Sau ngày 30-4-1975, ngành GD-ĐT Đồng Nai tiếp quản các cơ sở giáo dục do chế độ cũ để lại, chủ yếu là các trường có quy mô nhỏ. Sau gần 50 năm, ngành GD-ĐT Đồng Nai đã không ngừng lớn mạnh với rất nhiều thành tựu.
Sau ngày 30-4-1975, ngành GD-ĐT Đồng Nai tiếp quản các cơ sở giáo dục do chế độ cũ để lại, chủ yếu là các trường có quy mô nhỏ. Sau gần 50 năm, ngành GD-ĐT Đồng Nai đã không ngừng lớn mạnh với rất nhiều thành tựu.
Hiện nay, hệ thống trường lớp ở Đồng Nai đã phát triển rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân. Trong ảnh: Một lớp học của Trường THPT Điểu Cải (H.Định Quán). Ảnh: H.YẾN |
Đến nay, mạng lưới trường lớp đã rộng khắp, đáp ứng nhu cầu học tập của người dân; đội ngũ nhà giáo không ngừng nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện GD-ĐT.
Những ngày đầu gian khó
Ông Vũ Đình Sùng, nguyên Trưởng phòng Tổng hợp kế hoạch, Ty Giáo dục Đồng Nai (nay là Sở GD-ĐT) đã có mặt và công tác trong ngành Giáo dục kể từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Ông Sùng kể lại: “Ban đầu, đây là một bộ phận của Sở Giáo dục khu Đông Nam bộ (gồm các tỉnh: Thủ Dầu Một, Vũng Tàu, Bà Rịa - Long Khánh, Tân Phú, Biên Hòa), đến năm 1976 mới chính thức tách ra thành lập Ty Giáo dục Đồng Nai”.
Thời điểm mới tiếp quản, hệ thống giáo dục của Đồng Nai gồm có 5 trường mẫu giáo (4 trường tư), 386 trường tiểu học (66 trường tư), 84 trường trung học và trung tiểu học (26 trường tư), 1 trường nữ công gia chánh, 5 trường kỹ thuật, 1 trường sư phạm. Thời điểm đó, Đồng Nai có hơn 3,7 ngàn giáo viên và 207 ngàn học sinh.
Sau khi tiếp quản, Ty Giáo dục đã tiến hành cải tạo, sắp xếp và mở rộng thành hệ thống giáo dục quốc dân hoàn chỉnh, thống nhất cùng cả nước. Ông Sùng nhớ lại: “Khi mới tiếp quản, trường học còn rất ít, đặc biệt là ở các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng kinh tế mới như: Tân Phú, Định Quán. Trường học ở đây đa phần là tranh tre nứa lá. Tuy đường sá đi lại xa xôi, vất vả nhưng cán bộ Ty Giáo dục thường xuyên đi về cơ sở. Chúng tôi ở lại trường, cùng với các thầy, cô giáo vận động bà con đóng góp xây dựng trường lớp; hướng dẫn công tác kiểm tra, thanh tra về dạy học...”.
Cũng theo ông Sùng, thời điểm mới tiếp quản, đội ngũ giáo viên còn thiếu nhiều nên ngành Giáo dục phải tuyển dụng cả những giáo viên chỉ tham gia khóa đào tạo cấp tốc khoảng 2-3 tháng.
Chủ tịch Hội Cựu giáo chức TP.Biên Hòa Võ Kim Tuyến làm giáo viên dạy học tại Biên Hòa từ năm 1973. Từ năm 1981, ông làm công tác quản lý và giữ chức hiệu trưởng trước khi về hưu năm 2012. Gần 40 năm công tác trong ngành Giáo dục với nhiều vị trí, ông Tuyến đã chứng kiến nhiều đổi thay của ngành GD-ĐT.
Ông Tuyến chia sẻ: “Giai đoạn trước năm 1985, điều kiện dạy học và đời sống của giáo viên gặp rất nhiều khó khăn, nhiều người không thể bám trụ được với nghề. Tôi dạy học ở khu vực Hố Nai, nhiều cơ sở còn tạm bợ, ngành Giáo dục phải tận dụng phòng học của các cơ sở để dạy học”.
Không ngừng lớn mạnh, đáp ứng yêu cầu đổi mới
Đến nay, Đồng Nai có hơn 920 trường học từ bậc mầm non đến THPT, với trên 740 ngàn học sinh. Ngoài ra, còn có 12 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; hơn 100 cơ sở giảng dạy ngoại ngữ, tin học; 11 trường cao đẳng, 6 trường trung cấp; 5 trường đại học… Đây là điều kiện thuận lợi để người dân tham gia học tập, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.
Một trong những nhiệm vụ trọng tâm đã được ngành GD-ĐT thực hiện trong thời gian qua là việc nâng cao chất lượng, trình độ của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Bởi theo Phó giám đốc Sở GD-ĐT Võ Ngọc Thạch, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên là yếu tố cốt lõi, quyết định sự thành công của giáo dục. Do đó, nhân lực đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục được phát triển cả về số lượng lẫn chất lượng.
“Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 hướng đến mọi giáo viên đều có khả năng phát triển chương trình bộ môn dựa trên chương trình khung, chương trình tổng thể. Điều đó đồng nghĩa họ phải am tường về mục tiêu, nội dung, yêu cầu của chương trình để có thể tạo ra những giá trị thích ứng như bài học, chủ đề, học liệu, thiết bị dạy học cả truyền thống lẫn công nghệ hiện đại… Vì vậy, vấn đề tự học, tự bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ luôn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục trong đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục và mỗi giáo viên” - ông Võ Ngọc Thạch cho hay.
Hải Yến