Báo Đồng Nai điện tử
En

Đảm bảo an toàn đối với xe đưa đón học sinh

11:03, 27/03/2022

Sau hơn 10 tháng tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, từ tháng 2-2022, học sinh các cấp trong toàn tỉnh đã trở lại trường học tập. Bên cạnh vấn đề vừa học vừa nghiêm túc phòng, chống dịch bệnh thì công tác đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh cũng cần được chú trọng.

Sau hơn 10 tháng tạm nghỉ để phòng, chống dịch Covid-19, từ tháng 2-2022, học sinh các cấp trong toàn tỉnh đã trở lại trường học tập. Bên cạnh vấn đề vừa học vừa nghiêm túc phòng, chống dịch bệnh thì công tác đảm bảo an toàn giao thông cho học sinh cũng cần được chú trọng.

Lực lượng thanh tra giao thông Sở GT-VT kiểm tra xe đưa đón học sinh tại một trường học ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải
Lực lượng thanh tra giao thông Sở GT-VT kiểm tra xe đưa đón học sinh tại một trường học ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa). Ảnh: Thanh Hải

* Đưa đón học sinh bằng xe ô tô hoạt động trở lại

Tại Đồng Nai, nhiều địa phương như: Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch…, nhu cầu đưa đón học sinh bằng xe ô tô rất lớn. Hoạt động này làm giảm lượng lớn phương tiện tham gia giao thông giờ cao điểm, góp phần hạn chế ùn tắc giao thông; đồng thời giúp phụ huynh tiết kiệm thời gian ngày 2 buổi đưa đón con đến trường và về nhà.

Thế nhưng, trong quá trình hoạt động, vẫn còn những nhà xe, doanh nghiệp vận tải cung cấp dịch vụ chưa đưa ra được những biện pháp bảo đảm an toàn cho trẻ. Hậu quả là trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 sự cố xe đưa đón học sinh ở TP.Biên Hòa và H.Trảng Bom làm ngã văng học sinh xuống đường vào cuối tháng 11-2019. Sau các sự việc trên, sự vào cuộc của cơ quan chức năng, nhà trường, giáo viên và doanh nghiệp vận tải tải đã phần nào đưa hoạt động kinh doanh đối với xe đưa đón học sinh vào nề nếp.

Ông Lê Văn Tài làm nghề lái xe đưa đón học sinh cho một trường học ở P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho hay, chiếc xe 24 chỗ ngồi được ông đưa vào sử dụng hơn 5 năm nên chất lượng đảm bảo. Trên xe có gắn camera giám sát, thiết bị giám sát hành trình nên mọi hoạt động đều được truyền về cho đơn vị quản lý và cơ quan chức năng theo dõi. Ngoài mỗi xe có một tài xế thì trong quá trình lưu thông còn có một phụ xe làm nhiệm vụ quan sát, hướng dẫn học sinh.

“Chúng tôi ký cam kết với nhà trường, lực lượng chức năng đảm bảo đầy đủ quy định đối với phương tiện khi hoạt động. Nếu so với trước đây, phương tiện đều được nâng cấp, không cải tạo, thay đổi kết cấu; những xe nào không đạt chuẩn không được hoạt động” - ông Tài nói.

Tương tự, ông Hoàng Ngọc Duẫn, chủ doanh nghiệp vận tải tổ chức đưa đón học sinh (TP.Biên Hòa) chia sẻ, đơn vị kinh doanh vận tải muốn hoạt động phải được cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo quy định. Phương tiện phải có giấy chứng nhận đăng ký, đăng kiểm còn hiệu lực, được cấp phù hiệu “xe hợp đồng” và phù hiệu phải được niêm yết theo đúng quy định.

Theo ông Duẫn, trên xe còn được trang bị dụng cụ thoát hiểm, bình chữa cháy còn sử dụng được và còn hạn theo quy định. Phía sau ghế ngồi phải có bảng hướng dẫn về an toàn giao thông và thoát hiểm, hướng dẫn cách sử dụng bình cứu hỏa, búa thoát hiểm và hướng thoát hiểm khi xảy ra sự cố.

* Chấp hành các quy định, đảm bảo an toàn cho học sinh

Thực tế cho thấy, hoạt động vận chuyển học sinh bằng xe ô tô cần phải được quản lý chặt chẽ hơn nữa. Bởi thời gian qua, một số nơi vẫn còn xảy ra các vụ xe đưa đón học sinh gây tai nạn, làm rơi học sinh xuống đường trong quá trình lưu thông. Mới đây, vào ngày 22-11-2021, tại tỉnh Sơn La, chiếc xe đưa đón học sinh đang chạy bất ngờ bung cánh cửa khiến 4 em học sinh văng ra ngoài, một em tử vong. Trước đó, chiều 2-11-2021, tại tỉnh Đắk Lắk, một học sinh lớp 6 cũng bị văng khỏi xe đưa đón và tử vong khi chiếc xe không đóng cửa.

TS Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, cần phải có giải pháp triệt để về vấn đề này. Vai trò, trách nhiệm cơ quan chức năng tại địa phương rất quan trọng. Không những làm tốt công tác kiểm tra, giám sát mà còn phải tăng cường công tác tuyên truyền để cùng với nhà trường lựa chọn đơn vị kinh doanh vận tải hành khách đủ năng lực, đáp ứng đủ các điều kiện theo quy định của pháp luật để thực hiện dịch vụ đưa đón học sinh đến trường.

Bên cạnh đó, cần có các quy định hướng dẫn và giám sát cụ thể trong quá trình hoạt động của loại phương tiện này. Dự thảo sửa đổi Luật Giao thông đường bộ đã tích hợp nhiều quy định tiên tiến trong vận chuyển trẻ em như: quy tắc giao thông, phương tiện và yêu cầu đối với người lái. Khi luật này được thông qua sẽ là nền tảng và căn cứ để cập nhật các nội dung này vào Nghị định 10/2020/NĐ-CP ngày 17-1-2020 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô để tổ chức thực hiện.

Vừa qua, đoàn liên ngành gồm: Thanh tra giao thông (Sở GT-VT), Công an TP.Biên Hòa, Phòng GD-ĐT TP.Biên Hòa tiến hành ra quân thực hiện công tác kiểm tra, xử lý xe đưa đón học sinh trên địa bàn TP.Biên Hòa năm học 2021-2022. Theo đó, các lực lượng chức năng kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất đối với phương tiện, lái xe kinh doanh vận tải tham gia đưa đón học sinh. Tập trung chú trọng kiểm tra các điều kiện kinh doanh vận tải với loại phương tiện này như: phù hiệu, niên hạn sử dụng, hạn đăng kiểm, giám sát hành trình, camera giám sát…

Ông Lê Cao Trí, Đội phó Đội Thanh tra giao thông số 3 (khu vực TP.Biên Hòa) cho biết, để đảm bảo an toàn đối với xe đưa đón học sinh, việc tăng cường tuần tra, xử lý vi phạm đóng vai trò quan trọng. Qua kiểm tra, lực lượng chức năng chưa ghi nhận trường hợp vi phạm nào, các chủ xe và lái xe chấp hành khá tốt quy định về an toàn giao thông.

Trong thời gian tới, lực lượng chức năng sẽ kiểm tra, xử lý tại các khu vực, trường là “điểm nóng” xe đưa đón học sinh. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng xe hết niên hạn sử dụng, lái xe không có bằng lái xe, sử dụng phương tiện không đúng mục đích.

Thanh Hải

Tin xem nhiều