất, nhưng cũng không thể nào tránh khỏi cảm giác bất ngờ khi ngồi lên “ghế nóng” của máy bay. “Sau khi đã quen với cảm giác bay thì cái khó chính là học cách xử lý các tình huống diễn ra trên không trung, đây là điều mà chỉ có kinh nghiệm bay hàng trăm giờ tích lũy mới có được chứ không thể học qua sách vở nào. Sau khi được học những điều cơ bản về bay và thực hành bay trên một số loại máy bay tại nhà trường, chúng tôi được điều động về các đơn vị sẽ tiếp tục được đào tạo chuyên sâu về loại máy bay mà đơn vị đó sở hữu. Đất nước trong thời kỳ hòa bình, nhưng không vì thế mà chúng tôi được phép chủ quan, là một phi công lái máy bay chiến đấu hiện đại nhất cả nước, chúng tôi càng phải cố gắng học hỏi để làm chủ vũ khí trang bị hiện đại, đủ điều kiện đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc hiện nay” - Trung úy Hoàng Đình Duy tâm sự.
Chinh phục “hổ mang chúa”
Để mỗi chuyến bay cất cánh đòi hỏi phải có sự phối hợp của rất nhiều lực lượng, nhất là khi bay diễn tập hợp đồng quân binh chủng với các đơn vị bạn, phải là phi công “cứng cựa” mới được chọn để làm nhiệm vụ này. Nhưng ngay cả những phi công trẻ xuất sắc nhất vẫn phải bay dưới sự kèm cặp của một phi công lão luyện.
Su30 làm chủ bầu trời Tổ quốc. Ảnh: Trung đoàn 935 |
Thượng úy Trần Thanh Luân nhớ lại vào dịp đầu năm 2015, anh được vinh dự thực hiện nhiệm vụ ném bom tiêu diệt mục tiêu khi diễn tập tại Trường bắn quốc gia khu vực 3. Với tốc độ rất nhanh, chỉ hơn 6 phút kể từ khi xuất phát tại sân bay ở TP.Biên Hòa là Su30 đã có mặt tại điểm ném bom tại núi Mây Tàu, huyện Xuân Lộc, vì vậy đòi hỏi phi công phải tuân thủ giờ giấc chặt chẽ, khớp từng giây với sự chỉ huy tại đài kiểm soát ở căn cứ.
Nhân viên kỹ thuật chuẩn bị vũ khí cho máy bay. Ảnh: Trung đoàn 935 |
“Lần đầu tiên bổ nhào xuống cắt bom tôi có cảm giác rất khó tả, một niềm tự hào mãnh liệt trỗi dậy trong tâm trí, nhưng sung sướng hơn nữa là khi nhận được thông báo mình đã ném bom trúng mục tiêu. Lúc phối hợp tác chiến cũng giống như vậy, nếu thả bom trật thì sẽ gây ra hậu quả rất lớn, do Su30 là máy bay đa năng, có thể tấn công mục tiêu trên trời, hạ các mục tiêu dưới đất nên chúng tôi phải được rèn luyện nhiều hơn nữa nếu muốn làm chủ phương tiện này” - Thượng úy Luân tự hào kể lại.
Với Trung úy Vũ Hồng Việt thì lại khác, xuất thân từ một gia đình nông dân ở tỉnh Thái Bình, anh là niềm tự hào của cả gia đình khi là người đầu tiên trong dòng họ theo nghiệp phi công. Sau mỗi giờ bay, anh lại dành thời gian để tự rèn luyện thể lực, nghiên cứu các tài liệu tiếng Anh, tiếng Nga. Anh cho hay hầu hết các phi công thế hệ anh đều thông thạo một ngoại ngữ. “Khi còn học tại trường, chúng tôi đều được học cách xử lý các tình huống gặp bất trắc trên không nhưng phải đến lúc về các trung đoàn, ngồi lên máy bay chiến đấu thực thụ, tôi mới cảm nhận được niềm vinh dự của bản thân khi thực hiện nhiệm vụ. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thì khó khăn nhất vẫn là lúc bay ban đêm và khi gặp điều kiện thời tiết xấu, đó là thứ ngoài tầm kiểm soát của phi công. Nhưng tất cả phi công đều phải học cách xử lý tình huống này vì nhiệm vụ có thể đến bất kỳ lúc nào và không ai lường trước được điều gì cả” - Trung úy Vũ Hồng Việt cho hay.
Học hỏi kinh nghiệm của các phi công lớn tuổi sau giờ bay. |
Trong số phi công trẻ lái Su30 đang được đào tạo tại Trung đoàn 935 thì chỉ duy nhất Thượng úy Trần Thanh Luân đã được thực hiện nhiệm vụ bay đêm, đây là vinh dự của một phi công trẻ khi được lãnh đạo trung đoàn tin tưởng về khả năng của người biên đội trưởng này. Do tính chất phức tạp của nhiệm vụ, cũng như đòi hỏi trình độ, khả năng quan sát, phán đoán của phi công nên các cấp chỉ huy phải cân nhắc thật kỹ lưỡng dựa theo nhiều tiêu chí để lựa chọn phi công trẻ phù hợp.
“Mỗi chuyến bay là một vinh dự, trách nhiệm của bản thân, dù là làm nhiệm vụ vài chục phút hay nhiều giờ đồng hồ thì phi công cũng phải dốc hết sức mình. Những người bạn đồng khóa của tôi, có người thì lái máy bay vận tải, người thì trực thăng chiến đấu, người thì lái phản lực… nhưng tất cả đều luôn tự hào là những phi công trẻ đang dốc sức cho Tổ quốc. Khi đã khoác lên người bộ đồ bay màu xanh da trời thì trong đầu chỉ có quân lệnh là trên hết, bao ưu tư, phiền muộn dưới mặt đất đều phải gác lại. Phi công là vậy đấy, nếu không có ý chí mãnh liệt và tinh thần thép thì khó lòng trụ vững” - Thượng úy Trần Thanh Luân kết thúc câu chuyện bằng ánh mắt sáng rỡ của người phi công tích lũy được trên 150 giờ bay.
Ðại tá Trần Văn Dũng, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 935, đánh giá: “Tuổi hưu của phi công là 52 nên không quân rất cần những phi công trẻ tài năng, có bản lĩnh, sức khỏe để gánh vác nhiệm vụ thay “lớp già” chúng tôi. Lứa phi công U.30 bây giờ có kiến thức, được rèn luyện trong thời bình với các phương tiện hiện đại nên có điều kiện tiếp thu kỹ hơn thế hệ trước, đó cũng là ưu thế để lớp trẻ phát huy sức mạnh, chinh phục các phương tiện hiện đại, làm chủ bầu trời Tổ quốc”. |
Đăng Tùng