Tôi vào Báo Đồng Nai như là một duyên nghiệp, vì thời trung học tôi học ban toán, không hề có năng khiếu gì về văn chương, chữ nghĩa kém cỏi và trong đầu tôi khi mơ ước về tương lai cũng không hề nghĩ sẽ đi làm báo.
Tôi vào Báo Đồng Nai như là một duyên nghiệp, vì thời trung học tôi học ban toán, không hề có năng khiếu gì về văn chương, chữ nghĩa kém cỏi và trong đầu tôi khi mơ ước về tương lai cũng không hề nghĩ sẽ đi làm báo.
Nhà báo Xuân Phú tác nghiệp tại Washington D.C (Hoa Kỳ). |
Đến khi vào Báo Đồng Nai trong những năm ăn uống kham khổ, thiếu thốn, tôi “bỗng dưng” bị hen suyễn, cái bệnh này hành hạ tôi hơn chục năm trời, hễ trái gió trở trời là đi cấp cứu. Các đồng nghiệp gọi tôi là “cây ăng-ten của thời tiết”! Một vị bác sĩ quen biết khuyên tôi nên bỏ nghề làm báo, tìm công việc khác cho phù hợp với sức khỏe… Vậy mà, tôi đã gắn bó với Báo Đồng Nai hết cả cuộc đời, tính đến nay đã 40 năm, nếu cộng cả thời gian làm việc của bà xã tôi (nhà báo Kim Loan) thì gia đình tôi có đến hơn 70 năm làm việc, cống hiến cho Báo Đồng Nai.
Tôi không hề có ý định lấy tuổi nghề ra để “hù“ ai và cũng không hề nghĩ là cứ làm báo lâu năm thì có thể trở thành “cây đa, cây đề” để lên giọng điệu với các đồng nghiệp nhỏ tuổi hơn mình. Ngẫm nghĩ cả đời làm báo, tôi thấy có nhiều điều vô cùng thú vị, không biết các nghề nghiệp khác có được như vậy không? Vượt qua rất nhiều vất vả, khó khăn, yếu kém của bản thân, tôi thấy nghề báo giúp tôi trưởng thành nhanh, được đi nhiều và tiếp xúc với đủ các tầng lớp trong xã hội, từ quan chức lãnh đạo xuống nhân viên quèn, doanh nhân tên tuổi đến người lao động bình thường, từ vị tướng đến anh lính mới, người lương thiện lẫn kẻ lừa đảo, tù tội…, nhờ vậy tôi tích lũy được vốn sống rất phong phú, kiến thức về xã hội tăng lên rất nhiều từ giao tiếp thực tế mà nếu chỉ ngồi nhà đọc sách báo thôi thì không thể có được như thế. Nghề báo, do áp lực công việc nên tạo cho tôi một phong cách sống nhanh nhẹn, năng động, độc lập và quan trọng hơn là rèn luyện cho tôi ý thức kỷ luật tự giác cao trong công việc. Tôi đã sống ở Báo Đồng Nai với nhiều thăng trầm, nhưng lúc nào trong bất kỳ hoàn cảnh nào tờ báo cũng luôn hướng về phía trước, luôn suy nghĩ đến trách nhiệm với bạn đọc và không ngừng cải tiến tờ báo vì bạn đọc. Trong yêu cầu chung vì sự phát triển, lớn mạnh của tờ báo là nỗ lực, phấn đấu không ngừng của mỗi thành viên trong cơ quan báo, chính điều này là động lực thúc đẩy tôi luôn phải “vượt lên chính mình”.
Giờ đây ngẫm nghĩ lại và có thể “tổng kết” cuộc đời làm báo của mình, tôi nhận thấy rằng chỉ có sự đam mê và phải thực sự yêu thích nghề, sống tử tế với nghề mới có thể giúp tôi vượt qua nhiều khó khăn, thử thách để trưởng thành và gắn bó cả đời với Báo Đồng Nai. Tôi nghĩ, làm bất kỳ nghề nào trong xã hội cũng đòi hỏi sự yêu nghề, nhưng với nghề báo vì nó gánh vác trách nhiệm cao cả là được công chúng kỳ vọng và xã hội đặt niềm tin vậy nên rất cần có sự đam mê. Chỉ có điều này, tôi mới có thể luôn trăn trở với công việc, không ngừng suy nghĩ, nâng cao tay nghề và luôn đề cao trách nhiệm với công chúng bạn đọc và xã hội. Khi một người làm báo say nghề thì sẽ luôn đề cao lòng tự trọng, thái độ trách nhiệm và ý thức kỷ luật trong công việc, sẽ luôn đặt lợi ích của bạn đọc, lợi ích của tờ báo lên trên hết, để có thể vượt qua cám dỗ của đời thường. Ngẫm nghĩ lại, trong cuộc đời mỗi người khó hoàn toàn suôn sẻ, có những buồn phiền, mệt mỏi, chán nản hay vấp váp, nhưng nếu có được sự đam mê, yêu thích nghề thì sẽ gắng vượt qua, không nản chí bỏ cuộc. Thực tế, từ kinh nghiệm bản thân làm báo của tôi cũng thấy vậy.
Tôi xin nói thêm về lòng tự trọng và sĩ diện của người làm báo. Nghề báo cho mỗi người có nhiều mối quan hệ, kể cả việc phải xây dựng các mối quan hệ để tạo lập nguồn tin. Trong đó có những mối quan hệ dễ đem lại lợi ích cho chính nhà báo. Nhưng nếu nhà báo để bị chi phối bởi các mối quan hệ có vụ lợi đó, hạ thấp lòng tự trọng và sĩ diện nghề nghiệp thì sẽ lợi dụng uy tín tờ báo để thu vén lợi ích riêng tư và như thế bạn đọc của tờ báo sẽ bị thiệt hại, niềm tin vào tờ báo bị tổn thương. Thực tế cũng cho thấy nhiều nhà báo đã bị sa ngã trước những cám dỗ vật chất vì lòng tham ích kỷ của mình. Khi đã chọn nghề làm báo thì xin đừng nghĩ tới vun vén cho cá nhân và nghĩ tới chuyện “làm giàu không khó”, nếu muốn làm giàu thì hãy chuyển qua làm kinh doanh. Tôi nghĩ con người không thể tách khỏi môi trường sống, nhà báo cũng là con người, ít nhiều cũng bị tác động bởi hoàn cảnh, tâm lý xã hội của thời đại đang sống. Tôi không phải là người theo học thuyết “khổ hạnh”, nhưng tôi nhận thấy rất nhiều nhà báo sau hàng chục năm sống tâm huyết với nghề cũng có cuộc sống tử tế, khá ổn định.
Bây giờ nghề làm báo đã khác trước rất nhiều, công nghệ làm báo ngày càng hiện đại giúp cho nhà báo tác nghiệp thuận lợi hơn, khai thác thông tin nhanh nhạy hơn, cách thức làm báo đa dạng hơn. Nhưng cái gì cũng có tính hai mặt, đi cùng với thuận lợi đó cũng dễ nảy sinh tâm lý làm báo ỷ lại, dễ dãi, làm biếng đi thực tế, lười học và đọc, đáng lo nhất là thiếu vắng đi lòng say mê, tâm huyết với nghề nghiệp, dẫn tới làm báo với một thái độ dửng dưng, thiếu trách nhiệm và có thể vô cảm trước những bức xúc của đời sống xã hội. Làm báo với tâm thế toan tính tìm kiếm địa vị, chức vụ và mưu lợi cá nhân sẽ làm biến tướng nghề báo vốn được công chúng và cả xã hội kỳ vọng và vị nể.
Nhà báo Xuân Phú cùng đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam đi thăm Hoa Kỳ. Ảnh đăng trên báo The Leader ở Tiểu bang Ankarsas ngày 29-10-2011. |
Mỗi thời làm báo khác nhau về môi trường làm việc, về điều kiện vật chất và phương tiện tác nghiệp. Thời chúng tôi đi làm báo ròng rã hàng chục năm chỉ có xe đạp, không máy ảnh, ghi âm, hiếm ai có xe gắn máy và đi công tác xa là xe than, xe đò, có nhiều khi phải tận dụng đôi chân lội bộ vào rừng, đến với vùng sâu. Ăn nghỉ ở cơ sở nhiều ngày là chuyện bình thường. Bây giờ điều kiện cuộc sống tốt hơn, đường xá và phương tiện đi lại cũng ngon lành hơn, nếu sáng đi cơ sở thì đến chiều tối là trở về nhà, trang bị nghề nghiệp cùng internet và 3G hỗ trợ tác nghiệp rất nhanh và hiệu quả. Thế nhưng có những giá trị vĩnh cửu thì ở thời làm báo nào cũng cần phải như vậy, nó là điều kiện trên hết cho dù báo in hiện nay đang rơi vào khủng hoảng thoái trào, đó là lòng yêu nghề, say mê với nghề nghiệp. Tôi đã không ít lần nói với các đồng nghiệp ở Báo Đồng Nai rằng: “Trong chúng ta có nhiều sự khác nhau về tuổi nghề, về sức khỏe, về kiến thức, tay nghề… nhưng những điều đó không ảnh hưởng gì đến điều chúng ta cần phải giống nhau khi đứng trong đội ngũ Báo Đồng Nai: đó là sự nhiệt tình và tâm huyết với nghề làm báo. Cứ say mê làm việc, cống hiến cho nghề nghiệp thì nghề cũng sẽ không phụ người”.
Tôi trở thành nhà báo như ngày hôm nay là nhờ Báo Đồng Nai với các thế hệ lãnh đạo của báo luôn tin tưởng, tạo điều kiện tốt nhất cho tôi làm việc, cùng với sự hỗ trợ, giúp sức của các đồng nghiệp ở trong và ngoài tỉnh. Nhiều tờ báo trung ương và TP.Hồ Chí Minh đã tạo thêm “đất dụng nghề” cho tôi (và cả bà xã tôi) trong hàng chục năm trời, nhờ thế thu nhập cũng tăng lên đáng kể. 40 năm đã qua, nghĩ tới con đường phía trước tôi rất kỳ vọng vào đội ngũ làm báo kế cận, nhà báo trẻ của Báo Đồng Nai sẽ sống, làm việc xứng đáng hơn với những truyền thống 40 năm qua mà Báo Đồng Nai đã tạo dựng.
Lã Xuân Phú
Phó tổng biên tập Báo Đồng Nai