Báo Đồng Nai điện tử
En

Thiếu vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng

07:05, 22/05/2023

Sau một thời gian ngắn có vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) để phục vụ người dân trở lại, hiện nay Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước lại tiếp tục hết nhiều loại vaccine.

Sau một thời gian ngắn có vaccine trong chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR) để phục vụ người dân trở lại, hiện nay Đồng Nai và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước lại tiếp tục hết nhiều loại vaccine.

Trẻ được tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Yến
Trẻ được tiêm vaccine phòng bệnh tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Ảnh: H.Yến

Dự kiến tình trạng này sẽ còn tiếp tục diễn ra khi mà việc mua vaccine sẽ do Bộ Y tế phụ trách hay giao về cho địa phương vẫn chưa có văn bản chỉ đạo chính thức.

Nhiều vaccine TCMR đã hết

Theo Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế Lê Quang Trung, hiện nay một số loại vaccine trong chương trình TCMR đã hết gồm: vaccine 5 trong 1 (vaccine SII phòng các bệnh: bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B, viêm phổi/viêm màng não mủ do vi khuẩn Hib), DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván), sởi, MR (sởi, rubella), OPV (bại liệt).

Ngoài ra, một số loại vaccine khác còn ít, khả năng chỉ đáp ứng được nhu cầu của người dân đến tháng 8-2023.

Đầu tháng 5, Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh, thành xác định nhu cầu, lập kế hoạch cung ứng, báo cáo UBND địa phương bố trí kinh phí và tổ chức mua sắm. Đồng Nai đã thực hiện rà soát nhu cầu của từng địa phương và tổng hợp lại. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã có công văn gửi Sở Y tế và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương về việc báo cáo nhu cầu vaccine của Đồng Nai 6 tháng cuối năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024.

Theo đó, Đồng Nai cần tổng cộng hơn 607 ngàn liều vaccine TCMR các loại (lao - BCG, viêm gan B, bại liệt uống - OPV, bại liệt tiêm - IPV, DPT-VGB-Hib, sởi, sởi - rubella, DPT, viêm não Nhật Bản, uốn ván, rota). Trong đó, vaccine rota là loại vaccine mới được đưa vào TCMR. Đồng Nai sẽ triển khai từ đầu năm 2024 với nhu cầu dự kiến 6 tháng đầu năm là hơn 47 ngàn liều.

Trong giai đoạn thiếu vaccine TCMR phòng bệnh hiện nay, người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh, đặc biệt là đối với các bệnh truyền nhiễm. Theo đó, cần thường xuyên rửa tay, nhất là trước khi tiếp xúc với trẻ; chủ động đeo khẩu trang khi có các triệu chứng của bệnh hô hấp; giữ vệ sinh nhà cửa sạch sẽ; thường xuyên lau rửa, vệ sinh đồ dùng, đồ chơi của trẻ…

Ngày 11-5, trong cuộc họp với Bộ Y tế, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã yêu cầu Bộ Y tế trên cơ sở cân đối nguồn vaccine viện trợ, xem xét, có phương án thực hiện đặt hàng hoặc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đàm phán giá để các địa phương có căn cứ mua sắm, không để thiếu vaccine cho TCMR.

Nếu thực hiện theo chỉ đạo này thì Bộ Y tế vẫn là đơn vị phụ trách việc mua vaccine sau đó cung ứng về cho địa phương. Chỉ đạo của Phó thủ tướng Trần Hồng Hà được các địa phương ủng hộ. Theo lãnh đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, đây là quy trình đã được thực hiện ổn định trong mấy chục năm qua. Nếu thực hiện theo chỉ đạo này thì việc đảm bảo nguồn cung vaccine cho chương trình TCMR sẽ thuận lợi hơn.

Mới đây nhất, ngày 18-5, Văn phòng Chính phủ đã ban hành Thông báo số 183/TB-VPCP kết luận của Phó thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại cuộc họp với Bộ Y tế về việc đấu thầu mua sắm thuốc.

Theo đó, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo Bộ Y tế trong thời gian tới tiếp tục tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia, đặt hàng một số loại thuốc phổ biến có tỉ trọng lớn, vaccine sử dụng trong Chương trình TCMR để giảm giá thành, bảo đảm nguồn cung cho các địa phương mua sắm. Sau khi đấu thầu tập trung thành công, Bộ Y tế xây dựng hợp đồng mẫu và hướng dẫn các địa phương làm việc với nhà thầu cung cấp thuốc, vaccine. Bộ Y tế chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong trường hợp để xảy ra tình trạng thiếu các loại thuốc, vaccine này.

Phó thủ tướng cũng yêu cầu sửa đổi Thông tư số 15/2020/TT-BYT ngày 10-8-2020 của Bộ Y tế về Danh mục thuốc đấu thầu, danh mục thuốc đấu thầu tập trung, danh mục thuốc đàm phán giá để ban hành trong tháng 5-2023. Trong đó các loại thuốc phổ biến, có nhu cầu sử dụng lớn, thuốc hiếm phải đấu thầu tập trung cấp quốc gia để giảm giá thuốc; các loại biệt dược, thuốc chuyên khoa giao cho các địa phương, bệnh viện thực hiện.

Lo ngại tạo lỗ hổng trong miễn dịch cộng đồng

Tình trạng thiếu vaccine trong chương trình TCMR trên cả nước bắt đầu từ giữa năm 2022. Đến cuối năm 2022, vaccine TCMR được phân bổ cho các tỉnh, thành nhưng số lượng không lớn. Từ đầu năm đến nay, ngay khi có vaccine, ngành y tế Đồng Nai đã khẩn trương tiêm bù các mũi trong chương trình TCMR cho trẻ trong độ tuổi phải hoãn tiêm trong năm 2022. Tuy nhiên, do lượng vaccine không nhiều nên đến thời điểm giữa tháng 5, nhiều loại vaccine đã hết hẳn; số vaccine còn lại cũng chỉ “cầm cự” được đến tháng 8.

Không chỉ thiếu vaccine, vitamin A liều cao cũng có nguy cơ thiếu trong đợt bổ sung vitamin định kỳ 1-6 tới đây.

Việc thiếu nhiều loại vaccine có thể dẫn đến nguy cơ tạo nên lỗ hổng lớn trong miễn dịch cộng đồng. Hiện tại, tuy chưa ghi nhận nhiều ca mắc sởi, ho gà, bạch hầu… nhưng với dân số đông như Đồng Nai, việc thiếu vaccine phòng bệnh, nhất là vaccine trong chương trình TCMR có thể gây ra nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Lo ngại thiếu vaccine sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ, một số phụ huynh loay hoay tìm chỗ tiêm khác với hy vọng có vaccine cần tiêm. Trước tình trạng khan hiếm vaccine như hiện nay, nhiều người chấp nhận tiêm dịch vụ để con em được tiêm phòng đúng lịch. Bên cạnh đó, cũng có nhiều phụ huynh cố chờ vaccine TCMR vì tiêm vaccine dịch vụ khá tốn kém.

Chị N.T.N. (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) cho hay: “Tôi có 2 con đều đang trong độ tuổi tiêm chủng, trong đó bé nhỏ mới hơn 6 tháng tuổi. Vợ chồng tôi làm công nhân, tiền gửi bé nhỏ đã hết 2,5 triệu đồng/tháng, bé lớn được đi học ở trường nên đóng tiền thấp hơn. Vì vậy, tôi chỉ trông chờ vào tiêm vaccine miễn phí. Nếu phải bỏ tiền để tiêm vaccine dịch vụ thì sẽ có nhiều khó khăn”.

Việc tiêm phòng dịch vụ có thể thực hiện ở nhiều cơ sở tiêm chủng, bệnh viện hoặc tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. Theo đó, trong năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh có đầy đủ các loại vaccine dịch vụ để cung ứng cho nhu cầu tiêm chủng của người dân.

Tuy nhiên, theo các bác sĩ, phụ huynh không nên quá hoang mang, lo lắng bởi khoảng cách giữa các mũi tiêm theo khuyến cáo là thời gian tối thiểu. Do đó, khi trẻ còn trong độ tuổi tiêm chủng vẫn có thể tiêm bổ sung và vaccine vẫn phát huy tốt hiệu quả bảo vệ cho trẻ.

Hải Yến  

Tin xem nhiều