Nên chọn loại pháo nào để vui Tết Quý Mão 2023 cho đúng luật; việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép sẽ bị xử lý ra sao? Trao đổi với Báo Đồng Nai về những thắc mắc nêu trên, đại tá TRẦN NGỌC MINH, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết:
Nên chọn loại pháo nào để vui Tết Quý Mão 2023 cho đúng luật; việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển và sử dụng pháo trái phép sẽ bị xử lý ra sao? Trao đổi với Báo Đồng Nai về những thắc mắc nêu trên, đại tá TRẦN NGỌC MINH, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh cho biết:
Đại tá Trần Ngọc Minh, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh. Ảnh: K.Liễu |
Quy định của Chính phủ chỉ cho phép người dân được sử dụng pháo hoa không nổ và mua tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa theo Nghị định 137/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý, sử dụng pháo có hiệu lực từ ngày 11-1-2021 thay thế Nghị định 36/2009/NĐ-CP (gọi tắt Nghị định 137).
* Trên thực tế, một bộ phận người dân đang hiểu nhầm việc cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo, ông giải thích vấn đề này như thế nào?
- Trường hợp người dân hiểu cho phép đốt pháo hoa đồng nghĩa với việc được đốt tất cả các loại pháo hoa là chưa đúng, chưa phân biệt rõ ràng giữa pháo hoa nổ và pháo hoa không nổ.
Nghị định 137 quy định, chỉ cho phép người dân được đốt pháo hoa không gây tiếng nổ. Khái niệm pháo nổ và pháo hoa được nêu rõ: pháo hoa là loại pháo chỉ phát sáng chứ không gây ra tiếng nổ.
Cụ thể, pháo hoa khi có tác động sẽ tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, ví dụ, pháo bông, pháo điện, pháo phụt… Còn pháo nổ khi có tác động sẽ gây ra tiếng nổ hoặc tiếng rít và hiệu ứng màu sắc trong không gian. Như vậy, dù người dân được phép đốt pháo hoa, song việc sử dụng pháo nổ hoặc pháo hoa nổ vẫn bị nghiêm cấm.
* Người dân cần lưu ý điều gì khi sử dụng pháo hoa, thưa đại tá?
- Theo quy định tại Điều 17 Nghị định 137, người dân được phép sử dụng pháo hoa, cụ thể: cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân chỉ cần có năng lực hành vi dân sự đầy đủ sẽ được sử dụng pháo hoa dịp lễ, Tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm và trong hoạt động văn hóa nghệ thuật. Tuy nhiên, các tổ chức, cá nhân khi sử dụng chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Ngoài ra, tại Khoản 1, Điều 5 Nghị định 137 quy định, nghiêm cấm người dân nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ (trừ trường hợp tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ nghiên cứu, sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu, cung cấp, vận chuyển, sử dụng pháo hoa nổ theo quy định tại Nghị định 137).
Các quy định cấm liên quan đến pháo Theo Nghị định 137 về quản lý, sử dụng pháo, các hành vi bị cấm như: nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng hoặc chiếm đoạt pháo nổ và nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép pháo hoa, thuốc pháo... Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm pháp mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. |
Người dân lưu ý chỉ được mua pháo hoa tại các tổ chức, doanh nghiệp được phép sản xuất, kinh doanh pháo hoa. Trên địa bàn tỉnh hiện có 3 điểm bán pháo hoa được cấp phép. Trong đó, TP.Biên Hòa có 2 điểm tại các địa chỉ: số 221, tổ 38, KP.9, P.Tân Phong và số 536, quốc lộ 1, P.Tân Hiệp. TP.Long Khánh có 1 điểm tại số 223, đường Khổng Tử, P.Xuân Trung.
Theo quy định, khi mua pháo hoa tại cửa hàng, người dân phải xuất trình giấy tờ tùy thân và được cấp bảng sao kê bán lẻ hàng hóa, dịch vụ. Đồng thời, các thông tin về chủng loại, số lô, địa chỉ sản xuất và hướng dẫn sử dụng được in rõ trên mỗi giàn pháo hoa, đảm bảo tính pháp lý.
* Theo ông, đâu là giải pháp để chấn chỉnh, ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng, mua bán pháo trái phép hiện nay?
- Thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp kiểm soát, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi vận chuyển, buôn bán, sử dụng pháo trái phép. Tuy nhiên, dịp gần Tết, tình trạng mua bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng pháo trái phép vẫn còn diễn ra. Hoạt động vận chuyển thường lợi dụng phương tiện được cấp “luồng xanh” để vận chuyển hàng hóa trái phép, trong đó có pháo. Một số cơ sở kinh doanh hàng hóa nhỏ, lẻ chỉ vì ham lợi nhuận từ việc buôn bán pháo trái phép nên vẫn lén lút hoạt động, các “đầu nậu” lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội, thường đăng tin quảng cáo giao dịch qua Zalo, Facebook…
Một đối tượng tàng trữ pháo hoa nổ bị công an bắt giữ |
Nguyên nhân xảy ra tình trạng trên phần lớn là do ý thức của người vi phạm về việc chấp hành pháp luật chưa được tốt. Công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về pháo, đặc biệt là Nghị định 137 của Chính phủ, chưa mang lại hiệu quả như mong đợi…
Để ngăn chặn, xử lý hành vi sử dụng, mua bán pháo trái phép hiện nay, cần chủ động triển khai sớm, đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cùng toàn thể nhân dân trong tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật liên quan; phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; nâng cao tinh thần tố giác của quần chúng nhân dân đối với hành vi vi phạm...
Ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, mỗi người dân cần tự giác nêu cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật, không mua bán, tiêu thụ, đốt pháo trong dịp Tết, qua đó góp phần đảm bảo an ninh trật tự để nhân dân vui Xuân, đón Tết bình yên, an toàn.
* Xin cảm ơn ông!
Kim Liễu (thực hiện)