Vốn là một giáo viên nên khi bắt tay vào nghề báo tôi khá thận trọng và dè dặt trong mọi tình huống. Nhiều người vẫn nói nửa đùa nửa thật với tôi rằng: "Ông giống phong cách của một nhà giáo hơn là nhà báo".
Vốn là một giáo viên nên khi bắt tay vào nghề báo tôi khá thận trọng và dè dặt trong mọi tình huống. Nhiều người vẫn nói nửa đùa nửa thật với tôi rằng: “Ông giống phong cách của một nhà giáo hơn là nhà báo”.
Một lần nhà báo Danh Trường và nhà báo Vũ Hội (Báo Pháp luật TP.Hồ Chí Minh) mượn tiệm bán tạp hóa của người dân ở xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch để làm tin. |
Nhưng với phong cách nào thì tôi vẫn muốn làm một nhà báo chuyên nghiệp. Hình ảnh một ông giáo trường làng với tôi đó là một khuôn mẫu rất đẹp và đáng trân trọng. Thế nhưng sau nhiều năm gắn bó với nghề giáo tôi lại muốn thay đổi mình bằng một công việc khác để có cơ hội vật lộn, trăn trở với cuộc sống.
Ngày tôi bước chân vào Báo Đồng Nai (tháng 9-2009), trong tôi nghề báo cũng mới chỉ là nghề đi nhiều, gặp nhiều và biết nhiều chứ chưa thật sự có một khái niệm đầy đủ về nghề. Tôi chọn nghề báo điều đầu tiên vẫn chỉ là để thỏa chí của một thanh niên muốn vùng vẫy với xã hội rộng lớn mà thôi.
Được hơn 1 năm làm việc tại Báo Đồng Nai, tôi được phân công về Ban Pháp luật - đời sống và phụ trách ngay mảng nội chính thông tin thời sự “nóng”. Kinh nghiệm làm nghề chưa nhiều nhưng kể từ đó tôi bắt đầu tham gia vào những chuyến tác nghiệp “nóng” mà trước đó tôi chưa chứng kiến bao giờ. Nói về cái “nóng” trong những lần tác nghiệp của tôi thì khó mà kể không hết. Nhưng “nóng” nhất vẫn là việc làm sao để có được những thông tin nóng hổi và nhanh nhất đến được với bạn đọc trước những sự kiện thời sự, như: cháy nổ, tai nạn, các vụ án lớn xảy ra gây chấn động… Ngoài việc “nóng” về cập nhật thông tin thì tôi và các anh em đồng nghiệp vẫn thường phải tác nghiệp trong những môi trường “nóng” theo đúng nghĩa đen. Đó là những lần phải làm việc trong những điều kiện về không gian và thời gian rất đặc biệt, như: bến xe, ga tàu, chỗ nấu ăn, quán nhậu, gian hàng tạp hóa và ngay cả những lề đường, bãi đất. Còn thời gian tác nghiệp đối với tôi không nằm trong lịch công tác. Hễ có thông tin là bất kể nửa đêm hay lúc rạng sáng, trời nắng hay mưa cứ có tin là chạy ngay.
Nhà báo Danh Trường cùng với các nhà báo: Lê Kiệt, Phước Tuấn, Vương Thế tác nghiệp trong đêm tại TP.Biên Hòa. |
Kỷ niệm về những chuyến tác nghiệp “nóng” thì có nhiều nhưng trong mấy năm làm nghề tôi vẫn còn nhớ khá rõ một chuyến “đi đêm” rất đặc biệt. Đó là vào năm 2012, lúc đó đã 22 giờ tôi nhận được điện thoại của chú Huy Thanh (Tổng biên tập) báo rằng ở tỉnh lộ 767 (gần thị trấn Vĩnh An, huyện Vĩnh Cửu) có một vụ cháy xe ô tô vừa xảy ra. “Cháu xem đi ngay và gửi tin về trước 24 giờ, chú bảo anh em chờ. Nhớ đi cẩn thận”, chú Thanh còn dặn lại. Soạn ngay “hành lý” tôi phóng xe chạy thẳng về hướng thị trấn Vĩnh An. Khi tôi đến hiện trường đã gần 23 giờ, chiếc xe BMW 4 chỗ bị cháy nham nhở vẫn còn nằm bên lề đường. Một nhóm người cũng vừa tản ra xung quanh sau khi dập tắt ngọn lửa bùng phát ở phần đầu xe. Tôi rút ngay máy hình trong ba lô ra và bắt đầu bấm máy. Ngay lập tức một người đàn ông to cao đến gạt ngang và nói: “Tôi là chủ xe, anh không được chụp hình đăng báo đâu nhé”. Thấy người này làm căng tôi hỏi lại thì mới biết họ sợ đăng biển số chiếc xe lên báo sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp mà họ đang làm ăn. Biết được thóp tôi hứa sẽ không để lộ biển số chiếc xe bị cháy thì người này mới chấp nhận cho tôi chụp hình.
Nhà báo Danh Trường với nhà báo Phước Tuấn đi ghe trên rạch Bà Chèo (huyện Long Thành) để ghi nhận tình trạng ô nhiễm môi trường. |
Có hình, thông tin cũng khá đầy đủ nhưng lúc này tôi “nóng” nhất là tìm chỗ có đèn để gõ tin (vì đêm đã khuya, đèn đường không có). May mắn một tiệm nét gần đó vẫn còn sáng đèn, tội chạy xộc vào trong nói nhanh với chủ tiệm rồi cặm cụi gõ. Gửi xong bản tin, nhìn xuống đồng hồ thì chỉ thiếu 10 phút nữa là đến 24 giờ. Tôi thở phào và gọi điện báo cho Tổng biên tập: “Cháu gửi tin rồi chú nhé. Giờ cháu bắt đầu về”. Lúc này tỉnh lộ 767 vắng tanh không một bóng người. Trong tiếng rít của gió thổi mạnh hai bên tai, hơi lạnh càng đi càng thấm dần.
Có lẽ đến giờ với tôi những chuyện chạy làm tin “nóng” vẫn là chuyện thường trực. Nhiều lúc tôi khá căng thẳng với công việc nhưng sau mỗi sự kiện xảy ra ngồi xem lại những bản tin nóng đã làm tôi lại thấy mình “nguội” đi một chút. Chính sự điều hòa đó đã khiến tôi ngày càng “say” nghề để tiếp tục dấn thân.
Danh Trường
Phóng viên Ban Pháp luật - đời sống, Báo Đồng Nai