Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài học đáng nhớ về một bài báo...

03:06, 13/06/2016

Hơn 37 năm say mê với nghề làm báo, trong đó có hơn 22 năm làm phóng viên Báo Đồng Nai, không thể cộng đếm được trong suốt thời gian đó, tôi đã viết và đăng trên báo chí Trung ương và địa phương bao nhiêu tin, bài…

Hơn 37 năm say mê với nghề làm báo, trong đó có hơn 22 năm làm phóng viên Báo Đồng Nai, không thể cộng đếm được trong suốt thời gian đó, tôi đã viết và đăng trên báo chí Trung ương và địa phương bao nhiêu tin, bài… Chỉ biết rằng, trong hàng ngàn tin, bài đã đăng, nhiều tin bài chỉ mang tính thời sự, phản ánh những sự việc, sự kiện trong đời sống kinh tế - xã hội theo thời gian, dần dần đều trôi vào quên lãng. Nhưng có những tin bài đã đi vào lòng bạn đọc, được dư luận xã hội tại thời điểm đó quan tâm, theo dõi và chia sẻ.

Mới đây, tôi có dịp gặp lại Ni sư Thích nữ Huệ Từ, tức chị Nguyễn Thị Hồng, trước đây là Chủ nhiệm Hợp tác xã đan lát xuất khẩu Thành Công, đơn vị lá cờ đầu của ngành tiểu thủ công nghiệp TP.Biên Hòa thời bấy giờ. Sau vài câu thăm hỏi thân tình, chị Hồng bỗng nhắc lại câu chuyện về một vị chủ nhiệm Hợp tác xã mà ngày ấy, cũng là đơn vị làm ăn giỏi “nổi tiếng” trong ngành tiểu thủ công nghiệp tỉnh Đồng Nai, từng được nhiều đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện tới thăm và xem như một “mô hình” mới trong phong trào phát triển kinh tế tập thể ở địa phương. Được giới thiệu là “điển hình” tiên tiến, nên tôi đã về tìm hiểu và viết tin bài tuyên truyền trên Báo Đồng Nai và một số báo khác. Nhưng chỉ vài ba năm sau, đơn vị đó bị thanh tra, điều tra và người đứng đầu đơn vị bị khởi tố, phải chịu án phạt tù 20 năm với tội danh “lợi dung tín nhiệm để lừa đảo, gây hậu quả nghiêm trọng…”.

Câu chuyện và bài báo tôi viết cách đây đã gần 20 năm, nhưng vẫn đọng lại trong tôi như một bài học trong cuộc đời làm báo. Hồi đó, tôi là phóng viên thuộc Ban Kinh tế Báo Đồng Nai, ngoài các lĩnh vực viết về các ngành thương mại - du lịch, quản lý thị trường, hải quan… tôi còn được phân công chuyên viết về kinh tế khu vực ngoài quốc doanh. Trong các năm 1984-1985, tỉnh Đồng Nai ban hành Quyết định 784, khuyến khích cơ sở tập thể và tư nhân đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh theo hướng đa ngành nghề. Thời điểm này Cơ sở Tấn Phát được UBND huyện Long Đất (lúc đó thuộc tỉnh Đồng Nai) xây dựng thành một điển hình về kinh tế tập thể. Và đúng là ở vào giai đoạn này, Cơ sở Tấn Phát “ăn nên làm ra’” từ sản xuất các sản phẩm đồ nhôm, tiêu thụ trong nước, rồi cơ sở được chỉ đạo thành lập Hợp tác xã Tấn Phát với quy mô sản xuất lớn hơn. Các đoàn tham quan từ tỉnh đến trung ương thường xuyên đến cơ sở, rồi báo chí địa phương và trung ương xúm vào tuyên truyền thành một trong những “ngọn cờ đầu” của ngành tiểu thủ công nghiệp tỉnh. Nhiều bằng khen, giấy khen các cấp tặng cho tập thể, cá nhân. Và, chị chủ cơ sở - một phụ nữ nhân từ, chân thật, thuộc diện gia đình chính sách được công nhận là “chủ nhiệm giỏi’’, được bầu vào HĐND huyện. Nhưng đến năm 1990, hợp tác xã phá sản, chủ nhiệm bị bắt giam, bị kết tội, làm ăn không hiệu quả, vi phạm các nguyên tắc tài chính, lợi dụng tín nhiệm để lừa đảo, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Khi biết điều này, tôi thật sự hoang mang, vì với chức năng của một nhà báo, tôi đã có những đóng góp trong quá trình tuyên truyền, góp phần xây dựng hợp tác xã này thành một “điển hình” trong phát triển kinh tế tập thể ở địa phương. Các tin, bài của tôi thường được khai thác tài liệu từ các báo cáo của ngành, của UBND xã và huyện, hoặc trực tiếp làm việc với Chủ nhiệm hợp tác xã tại cơ sở. Vậy thì nguyên nhân nào đã làm cho một đơn vị “điển hình” tiên tiến sụp đổ chóng vánh như vậy?

Lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút đã thôi thúc tôi phải đi tìm câu trả lời. Thế là một cuộc “hành trình đi tìm lời giải” cho “điển hình” Hợp tác xã Tấn Phát được tôi lên kế hoạch, Ban biên tập và trực tiếp là Ban Kinh tế Báo Đồng Nai chấp thuận. Sau một thời gian âm thầm vận dụng phương cách điều tra sưu tầm tài liệu báo chí, tôi đã viết bài báo “Vì sao Nguyễn Thị Thanh Vân, từ một người có thiện chí, trở thành kẻ lừa đảo” đăng Báo Đồng Nai năm 1991. Khi báo phát hành, nhiều người tìm đọc, một số cơ quan chức trách có gặp tác giả để trao đổi một số vấn đề liên quan đến khía cạnh luật pháp của bài báo, và trong một chừng mực nào đó tôi đã góp phần “thanh minh” cho chị Nguyễn Thị Thanh Vân. Tuy nhiên, ‘’án tại hồ sơ’’, nhiều chứng cứ chống lại chị, bởi ngày đó chị đã “mạnh dạn” làm ăn theo cung cách “điếc không sợ súng”. Một phần do trình độ học vấn thấp (9/10), không nắm vững luật pháp, không đủ kiến thức về quản lý tài chính và kinh tế thị trường; lại được báo chí tuyên truyền thổi phồng thành “điển hình tiên tiến” và đặc biệt là được sự khuyến khích, ủng hộ tối đa của các cấp lãnh đạo từ địa phương đến cấp tỉnh; cộng với sự “cả tin” tạo điều kiện “giúp đỡ” có phần khá chủ quan của các ban ngành quản lý và các đơn vị thuộc lĩnh vực tài chính, ngân hàng… Tất cả dường như đã cùng nhau đưa nữ Chủ nhiệm leo lên “lưng cọp” nhằm khuấy động và định hướng cho phong trào. Trong khi đó hợp tác xã lại chưa xây dựng được kế hoạch, phương hướng phát triển khoa học, phù hợp với cơ chế thị trường của một tập thể kinh tế muốn mở rộng quy mô sản xuất lớn hơn. Nhưng nhờ có được“uy tín” cá nhân, nhân danh tập thể “điển hình” tiên tiến, chị Thanh Vân đi vay tiền rất dễ. Vay ngân hàng với lãi suất khá cao, vay tiền và vàng của người dân với lãi suất từ 15-17%/tháng; nhưng trên thực tế toàn bộ số tiền vay được đều dành để trả lương cho người lao động, mua nguyên vật liệu sản xuất và các chi phí liên quan, “bồi dưỡng” cán bộ nhân viên các phòng ban, tài chính, ngân hàng… Thậm chí còn dùng làm “từ thiện” từ số tiền vay với lãi suất cao này. Cứ thế, nợ chồng thêm nợ, trong khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, do giá thành đội lên cao ngất ngưởng, đành chất đống trong kho. Hợp tác xã lâm vào ngõ cụt, các khoản vay vốn thì “lãi mẹ đẻ lãi con”, đáo hạn thanh toán, không có nguồn để trả, đành khất lần rồi chây ì. Thế là xuất hiện một “làn sóng” đơn tố cáo, đòi nợ, gửi đến các cơ quan pháp luật. Khi các cán bộ điều tra vào cuộc, phát hiện có rất nhiều sai phạm, nhiều khoản “đầu tư’’ không thể chứng minh được rõ ràng, nhiều khoản “đầu tư” không tên, sổ sách kế toán không khoa học, ghi chép lộn xộn theo cung cách của một bà chủ tiệm tạp hóa tư nhân, chả biết đâu mà lần. Nhưng tổng số tiền vay nợ khổng lồ thì tất cả đều rành rành chứng cứ.

Bài báo mang tính chất “giải trình” cho Chủ nhiệm hợp tác xã dù không cứu được chị thoát án, nhưng dù sao tôi cũng cảm thấy nhẹ lòng hơn vì đã phần nào lý giải nguyên nhân sụp đổ của một đơn vị “điển hình”cán bộ địa phương và báo chí đã góp phần “xây dựng” nên. Bài báo này sau đó, được Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai xét tặng giải nhì giải Ngòi viết vàng năm 1992. Nhưng bài học đáng nhớ đối với tôi là: người làm báo phải trang bị cho mình kiến thức sâu rộng cả về chính trị, văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ và quản lý kinh tế - xã hội. Phải bằng chính kiến thức và bản lĩnh của mình để nghiên cứu, tìm hiểu, điều tra kỹ lưỡng, khách quan, đa chiều, trên cơ sở khoa học để nhận biết chính xác những sự kiện, nhân tố điển hình diễn ra trong cuộc sống…

LÊ HƯƠNG THƠM

Nguyên phóng viên Ban Kinh tế, Báo Đồng Nai

 

 

Tin xem nhiều