Báo Đồng Nai điện tử
En

"Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá"

07:05, 31/05/2023

Những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được thiết kế với nhiều kiểu dáng và hương vị hấp dẫn giới trẻ.

Những năm gần đây, trên thị trường xuất hiện nhiều sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng được thiết kế với nhiều kiểu dáng và hương vị hấp dẫn giới trẻ.

Một bệnh nhân ngụ ở TT.Gia Ray (H.Xuân Lộc) có nhiều năm hút thuốc lá khám bệnh tăng huyết áp tại Trung tâm Y tế H.Xuân Lộc
Một bệnh nhân ngụ ở TT.Gia Ray (H.Xuân Lộc) có nhiều năm hút thuốc lá khám bệnh tăng huyết áp tại Trung tâm Y tế H.Xuân Lộc. Ảnh: H.DUNG

Các chuyên gia khuyến cáo, thuốc lá điện tử hay thuốc lá truyền thống đều có chứa nicotine, là chất gây nghiện cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Sử dụng thuốc lá cũng là một trong những nguyên nhân gây ra đói nghèo.

Tổn hại sức khỏe cho bản thân và người xung quanh

BS CKI Đỗ Quốc Chung, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, khi hút thuốc lá, sau từ 7-10 giây, chất nicotine được hấp thụ vào máu, lên não gây co mạch dẫn đến sự sảng khoái, tập trung, hưng phấn cho người hút. Nhưng đến khi nồng độ nicotine xuống thấp sẽ tạo sự bứt rứt, bồn chồn, khó tập trung.

Để có được cảm giác hưng phấn, bắt buộc người ta phải tiếp tục hút thuốc lá. Lâu dần, bản thân người hút thuốc sẽ nghiện thuốc, buộc phải hút thuốc liên tục. Sự lệ thuộc vào thuốc lá gây ra những hậu quả nghiêm trọng không chỉ đối với bản thân người hút mà cả những người ngửi phải khói thuốc, với môi trường và toàn xã hội.

Ngày thế giới Không thuốc lá năm nay có chủ đề “Chúng ta cần thực phẩm, không cần thuốc lá” nhằm kêu gọi các quốc gia thúc đẩy các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá tới sức khỏe, kinh tế, môi trường, an ninh lương thực và dinh dưỡng; đề cập đến mối liên hệ giữa sử dụng, trồng cây thuốc lá và đói nghèo; kêu gọi bỏ thuốc lá để tăng chi cho thực phẩm.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong khói thuốc lá có khoảng 7 ngàn chất hóa học, trong đó có 69 chất gây ung thư, là nguyên nhân gây ra 25 nhóm bệnh khác nhau, bao gồm 11 loại ung thư, các bệnh về tim mạch, hô hấp, ảnh hưởng sức khỏe sinh sản của cả nam và nữ giới. Ước tính, cứ 2 người hút thuốc lá thì có 1 người sẽ chết sớm, trong đó 1/2 số ca tử vong xảy ra ở tuổi trung niên.

TS-BS Võ Tuấn Anh, Trưởng khoa Ngoại lồng ngực, tim mạch Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, hút thuốc lá ảnh hưởng trực tiếp đến các mạch máu lớn, mạch máu nhỏ và hệ thống tim mạch trong cơ thể, làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim, tăng nguy cơ nhồi máu não, tắc mạch chi, phình động mạch chủ. Những bệnh này đều rất nguy hiểm và ảnh hưởng đến tính mạng của bệnh nhân. Do đó, người dân không nên hút thuốc lá, nếu đã và đang hút thì nên bỏ thuốc lá sớm để đề phòng mắc các bệnh lý về tim mạch, phổi…

“Thực tế chúng tôi đã điều trị cho rất nhiều trường hợp mắc các bệnh lý về tim mạch nguy hiểm do bệnh nhân có thâm niên hút thuốc lá trong nhiều năm. Có những trường hợp bị phình động mạch chủ ngực rất lớn kèm bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, tăng huyết áp. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, bệnh nhân sẽ tử vong” - TS-BS Tuấn Anh nói.

Ông H.P.V. (ngụ TT.Gia Ray, H.Xuân Lộc) chia sẻ, ông bị bệnh tăng huyết áp từ nhiều năm nay, càng ngày sức khỏe càng giảm sút. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng bệnh là do ông hút thuốc lá liên tục. Hàng tháng, ông phải đến bệnh viện để khám và nhận thuốc về uống.

Các bác sĩ nhấn mạnh, những người không trực tiếp hút thuốc lá nhưng hít phải khói thuốc lá cũng bị ảnh hưởng sức khỏe không nhỏ. Trẻ em nếu thường xuyên hít phải khói thuốc lá sẽ dễ mắc các bệnh đường hô hấp, nhiễm trùng tai, nhiễm độc khí CO, kém phát triển hơn bình thường. Phụ nữ tiếp xúc thường xuyên với khói thuốc lá dẫn đến khả năng thụ thai kém hơn bình thường. Đặc biệt, phụ nữ mang thai nếu hít phải khói thuốc lá thường xuyên có nguy cơ bị sảy thai, sinh non, sinh con nhẹ cân.

Mối liên hệ giữa hút thuốc lá và sự đói nghèo

Không chỉ gây tổn hại về sức khỏe, sử dụng thuốc lá còn gây tổn thất về kinh tế.

Ông N.H.Đ. (40 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) chia sẻ, ông bắt đầu hút thuốc lá từ năm 18 tuổi. Thời điểm đó, thấy bạn bè hút thuốc lá, ông Đ. tò mò muốn thử. Từ 1 điếu, 2 điếu, đến nay mỗi ngày ông Đ. hút hết 2 bao thuốc, tốn khoảng 80 ngàn đồng. Tính ra mỗi tháng, ông Đ. tốn khoảng 2,4 triệu đồng để mua thuốc lá, nhiều hơn học phí và tiền mua sữa cho 2 con trai. Đó là chưa kể đến chi phí cho việc khám và điều trị những bệnh liên quan đến hút thuốc lá mà ông đã và đang phải chi trả hàng tháng.

WHO nhấn mạnh, trên toàn cầu có khoảng 3,5 triệu ha đất được dùng để trồng cây thuốc lá mỗi năm. 9 trong số 10 quốc gia trồng thuốc lá lớn nhất trên thế giới là các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình. Trong đó có 4 quốc gia được xác định là bị thiếu lương thực. Nếu đất trồng thuốc lá có thể được sử dụng cho việc trồng cây lương thực sẽ góp phần vào việc thực hiện mục tiêu xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững.

Thuốc lá là nguyên nhân làm cho rừng bị tàn phá và ô nhiễm môi trường. Việc sử dụng thuốc lá thải ra môi trường mỗi năm từ 3-6 ngàn tấn formaldehyde, từ 12-47 ngàn tấn nicotine và từ 300-600 triệu kg chất thải độc hại từ các mẩu thuốc lá…

Tại lễ mít tinh hưởng ứng Ngày thế giới Không thuốc lá do Bộ Y tế tổ chức mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho hay, trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là: Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. Nếu không quyết liệt ngăn chặn các sản phẩm thuốc lá mới này, bao gồm cả việc thí điểm thì tỷ lệ sử dụng thuốc lá sẽ gia tăng trở lại. Việt Nam sẽ phải gánh chịu những hậu quả nặng nề hơn rất nhiều trong tương lai gần và các kết quả đạt được sẽ bị phá bỏ.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích