Ngay khi chập chững bước vào nghề báo và cho tới tận bây giờ, tôi vẫn làm theo phương châm này. Đó là điều tôi thấm nhuần từ người sếp đầu tiên được tôi tôn kính như người thầy trên con đường làm báo của mình. Đó là nhà báo Tống Ngọc Sâm, nguyên Trưởng ban Bạn đọc Báo Đồng Nai.
Ngay khi chập chững bước vào nghề báo và cho tới tận bây giờ, tôi vẫn làm theo phương châm này. Đó là điều tôi thấm nhuần từ người sếp đầu tiên được tôi tôn kính như người thầy trên con đường làm báo của mình. Đó là nhà báo Tống Ngọc Sâm, nguyên Trưởng ban Bạn đọc Báo Đồng Nai.
Nhà báo Ngọc Thư phỏng vấn Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021. |
Tôi còn nhớ, cách đây 13 năm, vào cuối năm 2003, khi tôi được nhận về tập sự tại Báo Đồng Nai, tôi được Ban biên tập phân công làm phóng viên ở Ban Bạn đọc, nơi chuyên tiếp nhận và xác minh đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ảnh bức xúc, kiến nghị của người dân. Có thể nói đây là khoảng thời gian vô cùng gian khó với một người có bản tính nhút nhát, lại thiếu kỹ năng mềm như tôi.
Ánh sáng luôn ở cuối đường hầm
Tôi còn nhớ như in ngày ấy, khi mỗi sáng thức dậy không biết viết cái gì? Nhớ như in sự thất vọng não nề khi lật tờ báo ra không có tin, bài của mình trong đó. Có lẽ trong nghề báo không có sự nản chí nào bằng việc bị đổ bài. Những giọt nước mắt đã bao lần rơi ướt gối khi mang tiếng đi làm gần cả năm trời vẫn để mẹ còng lưng đan lát nuôi các em ăn học. Trong khi bạn bè cùng trang lứa đều kiếm được nhiều tiền để phụ giúp gia đình, còn tôi, vẫn lĩnh khoản tiền “còm cõi” hàng tháng với những bài viết nhỏ, chỉ đủ chi phí đi lại làm báo.
Vào thời điểm đó, nhiều lúc tôi muốn bỏ nghề nếu không có sự động viên của nhiều đồng nghiệp đi trước, trong đó có nhà báo Tống Ngọc Sâm. Ông truyền ngọn lửa yêu nghề cho tôi từ câu chuyện nghề của chính ông. Từ những năm tác nghiệp gian khó trong thời bao cấp, những chuyến công tác dài ngày ở huyện bằng... đi bộ. Dù tác nghiệp trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng mọi người vẫn bám nghề, yêu nghề, riêng ông luôn nỗ lực tìm ra sự thật, minh oan cho người hiền, bảo vệ lẽ phải. Ông còn nói với tôi, làm nghề gì cũng có cái khó, để thành công thì phải tâm huyết với nghề; nếu thấy khó mà nản thì làm gì cũng thất bại. Chính vượt qua cái khó khăn mới thật sự trưởng thành và điều quan trọng phải sống tốt, phải có tấm lòng, nhất là trong nghề báo, cái tâm luôn đặt lên hàng đầu.
Tôi còn nhớ, nhiều lần nhà báo Tôn Hoàn, hiện là Tổng biên tập Báo Lao động Đồng Nai, lúc đó là Thư ký Tòa soạn Báo Đồng Nai, đã gọi tôi lên góp ý rất thẳng thắn về các bài viết của tôi còn thiếu logic, thiếu chặt chẽ, câu chữ chưa chuẩn... Tôi còn nhớ, anh chỉ nói một câu mà tôi thấm đến giờ: “Em phải thay đổi để xứng đáng là cựu học sinh trường chuyên của tỉnh đi chứ”. Điều này khiến tôi suy nghĩ rất nhiều, tại sao tôi được đào tạo bài bản lại làm dở như vậy? Tôi thấy mình không khác gì “con gà công nghiệp” khi còn thiếu nhiều kiến thức từ thực tế, ít va chạm, thiếu mạnh dạn lại luôn mang trong mình tâm trạng tự ti vì chưa được Báo Đồng Nai ký hợp đồng...
Vững niềm tin
Sự thay đổi của tôi bắt đầu từ việc đi cơ sở, bất cứ vụ việc được giao ở nơi nào tôi cũng đi. Có nhiều vụ đi về không viết được bài nhưng cho tôi nhiều trải nghiệm trong tác nghiệp khá thú vị, nhớ lại còn thấy mình liều lĩnh khi dám ngồi lên ghe nhỏ của 2 ông bà già 80 tuổi chèo vượt sông Thị Vải ở Nhơn Trạch giữa trời mưa to gió lớn để ra xác minh một khu đất đang tranh chấp; một mình xâm nhập vào bãi rác gây ô nhiễm ở phường Trảng Dài (TP.Biên Hòa) để chụp hình, bị bảo vệ giữ lại; không ít lần đi xe máy một mình đến nhà người dân ở trong đồi, trong rẫy vắng người...
Tôi nỗ lực xác minh vụ việc kỹ lưỡng từ nhiều phía, kiến thức nào không vững tôi nhờ luật sư hoặc đồng nghiệp đi trước trước tư vấn. Tôi kỹ lưỡng hơn trong cách viết. Và từ cuộc sống, từ cơ sở tôi tìm được nhiều đề tài, các bài viết nhờ có hơi thở cuộc sống đã được đăng đều, đều. Khỏi phải nói, trong nghề báo không có gì vui, phấn khởi khi thấy bài của mình được đăng báo. Đến giờ nhớ lại tôi lại cảm ơn 10 năm gắn bó với công tác bạn đọc, với việc đi qua quá nhiều gian khó đã giúp tôi không còn thấy quá nhiều khó khăn trên con đường phía trước, dù biết rằng con đường tôi đang đi còn không ít gian nan.
Nhà báo Ngọc Thư (giữa) chụp hình kỷ niệm với nhà báo Tống Ngọc Sâm, Minh Nguyệt, Hồ Chừng, Kim Liễu tại Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai, tháng 9-2015. |
Đến nay, tôi đi làm báo được 13 năm, trải qua nhiều lĩnh vực tuyên truyền từ công tác bạn đọc, đến chính trị, y tế... nhưng vẫn thấy mình còn rất nhỏ bé trước truyền thống làm báo của các thế hệ cha chú đi trước. Những người trẻ như tôi chắc chắn sẽ luôn tự hào khi là những thế hệ tiếp nối truyền thống vinh quang ấy. Tôi đã và vẫn đang làm việc bằng cả niềm tin và tấm lòng hướng về tờ báo; hướng về những thế hệ đi trước, những đồng nghiệp thân yêu. Tôi cảm ơn vì tuổi trẻ của mình đã tìm thấy con đường đi, lý tưởng sống và đã thực sự trưởng thành tại đây.
Và tôi hiểu rằng, trên con đường phía trước, mình còn phải học hỏi nhiều hơn nữa, làm nhiều việc hơn nữa, phải chuyên tâm hơn nữa, không ngừng đổi mới, sáng tạo để xây dựng tờ Báo Đồng Nai ngày càng hay, càng được bạn đọc quan tâm hơn nữa.
Ngọc Thư
Phóng viên Ban Văn hóa - xã hội, Báo Đồng Nai