Tôi phụ trách mục tư vấn hôn nhân gia đình trên Báo Đồng Nai đã hơn chục năm, với hai bút danh là Ngọc Minh và Tâm Đan.
Tôi phụ trách mục tư vấn hôn nhân gia đình trên Báo Đồng Nai đã hơn chục năm, với hai bút danh là Ngọc Minh và Tâm Đan. Ban đầu, cái tên Ngọc Minh do nhà báo Trần Gia Minh chọn, thời anh còn làm Trưởng ban Văn hóa - xã hội của Báo Đồng Nai (hiện anh là Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Đồng Nai).
Sau vài năm, tôi rút lui để chị Lan Hương - một người bạn của tôi phụ trách, lý do tôi đã làm tư vấn hôn nhân - gia đình trên Báo Lao động Đồng Nai và sóng phát thanh của Đài PT-TH Đồng Nai với tên Thanh Hà rồi, không thể “ôm” thêm được nữa. Chị Lan Hương bèn đặt tên người phụ trách chuyên mục tư vấn là Tâm Đan. Chị đã làm công việc này rất tốt với cách trả lời thủ thỉ, tâm sự, đầy sức thuyết phục. Sau khi chị Lan Hương nghỉ, tôi trở lại phụ trách chuyên mục, cái tên Tâm Đan được giữ nguyên đến giờ. Phải nói ngay rằng tôi không có giọng điệu “rủ rỉ nhỏ to” được như chị Tâm Đan, “đất” cho chuyên mục này trên Báo Đồng Nai cũng hẹp hơn trước nên tôi thường viết ngắn gọn, thiên về việc hỏi, đáp vấn đề.
Nhớ một kỷ niệm nhỏ: khi còn bé tôi sống cùng gia đình ông bác ở phố Nam Đồng - Hà Nội, một buổi tối ông bác có khách đến chơi, mang theo một xấp bao thư. Vị khách ngồi bên bàn nước giở thư ra đọc rồi hý hoáy viết viết, xóa xóa. Tôi hỏi chú viết gì thế thì ông cười, trả lời là ông “đang làm chị Thanh Tâm của Báo Phụ nữ Việt Nam”. Ông còn cho biết, Báo Phụ nữ Việt Nam có một tổ gồm vài người chuyên làm việc này, hôm đó đến phiên của ông. Dù không biết rõ yêu cầu của chuyên mục nhưng tôi thấy công việc “hỏi gì đáp nấy” của vị khách thật thú vị, hấp dẫn. Không ngờ vài chục năm sau, chính tôi cũng đảm đương công việc mà người ta thường gọi vui là “chuyên gia gỡ rối tơ lòng”.
Bây giờ không khó để bạn tìm thấy mục tư vấn tình bạn, tình yêu và hôn nhân - gia đình trên các phương tiện truyền thông, với nhiều bút danh đình đám, như: Hạnh Dung (Báo Phụ nữ TP.Hồ Chí Minh, Anh Bồ câu (Báo Thanh Niên), Tầm Thư (Báo Tiền Phong), Chánh Văn (Báo Hoa học trò)… và còn có mặt cả trên báo điện tử. Đó là chưa kể nhiều vị bác sĩ cũng tham gia tư vấn về sức khỏe trên báo, như: bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, bác sĩ Trần Bồng Sơn, bác sĩ Thúy Tươi… Tùy vào cách thể hiện và trình độ chuyên môn của người phụ trách mà chuyên mục tạo ra sức hút khác nhau. Nhưng có một điểm chung của các nhà tư vấn là luôn phải cập nhật thông tin và học hỏi không ngừng, bởi tri thức của nhân loại là vô tận. Không được đào tạo bài bản, tôi phải tự bồi đắp kiến thức tổng quát qua tài liệu sách báo, qua đời sống xã hội, qua những gì mình trải nghiệm. Xã hội ngày nay nhiều vấn đề phức tạp, ảnh hưởng đến tâm lý, trạng thái tình cảm của con người. Không hiểu những biến động xã hội va đập vào các giác quan, chạm đến tầng sâu của cảm xúc, ý nghĩ, chi phối hành vi của con người thì khó mà lý giải hay hỗ trợ được về mặt tâm lý cho các thân chủ của mình.…
Thật ra, tôi không mấy tự tin về công việc gỡ rối, vì tôi chưa từng học về lĩnh vực tâm lý, giáo dục. Nói cách khác, tôi thật sự là một nhà tư vấn “tay ngang”. Nhưng nhiều năm làm công tác gia đình ở Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Đồng Nai, những lần làm báo cáo viên về hôn nhân gia đình, tôi thường nhận được sự chào đón nồng nhiệt của mọi người khi được giới thiệu là chị Tâm Đan của Báo Đồng Nai. Thì ra, các bà, các chị làm công tác phụ nữ thường tìm đọc mục tư vấn trên báo để… tham khảo khi xử lý những vấn đề phát sinh trong cộng đồng. Nhờ vậy mà chuyên mục gỡ rối trên Báo Đồng Nai luôn có độc giả, dù hầu hết họ là phụ nữ. Chính điều này đã động viên và tiếp thêm cho tôi động lực để tôi làm công việc của mình một cách cần mẫn, hứng thú.
Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp phát biểu tại hội nghị cộng tác viên Báo Đồng Nai năm 2014. |
Ai đó từng hỏi tôi, làm công tác tư vấn hôn nhân gia đình trên báo, đài có khó không? Dĩ nhiên là… không dễ, nhất là khi phải trả lời trực tiếp trên sóng phát thanh, không có bản nháp, không được biết trước câu hỏi. Chỉ cần nói sai một câu về kiến thức hay về luật pháp… là lập tức khán giả đã phản bác. Vì vậy, tôi thường chỉ nói, viết những gì mình am hiểu và biết là không sai, tránh bốc đồng, “nói dài, nói dai, nói dại”. Có thể ai đó sẽ bảo, 1.001 câu hỏi, đáp trên mặt báo chẳng có gì phức tạp, ai chẳng… biết. Vì quanh đi quẩn lại cũng chỉ là chuyện vợ chồng mâu thuẫn, ly thân ly dị, trục trặc chuyện phòng the, tình yêu trái ngang, bị người tình bỏ rơi, con riêng con chung, quan hệ cha mẹ, con cái, chị dâu em chồng, mẹ chồng nàng dâu, ghen tuông, stress… Đôi khi có những câu chuyện dính đến luật pháp như: bạo lực gia đình, tranh chấp tài sản, đất đai, quan hệ cấp trên cấp dưới, bạn bè, đồng nghiệp… Đúng là những người học cao hiểu rộng sẽ thấy toàn là những chuyện đơn giản, xử lý dễ như trở bàn tay. Nhưng bạn đừng quên là còn có rất nhiều người không được như bạn, nhất là những người trẻ còn non kinh nghiệm. Họ hoang mang, không biết mình xử sự đúng hay sai trong những mối quan hệ gia đình, xã hội chồng chéo, phức tạp, không biết nên chọn hướng đi nào, định hướng cho tương lai ra sao. Những người ấy rất cần sự sẻ chia, nâng đỡ tinh thần khi họ buồn bã, suy sụp vì thất bại, vì những sai lầm, rủi ro trong cuộc sống. Thời gian mới làm tư vấn đôi khi tôi choáng ngợp trước những lá thư viết tay dài hàng chục trang. Không ít những lá thư chữ viết nguệch ngoạc, sai chính tả. Nhưng từ khi có mạng internet, hầu hết thư đều chuyển qua email, nhiều người gửi luôn vào địa chỉ emal của tôi mà không qua tòa soạn báo. Dù là chuyển qua đường nào thì họ cũng được tôi hồi âm lại đầy đủ.
Người trả lời thư bạn đọc trên báo dĩ nhiên không phải là “thánh thần” để có thể thay đổi nhận thức, hành vi của bạn đọc, dẫn đến thay đổi số phận của họ chỉ bằng… vài trăm con chữ. Nhưng nhiều khi chỉ một vài gợi mở, một lời khích lệ, “mách nước” của nhà chuyên môn cũng khiến bạn đọc cảm thấy được an ủi, cảm thông, giúp họ bình tĩnh tìm lối ra cho sự bế tắc. Và với nhà tư vấn, đó chính là niềm vui…
Nhà văn Hoàng Ngọc Điệp
Phó chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh Đồng Nai