Báo Đồng Nai điện tử
En

Đồng Nai chuyển trạng thái đào tạo nhân lực

08:04, 28/04/2023

Đồng Nai là một trong 2 tỉnh có hệ thống trường phổ thông, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp lớn thứ 2 ở khu vực Đông Nam bộ (chỉ sau TP.HCM).

Đồng Nai là một trong 2 tỉnh có hệ thống trường phổ thông, đại học, cao đẳng và trung cấp chuyên nghiệp lớn thứ 2 ở khu vực Đông Nam bộ (chỉ sau TP.HCM).

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng và Vụ trưởng, Trưởng đại diện Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM Đặng Mạnh Trung trao đổi về công tác đào tạo nghề với lãnh đạo 3 trường đại học lớn của tỉnh là: Đồng Nai, Lạc Hồng và Công nghệ Đồng Nai
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng và Vụ trưởng, Trưởng đại diện Cơ quan thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương tại TP.HCM Đặng Mạnh Trung trao đổi về công tác đào tạo nghề với lãnh đạo 3 trường đại học lớn của tỉnh là: Đồng Nai, Lạc Hồng và Công nghệ Đồng Nai

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng chia sẻ: “Những năm qua, Đồng Nai đã đầu tư rất lớn cho giáo dục mầm non, phổ thông, đào tạo nghề từ trung cấp đến đại học. Quy mô trường lớp, đội ngũ nhà giáo và sĩ số học sinh đã tăng rất nhanh trong hơn 10 năm trở lại đây theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng”.

Hoàn thiện hệ thống giáo dục

Phó giám đốc Sở GD-ĐT Đỗ Đăng Bảo Linh cho biết, nhờ những nền tảng giáo dục được lãnh đạo tỉnh chăm lo nên đến nay, Đồng Nai là một trong những tỉnh có tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia cao trong 6 tỉnh, thành Đông Nam bộ, trong đó bậc mầm non là 43,5% (đứng thứ 2), tiểu học 50,5%, THCS 52%, THPT 30% (đứng vị trí thứ 3). Nhiều địa phương của tỉnh như: Cẩm Mỹ, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu, Nhơn Trạch, Long Khánh có tỷ lệ trường chuẩn quốc gia ở cả 4 cấp học từ mầm non đến THPT đạt trên 90%.

5 giải pháp tiếp tục đầu tư cho giáo dục

- Quy hoạch, định hướng, dự báo phát triển GD-ĐT đảm bảo bao quát, phù hợp với thực tiễn và khả thi.

- Quy hoạch đủ quỹ đất cho phát triển GD-ĐT.

- Tiếp tục nâng cao trình độ giáo viên.

- Thực hiện cơ chế tự chủ tài chính trong các cơ sở giáo dục công lập.

- Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực giáo dục.

Đồng Nai còn được đánh giá là tỉnh sớm huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư cho giáo dục. Số lượng các trường ngoài công lập chiếm khoảng 20% trong tổng số các trường học trên địa bàn tỉnh (196/940 trường). Các trường ngoài công lập góp phần đáng kể vào việc giảm áp lực cho các trường công lập với trên 105 ngàn học sinh (chiếm tỷ lệ hơn 15% tổng số học sinh toàn tỉnh). Tỷ lệ trường ngoài công lập của Đồng Nai cao gấp gần 3 lần bình quân chung của cả nước (cả nước là 6,68%), còn tỷ lệ học sinh ngoài công lập là 15% (cả nước 6%).

Đến nay, Đồng Nai đã có được hệ thống giáo dục hoàn chỉnh từ mầm non đến đại học lên đến gần 800 ngàn học sinh, học viên và sinh viên đang theo học.

Toàn tỉnh hiện có 6 cơ sở giáo dục đại học công lập và tư thục, 10 trường cao đẳng dạy nghề. Tỉnh đã hoàn thành sắp xếp lại một số trường trung cấp nghề cho phù hợp với nhu cầu đào tạo của xã hội. Không dừng lại ở đó, Đồng Nai đã có một số mô hình liên kết đào tạo nghề hiệu quả giữa nhà trường và doanh nghiệp. Điển hình là Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) với mô hình đào tạo nghề công nghệ kỹ thuật cao TGA với Tập đoàn Bosch và Mecerdes của Đức.

Nhiều đơn vị, tập đoàn lớn trong lĩnh vực giáo dục đang tiếp tục tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Đồng Nai. Như năm 2021, Tập đoàn Nguyễn Hoàng đã đầu tư 1 trường phổ thông quốc tế, đồng thời đầu tư vào Trường đại học Công nghệ Miền Đông theo hướng trở thành trường quốc tế. Tập đoàn này còn đầu tư vào 1 trường phổ thông tại TP.Long Khánh và đang xem xét đầu tư mở rộng lĩnh vực giáo dục tại Đồng Nai.

Nâng chất đào tạo nguồn nhân lực

Đồng Nai là một trong những tỉnh công nghiệp trọng điểm trong vùng kinh tế Đông Nam bộ và cả nước, nhu cầu lao động, nhất là lao động có tay nghề rất lớn. Hiện số lượng lao động làm việc trong các doanh nghiệp lên tới trên 1 triệu người, trong đó nhiều lao động có trình độ cao. Không chỉ thu hút lao động trong tỉnh, nhiều DN còn thu hút lao động tay nghề cao từ TP.HCM, chuyên gia nước ngoài sang làm việc do thị trường lao động tay nghề cao của tỉnh chưa đáp ứng đủ.

Dự báo trong những năm tới, nhu cầu lao động tay nghề cao của tỉnh sẽ tiếp tục tăng mạnh khi tận dụng thời cơ mới hạ tầng giao thông hoàn thiện, chính sách thu hút đầu tư được cải thiện, nhiều nhà đầu tư mới với công nghệ cao sẽ tìm đến Đồng Nai. Một trong những động lực thúc đẩy là dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đi vào hoạt động từ năm 2026, các tuyến cao tốc, đường vành đai kết nối với Đồng Nai sẽ sớm hoàn thiện. Giám đốc Sở LĐ-TBXH Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, các cơ sở đào tạo nghề phải bắt tay ngay vào đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, không chỉ giỏi tay nghề mà phải thành thạo kỹ năng để cùng với tỉnh tạo ra giá trị lao động lớn hơn.

Hiệu trưởng Trường đại học Công nghệ Đồng Nai, TS Đoàn Mạnh Quỳnh cho biết, những năm qua, đặc biệt là 5 năm trở lại đây, nhà trường đã thay đổi mạnh mẽ, toàn diện từ cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Trường đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng đào tạo. Hiện nay, nhà trường đang chuẩn bị mở ngành đào tạo mới là Logistics đón cơ hội từ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cùng với các ngành: Quản trị kinh doanh, Du lịch, Tiếng Anh…

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 (H.Long Thành) Nguyễn Khắc Cường cho hay, nhà trường đã chờ đợi cơ hội cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao từ dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành từ lâu mà chưa bao giờ cơ hội lại đến gần như hiện nay. Để nắm được những cơ hội lớn, những năm qua, nhà trường đã trang bị những thiết bị đào tạo nghề hiện đại của thế giới.

Chẳng hạn, Trường cao đẳng Công nghệ quốc tế Lilama 2 đang sở hữu hệ thống máy cắt gọt kim loại tự động CNC và nhận chuyển giao chương trình đào tạo nghề cơ khí, điện tử trình độ quốc tế của Đức. Hay thiết bị và chương trình đào tạo nghề hàn công nghiệp tự động của Mỹ. Sinh viên theo học ngành đào tạo theo chuẩn quốc tế được cấp chứng chỉ Việt Nam và quốc tế được công nhận tại châu Âu và Mỹ. Năm 2021, nhà trường đã bắt tay vào đào tạo ngành Bảo dưỡng máy bay và vô tuyến điện hàng không.   

  Công Nghĩa


Hiệu trưởng Trường đại học Đồng Nai TS LÊ ANH ĐỨC:

Đào tạo đa ngành gắn với chất lượng

Trường đại học Đồng Nai sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên cho tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mầm non, phổ thông. Mặt khác, trường sẽ tiếp tục mở rộng đào tạo đa ngành, nhất là những ngành gắn với nhu cầu của cảng hàng không quốc tế Long Thành, cảng Phước An như: Tiếng Anh, Kinh tế, Logistics, Trí tuệ nhân tạo (AI)…

Hiệu trưởng Trường đại học Lạc Hồng, TS LÂM THÀNH HIỂN:

Hướng đến các tiêu chuẩn quốc tế trong chuẩn đào tạo

Sau khi đạt chuẩn chất lượng đào tạo Việt Nam, hiện nhà trường đã có 10 ngành đào tạo đạt chuẩn ASEAN và 2 ngành mới hoàn thành kiểm định theo chuẩn ABET của Mỹ. Trường đang nhanh chóng chuyển hướng đào tạo vào những ngành mới như: Robot, Trí tuệ nhân tạo (AI), Truyền thông đa phương tiện, Thương mại điện tử, Logistics. Đây cũng là những ngành mới phục vụ cho tỉnh khi đón những dòng vốn thế hệ mới sử dụng công nghệ cao. Muốn nắm những vận hội từ hội nhập quốc tế thì trình độ đào tạo cũng phải tương thích.      

Thành Nam (ghi)


 

Tin xem nhiều