Tôi là một người trẻ và chặng đường nghề báo của tôi khá "đặc biệt". Đến nay, trong 6 năm tuổi nghề, tôi chỉ có… 1 năm làm phóng viên, 5 năm làm biên tập viên. Hai giai đoạn này lại còn bị gián đoạn một thời gian.
Tôi là một người trẻ và chặng đường nghề báo của tôi khá “đặc biệt”. Đến nay, trong 6 năm tuổi nghề, tôi chỉ có… 1 năm làm phóng viên, 5 năm làm biên tập viên. Hai giai đoạn này lại còn bị gián đoạn một thời gian.
Vì khá đặc biệt như vậy nên bản thân tôi luôn cố gắng trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, rèn luyện ứng xử để đáp lại sự tin tưởng, ân tình của Báo Đồng Nai.
2 lần - lạ mà quen, quen mà lạ!
Tháng 7-2009, trong đợt tiếp sức mùa thi do Ban Văn hóa - xã hội Báo Đồng Nai tổ chức, trả lời câu hỏi của một em học sinh “Gia đình cháu khó khăn, lại không quen biết ai trong cơ quan nhà nước, xin hỏi, cháu nên học ngành gì để có việc làm khi ra trường?”, nhà báo Đỗ Trung Tiến, Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai khi ấy, khuyên em ấy nên nỗ lực học tập theo đam mê và đã dẫn chứng trường hợp của tôi - là sinh viên mới ra trường, người ngoại tỉnh, cũng không có người thân, không thuộc diện ưu tiên gì ở Đồng Nai, nhưng nếu đáp ứng được yêu cầu công việc thì cơ quan Báo Đồng Nai sẵn sàng được nhận vào làm phóng viên chính thức, không phải tốn bất kỳ chi phí nào.
Ở Báo Đồng Nai, phòng tổng biên tập, tòa soạn và chế bản sáng đèn đến quá 12 giờ khuya chờ sự kiện là chuyện thường. Có những đợt làm việc cao điểm, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp mất, sự cố sập cầu Ghềnh, Đại hội Đảng, bầu cử… báo khép trang lúc 1 giờ sáng, lãnh đạo báo, thư ký tòa soạn, bộ phận trình bày, sửa morrase mới rời cơ quan trong màn mưa giăng để tỏa về nhà qua các ngã: sân bay Biên Hòa, cù lao Phố, cầu Hóa An… Vậy mà sáng sớm hôm sau, họ vẫn là những người có mặt sớm nhất ở cơ quan để có thể cầm trên tay tờ Báo Đồng Nai còn nóng hổi... |
Quả thật, ấn tượng của tôi về Báo Đồng Nai là sự cởi mở của ban lãnh đạo báo: không có bất kỳ sự phân biệt giữa người quê gốc Đồng Nai hay không, gia đình thân thế thế nào... Tôi được phân công thử việc ở Ban Văn hóa - xã hội. Được sự hướng dẫn nhiệt tình của trưởng ban, cô sinh viên mới ra trường là tôi bắt đầu guồng quay sôi động của một phóng viên với những tin tức thời sự quan trọng, những phóng sự và nhiều loạt bài phản ánh tiêu cực… Trưởng ban bảo: “Về Đồng Nai là phải biết Chiến khu Đ”. Tôi dần quen với Chiến khu Đ, một lần rồi nhiều lần, quen với những chuyến công tác phải xuất hành từ sớm để đến các vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, những đợt ngủ rừng thú vị, những đợt làm việc có chính khách… Hành trình khám phá Đồng Nai cứ vậy mà mở ra, giúp tôi tường tận về đất và người ở đây nhiều hơn cả vùng quê Lâm Đồng nơi tôi sinh ra và lớn lên. Ban biên tập Báo Đồng Nai trao cho tôi cơ hội là phóng viên chính thức của báo sau tròn 1 tháng thử việc.
Được ký hợp đồng thuộc loại kỷ lục nhưng không phải đường vào đời, vào nghề của tôi hoàn toàn là thảm đỏ. Đằng sau niềm vui khi có bài được đăng báo, tôi cũng nhận không ít “phản ánh” gián tiếp hoặc trực tiếp. Ở lứa tuổi 22 khi ấy, những áp lực này khiến tôi sốc và câu chữ của tôi không thể “tròn vành” như vốn vậy! Nhưng giờ khi ở tuổi 30, tôi nghĩ rằng thời gian sẽ là cơ hội để tôi và mọi người hiểu về nhau hơn.
Sau hơn 2 năm tiếp tục theo đuổi con chữ và việc gia đình, một lần nữa, Báo Đồng Nai cho tôi có cơ hội làm việc gần nhà, đúng với chuyên môn và đam mê của mình. Yên tâm công tác trong vai trò mới, tôi có nhiều bài học mới và sự trưởng thành mới.
Không thể lơ là với từng chi tiết
Vốn liếng làm báo ngoài những tấm bằng được đào tạo chính quy, kinh nghiệm thực tế ít ỏi trong 1 năm làm phóng viên, lại bị gián đoạn, tuổi đời khi ấy lại trẻ nhất phòng, trẻ nhất cơ quan, tôi như không mấy tự tin khi nhận nhiệm vụ được Tổng biên tập Trần Huy Thanh giao cho. Nhận được sự tin tưởng ấy, tôi bắt đầu học từ điều “vỡ lòng”.
Nhập môn biên tập viên của tôi khi ấy là chuẩn viết hoa, viết tắt và văn phong của Báo Đồng Nai. Nói thì hơi quá, nhưng đến giờ này tôi mới cảm nhận, những điều “nhỏ” như vậy rất quý giá đối với mình. Vững vàng thuộc và tuân thủ quy chuẩn của tòa soạn, tôi dần tiếp cận cách thức biên tập báo. Tôi luôn thích thú mỗi lần tự nhận về mình “trọng trách” sửa lỗi bản tin và chuyển trang đã biên tập (dù việc này đã có bộ phận khác thực hiện). Qua bản sửa lỗi với chi chít màu viết xanh - đỏ, tôi học được cách thức biên tập một bản tin, một bài viết như thế nào cho súc tích, cho đúng ý và hấp dẫn… May mắn là tôi được các anh, chị trong phòng “truyền nghề” vì khi biên tập đến chi tiết nào cần lưu ý, các anh chị trong phòng đều trao đổi để tôi ghi nhớ.
Hàng tháng nhà báo Thùy Trang còn dành 2 buổi giảng dạy, sinh hoạt với Câu lạc bộ phóng viên nhí của Nhà thiếu nhi Đồng Nai. Trong ảnh: Thùy Trang cùng Thư ký Tòa soạn giới thiệu với các em trong câu lạc bộ về quy trình làm báo. |
Có điều kiện làm việc gần “tổng hành dinh” của báo, tôi hiểu hơn lời Tổng biên tập báo hay nhắc nhở: “Làm báo là làm chính trị - nhất là ở cơ quan báo Đảng như Báo Đồng Nai” - điều mà trước đây, trong những môi trường khác, tôi chưa nắm hết tầm quan trọng và ý nghĩa của nó. Tôi đã từng có những câu hỏi rất “sơ đẳng” về chính trị với Thư ký tòa soạn. Ban đầu tôi nghĩ lãnh đạo phòng sẽ nhìn tôi “mắt tròn mắt dẹt”, nhưng ngược lại, tôi được giải thích tường tận, có dẫn chứng liên hệ thực tế đến cách thức xử lý tin bài, tổ chức trang báo. Những lần sau, những gì không hiểu, chưa nắm, tôi luôn mạnh dạn hỏi và trao đổi công việc cụ thể.
Nhờ vậy, tôi cũng có thêm tự tin với công việc của mình. Ban đầu tôi chỉ được giao xử lý những tin vắn đơn thuần, sau này tôi được giao xử lý những tin, bài khó hơn. Hay thời gian đầu, tôi được giao cho tổ chức vài trang đơn giản, về sau này đến khi có việc đột xuất, có những số báo tôi một mình “quán xuyến” tổ chức trang cơ bản trước khi trình Thư ký tòa soạn và Ban biên tập.
Tuy thế, tôi cũng không tránh khỏi những tai nạn trong công việc, đó là khi lấy sót tin, lấy nhầm tin, ghi tên file gây nhầm lẫn dẫn đến lấy hình sai, hay biên tập với mẫu chữ quá xấu, người sửa không đọc ra nên sửa sai… Tất cả những điều này luôn nhắc nhở và rèn cho tôi sự cẩn trọng, không thể lơ là kể cả chi tiết nhỏ nhất, trong quy trình xuất bản báo.
Thùy Trang
Biên tập viên Phòng Tòa soạn, Báo Đồng Nai