Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài toán thu hút nguồn lực cho giáo dục

07:06, 05/06/2023

Dù học sinh lớp 9 mới thi xong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và chưa biết kết quả, nhưng những ngày này tại một số trường THPT tư thục, khá đông phụ huynh đã đến mua hồ sơ, nộp tiền đặt chỗ trước cho con để chắc chắn cơ hội, nếu con không đậu vào trường công lập còn có chỗ học ở trường tư thục.

Dù học sinh lớp 9 mới thi xong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và chưa biết kết quả, nhưng những ngày này tại một số trường THPT tư thục, khá đông phụ huynh đã đến mua hồ sơ, nộp tiền đặt chỗ trước cho con để chắc chắn cơ hội, nếu con không đậu vào trường công lập còn có chỗ học ở trường tư thục.

Tuy nhiên, dù có nộp tiền, “xí” chỗ trước, phụ huynh cũng chưa chắc đã yên tâm, bởi khá nhiều trường ngoài công lập hiện nay tuyển sinh ngày càng khắt khe hơn trước. Trong đó, có trường chỉ ưu tiên học sinh có học lực khá, giỏi. Trước khi nhập học chính thức, học sinh phải trải qua một kỳ thi kiểm tra đầu vào với những môn học chính như Toán, Anh văn, Ngữ văn, Lý, Hóa. Thậm chí, một số trường THPT tư thục có tiếng ở TP.HCM như Nguyễn Khuyến, An Dương Vương còn tổ chức khóa học hè, học sinh nào vượt qua kỳ “sát hạch” của khóa học này mới chính thức được nhận vào trường học.

Ngày càng có nhiều trường tư thục chỉ bán hồ sơ trong vòng 1 ngày đã nhận đủ số chỉ tiêu cần tuyển cho cả năm học đồng thời được lựa chọn những học sinh có học bạ đẹp nhất. Đây là điều mà mấy năm về trước khó xảy ra khi tâm lý chung của phụ huynh vẫn là muốn cho con em mình phải vào học trường công lập. Tuy nhiên, chính chất lượng giảng dạy và những điều kiện vượt trội về cơ sở vật chất, trang thiết bị đã khiến nhiều phụ huynh thay đổi suy nghĩ. Khá nhiều gia đình đã lựa chọn cho con học trường tư thục ở bậc mầm non lên đến đại học để giảm bớt áp lực về trường lớp, thời gian đưa đón… Tất nhiên, hầu hết các gia đình này đều có tài chính khá ổn, không phải quá đắn đo trong việc chi trả học phí hàng tháng cho con.

Học sinh mỗi năm mỗi tăng, trong khi trường lớp ở nhiều địa phương nhiều thời điểm không đáp ứng đủ nhu cầu dạy và học. Cụ thể như tại TP.Biên Hòa, nhiều năm liên tiếp, một số trường tiểu học, THCS học sinh phải học ca ba. Khi giải quyết được tình trạng học ca ba, học sinh lại phải học dồn lớp, với sĩ số có lớp lên tới 45-50 em. Tình trạng trường này phải mượn phòng học của trường nọ vẫn diễn ra ở những phường tập trung đông dân như P.Trảng Dài, P.Long Bình… Dù trường, lớp vẫn được xây mới, bổ sung thêm lớp học mỗi năm nhưng cuộc “chạy đua” này chưa có dấu hiệu dừng lại khi năm sau, học sinh lại tăng hơn năm trước và số phòng học mới lại không còn phù hợp.

Không thể để học sinh thiếu trường lớp để học tập. Đó là yêu cầu của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đối với ngành GD-ĐT nói riêng và các địa phương nói chung tại nhiều buổi làm việc mới đây. Và để giải bài toán thiếu trường lớp, giải pháp tốt nhất vẫn là kêu gọi, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục. Thực tế, hệ thống giáo dục ngoài công lập tại Đồng Nai đã chia sẻ đáng kể gánh nặng đối với hệ thống giáo dục công lập. Tuy nhiên, việc tạo cơ chế, chính sách ra sao để thu hút hơn nữa nguồn lực này vẫn cần sự chủ động, linh hoạt từ các địa phương trong thời gian tới.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều