Sau 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Y tế Đồng Nai đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng, chất lượng.
Sau 48 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngành Y tế Đồng Nai đã có những bước phát triển vượt bậc cả về quy mô, số lượng, chất lượng.
Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhi tại Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai. Ảnh: H.Dung |
Quy mô phát triển rộng khắp
Sau ngày giải phóng 30-4-1975, mạng lưới y tế trên địa bàn Đồng Nai rất ít ỏi và thấp kém. Biên Hòa chỉ có 1 bệnh viện tỉnh đặt tại tỉnh lỵ, được người Pháp xây dựng từ năm 1939 với quy mô 375 giường bệnh, y tế cơ sở chỉ có 59 trạm y tế. Còn tại Long Khánh, chỉ có 1 bệnh viện với quy mô trên 100 giường bệnh; ngoài ra, có thêm 21 trạm y tế.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cho biết: “Nhìn lại chặng đường 48 năm qua, khẳng định rằng Đồng Nai đã có sự phát triển vượt bậc. Trong đó, lĩnh vực an sinh xã hội, y tế, giáo dục, văn hóa luôn được xã hội quan tâm vì đây là những vấn đề liên quan thiết thân đến mọi người dân, mọi gia đình. Vì thế, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Đồng Nai tiếp tục có những chương trình, chính sách để đáp ứng tốt nhất sự kỳ vọng, mong muốn của người dân”. |
Với sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, sự điều hành của chính quyền và nỗ lực của ngành Y tế, đến năm 1976, quy mô bệnh viện đa khoa của tỉnh đã được nâng lên 553 giường; các bệnh viện khu vực và mạng lưới y tế cơ sở cùng với nhiều chiến dịch vệ sinh phòng bệnh được triển khai có hiệu quả.
Đến thời điểm này, hệ thống khám, chữa bệnh của ngành Y tế Đồng Nai được phân làm 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) gồm: 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất; 3 bệnh viện đa khoa khu vực; 3 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh; 11 trung tâm y tế huyện, thành phố; 3 phòng khám đa khoa khu vực; 170 trạm y tế xã, phường, thị trấn.
Y tế tư nhân cũng phát triển mạnh mẽ với 7 bệnh viện đa khoa, chuyên khoa tư nhân; 80 phòng khám đa khoa tư nhân; 1.608 phòng khám chuyên khoa và cơ sở dịch vụ y tế.
Sở Y tế hiện quản lý 1.889 cơ sở y tế được cấp giấy phép hoạt động theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, gồm 194 cơ sở y tế công lập và 1.695 cơ sở y tế ngoài công lập.
Nhiều kết quả tích cực
BS CKII Lê Quang Trung, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, sau 48 năm giải phóng, ngành Y tế Đồng Nai nói riêng và cả nước nói chung có nhiều tiến bộ vượt bậc trong công tác chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe người dân.
Trong đó, hệ dự phòng có những bước tiến ổn định và chắc chắn. Trong 2 năm 2020, 2021, mặc dù đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, khó lường, song hệ dự phòng đã góp công lớn trong việc kiểm soát được dịch bệnh nguy hiểm này, giúp cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân được trở lại bình thường.
Ngoài ra, các loại dịch bệnh thông thường khác như: cúm gia cầm, bại liệt, phong đã được kiểm soát tốt. Cùng với cả nước, Đồng Nai đã loại trừ được bệnh bại liệt, thanh toán được bệnh phong. Số ca mắc sốt rét nội địa gần như không còn nữa, chỉ còn ghi nhận một vài ca sốt rét ngoại lai...
Công tác dân số bảo đảm được mức sinh thay thế, phát triển dân số phù hợp với sự phát triển lâu dài của tỉnh. Các chương trình mục tiêu quốc gia khác cũng làm rất tốt.
Năm 2023, ngành Y tế nỗ lực thực hiện đạt 7 chỉ tiêu cơ bản mà lãnh đạo tỉnh giao. Đó là tỷ lệ 88% trạm y tế xã, phường, thị trấn đủ điều kiện khám, chữa bệnh BHYT; 100% trạm y tế có bác sĩ làm việc; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cân nặng theo độ tuổi còn 7,7%; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng chiều cao theo độ tuổi còn 21%; đạt 9,4 bác sĩ và 30 giường bệnh/vạn dân; tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải y tế đạt 100%. |
Đối với hệ điều trị, thời điểm này đã tiến một bước rất dài. Cơ sở vật chất của các cơ sở y tế được đầu tư bài bản. Nhiều cơ sở khang trang, hiện đại đi vào hoạt động làm thay đổi bộ mặt của ngành Y tế Đồng Nai: như Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Khánh, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất. Y tế cơ sở được chăm chút xây mới, sửa chữa, đảm bảo phục vụ người dân.
Các bệnh viện lớn đã làm chủ hầu hết các kỹ thuật cao, góp phần nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại đơn vị. Phải kể đến như kỹ thuật phẫu thuật tim mạch, can thiệp tim mạch, nội soi, chạy ECMO, tuần hoàn ngoài cơ thể… Nhờ vậy, bệnh nhân ở Đồng Nai được điều trị ngay tại địa phương, không cần phải di chuyển lên các bệnh viện tuyến trên ở TP.HCM để điều trị như trước, giảm được nhiều thời gian, công sức, chi phí.
Đội ngũ nhân lực ngành Y tế không ngừng nâng cao tay nghề, tác phong, thái độ phục vụ người bệnh. Đến cuối năm 2022, Đồng Nai đã đạt tỷ lệ 9,1 bác sĩ/vạn dân; 30 giường bệnh/vạn dân; 100% xã, phường, thị trấn có bác sĩ làm việc.
Mặc dù đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ, song theo BS CKII Lê Quang Trung, còn nhiều bất cập trong công tác y tế cần phải giải quyết trong thời gian tới.
Mục tiêu đề ra là xây dựng nền y tế công bằng, minh bạch, bảo đảm người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất. Tuy nhiên, tuyến y tế cơ sở hiện nay vẫn chưa được đầu tư đúng mức, chưa đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân. Những cơ chế, chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến cơ sở chưa bảo đảm được quyền lợi của người dân, khó thu hút nhân lực chất lượng cao về tuyến cơ sở làm việc.
Do vậy, trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ đề xuất xây dựng các gói BHYT từ cơ bản đến nâng cao để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa y tế theo hướng công khai, minh bạch, công bằng để phục vụ nhiều đối tượng. Có những chính sách ưu đãi cụ thể, tạo môi trường làm việc thuận lợi để nhân viên y tế cống hiến và hưởng thụ từ những gì họ đã cống hiến.
Hạnh Dung