Báo Đồng Nai điện tử
En

Một thời làm báo trong trẻo

03:06, 13/06/2016

Cách nay khoảng 1 năm, trong một lần tình cờ ghé đổ xăng tại trạm xăng trên đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) có tên Hợp tác xã (HTX) Gò Me, bỗng có một người đàn ông bước ra từ văn phòng thảng thốt nhìn tôi hỏi: "Kim Loan, nhà báo Kim Loan có phải không?".

Cách nay khoảng 1 năm, trong một lần tình cờ ghé đổ xăng tại trạm xăng trên đường Võ Thị Sáu, phường Thống Nhất (TP.Biên Hòa) có tên Hợp tác xã (HTX) Gò Me, bỗng có một người đàn ông bước ra từ văn phòng thảng thốt nhìn tôi hỏi: “Kim Loan, nhà báo Kim Loan có phải không?”.

Một thoáng bỡ ngỡ, rồi tôi cũng nhận ra đó là anh Phan Văn Thành, thành viên Ban quản trị Tập đoàn nông nghiệp Gò Me hơn 30 năm trước, nay anh là Chủ nhiệm HTX nông nghiệp - dịch vụ Gò Me. Có lẽ đây là mô hình tập đoàn nông nghiệp hiếm hoi thời cải tạo nông nghiệp, xây dựng tập đoàn, hợp tác xã cuối thập niên 70 - từ khoán sản phẩm, khoán 100 đến khoán 10 và khoán hộ - còn sót lại và vẫn hoạt động cho đến nay, dù nông nghiệp chẳng còn, đất Gò Me đã lên đô thị.

Nhà báo “ nông dân”

HTX Gò Me bây giờ kinh doanh dịch vụ là chính và có lẽ những tập đoàn viên, xã viên ngày xưa đã rời khỏi tập đoàn, HTX rất nhiều. Anh Thành nhắc tên của một số thành viên tập đoàn ngày trước thời tôi xuống làm việc hay gặp họ, khi thì ra đồng, khi thì tại văn phòng Ban quản lý. Anh nói nhiều người vẫn nhớ tôi và có nhắc, nhưng giờ số đó cũng già, có người đã khuất. Tôi có hẹn với anh sẽ có cuộc viếng thăm họ và chưa kịp thực hiện.

Cũng cách đây gần 2 năm, nhân đám cưới con gái tôi, một số anh, chị ở HTX Quyết Thắng, Long Hương, Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đã về Biên Hòa chung vui cùng gia đình. Họ cũng là những nông dân mà tôi quen từ khi còn là Tập đoàn Quyết Thắng, ông Tám Châm làm Tập đoàn trưởng và tập đoàn này luôn có năng suất lúa cao, tập đoàn viên gắn bó. Tập đoàn được phong anh hùng và sau đó chuyển đổi mô hình lên HTX. Ông Tám Châm đã mất khá lâu nhưng người con trai cả của ông là anh Nguyễn Kim Chuyên vẫn theo HTX từ đó đến nay và hiện là Phó chủ nhiệm HTX. Chủ nhiệm HTX là anh Trương Thanh Tuấn, người cũng đã đeo bám từ ngày thành lập tập đoàn  và tiến lên HTX cho đến nay. HTX Quyết Thắng hiện vẫn là điển hình làm ăn hiệu quả, quản lý luôn thay đổi theo kịp với tình hình biến động của kinh tế thị trường…

Quá nhiều kỷ niệm buồn vui không kể hết về lĩnh vực nông nghiệp mà tôi được phân công theo dõi từ khi tập tành viết báo vào năm 1977 cho đến 15 năm sau. Ngày ấy dù đi xe đò chạy bằng than, phải ra bến xe khách xếp hàng từ 4-5 giờ sáng để mua được giá vé chính thức (về kế toán mới thanh toán công tác phí) nhưng cứ 3 ngày thì tôi đã có mặt ở Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc  và 3 ngày sau tôi đã có mặt ở Bình Châu, Bưng Kè, Phước Bửu (Xuyên Mộc), Ngãi Giao, Láng Lớn, Suối Nghệ, Bình Ba, Bà Rịa (Châu Thành), Long Thành, Nhơn Trạch. Đi như con thoi và làm việc chẳng ngơi nghỉ. Lúc thì lên rừng, khi thì xuống biển, không lúa thì màu, không cây công nghiệp thì đánh bắt thủy hải sản… Rất nhiều năm hầu như tôi chẳng đi phép, suốt ngày lọ mọ ở các địa bàn xa, đến với nông dân, ngư dân, diêm dân. Từ một thanh nữ “đường nhựa” lại đi viết về nông nghiệp mà viết về vấn đề lớn lúc bấy giờ: cải tạo nông nghiệp, cải tạo máy, xây dựng tổ hợp, tập đoàn sản xuất, làm ăn tập thể;  sau này khi cởi trói cho nông nghiệp, tất cả đưa về khoán gọn, khoán hộ, viết về thay đổi cơ cấu sản xuất, những bất hợp lý về chính sách đang cản trở con đường làm giàu của nông dân... nên sự khổ luyện thật dày công sức. Những Anh hùng lao động Lê Văn Lập (Hưng Lộc, Thống Nhất), Hồ Sáu (Trảng Bom) hay tiến sĩ nông nghiệp Hoàng Kim, người có công trong việc chuyển giao các giống khoai mì, khoai lang năng suất cao và rất nhiều cán bộ Hội Nông dân, ngân hàng nông nghiệp và nông dân giỏi khác đã trở thành bạn với tôi từ những chuyến đi thực tế này.

Trong trẻo với nghề

Nhắc đến những người rất thân quen có liên quan đến hành trình làm báo hơn 31 năm ở Báo Đồng Nai (bắt đầu từ năm 1977 cho đến tháng 4-2009), tôi vẫn nhớ chú Hoàng Vĩnh Phú, Trưởng ty nông nghiệp rồi sau đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy. Ông là người nói năng mạnh mẽ, có tính thuyết phục cao nhờ chí khí thoát ra từ thái độ và câu chữ, từ thực tế mà ông nắm bắt để chuyển từ lý thuyết qua cuộc sống. Ông nghiêm túc nhưng chân thành, trọng thị báo chí. Nhớ nhất là không ít lần đi huyện, tôi luôn canh trước cổng UBND tỉnh để xin quá giang xe ông, vừa đỡ vất vả phải ra bến xe từ 4-5 giờ sáng để xếp hàng mua vé, vừa đi nhanh hơn. Đi với ông, tôi còn được ông cho ăn sáng ở quán hủ tíu dọc đường.

Tôi cũng nhớ đến chú Phan Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy. Ông là người mà cấp dưới thường “né” có lẽ do cái uy của ông. Thế nhưng tôi cũng thường được ông cho quá giang khi đi huyện khảo sát về vấn đề nông nghiệp - nông dân - nông thôn. Những ý kiến của  riêng tôi qua mỗi cuộc đi  ấy đều được ông lắng nghe và ghi nhận, có khi cuối buổi làm việc với huyện, ông đưa ý kiến của tôi vào phần kết luận chỉ đạo chung của ông. Ông cũng dành thời gian cho tôi khi được đề nghị phỏng vấn về những vấn đề thời sự.

Một việc làm tôi nhớ đến bây giờ là khoảng đầu năm 1990 (thật sự tôi không nhớ chính xác về thời điểm), hồi ấy chú Huỳnh Văn Bình làm Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai. Có lần tôi gọi điện thẳng cho chú Năm Bình hỏi về việc tại sao lại cho thu thuế để hợp thức hóa xe nhập lậu qua biên giới? Chủ tịch UBND Huỳnh Văn Bình hẹn sẽ trả lời cụ thể. Tôi nghĩ có lẽ ông hứa rồi quên. Nhưng chiều hôm sau, hết giờ làm việc Tổng biên tập Nguyễn Thiện Nhựt gọi điện thoại cho tôi nói qua UBND tỉnh để ông Năm Bình gặp. Tôi lật đật chạy qua, lên phòng Chủ tịch thì thấy ngoài chú Năm Bình còn có cả anh Thiều, Giám đốc Sở Tài chính, anh Sáu Đinh, Cục trưởng Cục Thuế đã ngồi sẵn ở đó. Tôi bước vào và chào hỏi, chú Năm Bình liền chỉ qua anh Thiều, anh Sáu Đinh nói: “Đấy, nhà báo Kim Loan muốn hỏi vụ thu thuế xe nhập lậu!”. Và ông cùng ngồi nghe rồi xen vào “giải thích giùm” đại ý là tình hình thu ngân sách địa phương có khó khăn, làm vậy cũng không đúng nhưng tình thế bức bách nên mong nhà báo chia sẻ. Chuyện đó đã qua rồi nhưng làm tôi nhớ mãi về một vị Chủ tịch UBND tỉnh thông minh, hài hước, biết biến hóa việc nghe tưởng chừng như phức tạp thành dễ nghe, có tình có lý; có cách ứng xử, tôn trọng và lắng nghe, đối thoại cùng báo chí.

Nhà báo Kim Loan phỏng vấn cựu Thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachan.
Nhà báo Kim Loan phỏng vấn cựu Thủ tướng Thái Lan Anand Panyarachan.

Hơn 31 năm khởi sự làm báo và trưởng thành tại Báo Đồng Nai. Từ phóng viên viết nông nghiệp rồi viết về cả mảng kinh tế, đầu tư nước ngoài; từ chỉ phỏng vấn lãnh đạo tỉnh tôi đã dám vượt rào phỏng vấn lãnh đạo Trung ương, các Thủ tướng, Phó thủ tướng, các Bộ trưởng; các Đại sứ, Tổng lãnh sự, chính khách nước ngoài… Tôi tự hào về bản thân mình đã không làm gì hại đến thanh danh tờ báo dù là việc nhỏ nhất, sơ ý hay cố tình. Những gì đã được rèn giũa, trải nghiệm đã giúp tôi khẳng định chỗ đứng của mình trong làng báo phía Nam, nhất là khi tôi được mời cộng tác với những tờ báo lớn khác tại TP.Hồ Chí Minh. Tôi tự rút ra cho mình một bài học kinh nghiệm trong nghề báo: phải tự tin, dám vượt lên những “mặc cảm” làm báo địa phương để dấn thân vào nghề và tự khẳng định mình trên trang báo. Phải đi nhiều, nghĩ nhiều và đọc nhiều thì mới viết được những điều mà bạn đọc trông đợi. Một người làm báo để có tay nghề và giữ lửa nghề bền bĩ phải có lòng tự trọng,  phải tỉnh táo và biết giữ mình để không trở thành người toan tính vụ lợi, hay bị lợi dụng hoặc cố tình làm “cái loa” cho cá nhân hay nhóm lợi ích nào đó. Với tôi, sự may mắn là được cống hiến trong môi trường làm việc tử tế, đầy tâm huyết với các Tổng biên tập Lê Tân, Nguyễn Thiện Nhựt; với các Phó tổng biên tập Đoàn Ngọc Giao, Mai Sông Bé hiểu đời, hiểu người; với các nhà báo lão thành Ba Đại, Út Thiện và các đồng nghiệp đàn anh có uy tín khác…

NGUYỄN KIM LOAN

Nguyên phóng viên Ban Kinh tế, Báo Đồng Nai

 

Tin xem nhiều