Tôi chính thức vào làm việc ở báo Đồng Nai từ ngày 1-6-1993. 23 năm trong nghề báo, tôi đã trải nghiệm nhiều điều thú vị nhưng cũng lắm cơ cực. Song, chính những khó khăn đó đã rèn luyện tôi từng bước trưởng thành...
Tôi chính thức vào làm việc ở báo Đồng Nai từ ngày 1-6-1993. 23 năm trong nghề báo, tôi đã trải nghiệm nhiều điều thú vị nhưng cũng lắm cơ cực. Song, chính những khó khăn đó đã rèn luyện tôi từng bước trưởng thành...
Ông Vũ Đức Liêm (bìa phải), ngụ xã Bắc Sơn (huyện Trảng Bom) - nạn nhân của vụ thi hành án sai kéo dài hơn 15 năm mới được bồi thường. Vụ án này tác giả (bìa trái) đã kỳ công đeo bám suốt từng ấy thời gian. (ảnh chụp năm 2008). |
Trong những phóng sự điều tra mà tôi thực hiện, đậm nét nhất là vụ đánh chết người ở xã Xuân Định (huyện Xuân Lộc) năm 2000 (loạt bài nhiều kỳ đạt giải nhì Ngòi viết vàng lần thứ 12-2001). Nạn nhân là một nông dân, trong một đêm đi về khuya bị một số người cho rằng trộm tiêu nên đánh đến chết. Trong số những người tham gia bạo hành nạn nhân, có cả cán bộ Công an xã Xuân Định.
Một mình “bơi” trước vụ án đang điều tra nên tôi phải “nằm vùng” ở địa bàn này nhiều ngày liền. Cơ quan điều tra thông báo kết luận vụ án, khẳng định nạn nhân vì đi trộm tiêu nên bị người dân quá khích đánh chết. Thời điểm đó, chỉ duy nhất Báo Đồng Nai đăng liên tục hàng chục tin bài, không đồng ý với kết luận này, trong khi một số báo khác thông tin dựa trên kết luận của công an. Những bài viết trên Báo Đồng Nai dẫn chứng cụ thể những điều bất hợp lý khi quy kết nạn nhân là kẻ trộm. Sau khi Báo Đồng Nai đăng bài, Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì cuộc họp với các ngành liên quan để làm rõ những thông tin báo đăng. Tại cuộc họp này, các ngành đều ủng hộ Báo Đồng Nai và đề nghị cơ quan chức năng xem xét lại. Sau đó, cơ quan điều tra Công an tỉnh đã phải sửa lại kết luận điều tra, thay nội dung “nạn nhân đi trộm tiêu” thành “vì nghi ngờ nạn nhân đi trộm tiêu” nên bị đánh chết.
Năm 2006, một sự kiện làm xôn xao dư luận, đó là việc Giám đốc Công ty TNHH một thành viên thủy lợi Đồng Nai từ chối 14 tỷ đồng tiền ngân sách để xây dựng Trạm bơm điện Cao Cang ở huyện Định Quán. Thời điểm đó, việc không nhận kinh phí của Nhà nước quả là chuyện lạ. Tôi liền vào cuộc và mới hiểu vị giám đốc này dám “chống” lại lệnh cấp trên là có cơ sở. Theo ông, việc đầu tư như vậy là lãng phí, vì chỉ cần 20 triệu đồng nâng cấp hệ thống thủy lợi tự chảy có sẵn dẫn nước từ đập Đồng Hiệp đến các cánh đồng là đủ nước tưới cho hàng ngàn diện tích lúa 3 vụ ở Phú Điền (huyện Tân Phú) và Phú Hòa (huyện Định Quán). Sau khi Báo Đồng Nai đăng loạt bài 3 kỳ, đích thân đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Trần Đình Thành và Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Lê Hồng Phương đi kiểm tra thực tế. Qua đó, dự án ngừng triển khai xây dựng. Loạt bài “Thấy gì qua những công trình thủy lợi ở Đồng Nai?”, Báo Đồng Nai đoạt giải nhất Ngòi viết vàng lần thứ 18-2006.
Giữa năm 2009, đi tuyến đường nào ở Đồng Nai tôi cũng thấy trạm thu phí giao thông, tôi thực hiện loạt bài 3 kỳ “Giật mình với trạm thu phí giao thông” (đạt giải khuyến khích Giải báo chí Quốc gia năm 2010 và giải ba Ngòi viết vàng lần thứ 22). Đi sâu vào vấn đề, tôi đã chỉ rõ những bất cập khi trạm thu phí đặt gần nhau, sai quy định mỗi trạm cách nhau 70km, nhất là một vài tuyến đường rất xấu nhưng vẫn thu phí. Báo phát hành, HĐND tỉnh lên tiếng, quốc lộ 20 được nâng cấp, Trạm thu phí Định Quán được dời lên huyện Tân Phú, nơi giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Khi trạm thu phí này được chuyển đi, nhiều cán bộ ở huyện Tân Phú đã gọi điện động viên, cho rằng báo chí đã góp công lớn khi “xóa sổ” được trạm thu phí đặt tại vị trí cũ vì không phù hợp. Tồn tại này khiến nhiều năm liền các đơn vị Nhà nước từ Tân Phú về tỉnh họp hoặc đi công tác trên quốc lộ 20 bị mất “oan” khoản tiền lớn.
Trong gần 10 ký sự đường rừng tôi đã thực hiện từ năm 1997 đến sau này, có loạt bài 3 kỳ: “Để máu rừng thôi chảy” đạt giải ba Ngòi viết vàng lần thứ 12-2001, viết về Lâm trường Tân Phú liên tục bị lâm tặc vào hủy hoại rừng. Lội rừng hơn 3 giờ đồng hồ để đến với khu vực giáp ranh với huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận); ngủ đêm tại trạm gác của kiểm lâm tôi mới thấy hết nỗi khổ mà những người giữ rừng phải đối mặt. Đó là lâm tặc, là thú dữ và cả bệnh tật đe dọa.
Tác giả (áo sáng) trong lần đi thực hiện phóng sự về vùng giáp ranh Đồng Nai - Bình Phước năm 2009. |
Tuy nhiên, những cơ cực của hôm nằm rừng đó không thú vị bằng lần đi thực hiện phóng sự 2 kỳ viết về công tác giữ rừng ở vùng giáp ranh Đồng Nai - Bình Phước vào tháng 5-2009. Trước khi tôi cùng với anh em kiểm lâm Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai vào rừng, Giám đốc Trần Văn Mùi “chỉ đạo” nhân viên: “Mấy cháu nhớ đem theo một chiếc võng”. Một anh kiểm lâm ngạc nhiên hỏi lại: “Chi vậy chú?”. Ông tỉnh bơ: “Để khiêng ông Tạ Nguyên từ rừng ra”. Nói rồi ông cười. Ý ông là nhà báo như tôi thì khó có thể đi rừng được. Thế nhưng, tôi đã chứng tỏ “bản lĩnh” của mình khi ra về an toàn sau hơn 7 tiếng băng rừng để mục sở thị một bên là rừng xanh tốt (tỉnh Đồng Nai), còn một bên là… đồi trọc (tỉnh Bình Phước).
Hay như quá trình thực hiện loạt bài 4 kỳ về dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A (giải nhất Ngòi viết vàng Đồng Nai lần thứ 23-2012), có lần tôi và hơn 20 nhà báo khác cùng các nhà khoa học đã phải trèo đèo, lội suối, xuyên rừng để đến thượng nguồn sông Đồng Nai thuộc địa phận tỉnh Lâm Đồng - địa điểm dự kiến xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 6 và 6A. Đường dài vài chục km, chúng tôi xuất phát khoảng 8 giờ sáng. Lúc trở ra là xế chiều. Đáng kể là khi chỉ còn vài km nữa là ra tới chỗ xe tập trung, nhưng hầu hết các nhà báo không thể “lê” chân được liền thuê xe ôm chở 3 người từng chuyến một, mỗi chuyến phải trả mấy trăm ngàn đồng. Riêng tôi, cứ chậm rãi cuốc bộ và… “cán đích” trước sự ngạc nhiên của các nhà báo trẻ.
Với “nghiệp” báo, tôi có nhiều niềm vui khi được bạn đọc đón nhận tác phẩm, song cũng trải qua không ít nỗi buồn, trăn trở, day dứt. Bởi có vấn đề tôi chỉ biết cảm thông, chia sẻ trên từng trang viết về số phận của những cảnh đời nhưng vì nhiều lý do nên chưa đi đến tận cùng sự việc.
Tạ Nguyên