Báo Đồng Nai điện tử
En

Bài 2: Quy hoạch lại mạng lưới y tế cơ sở

08:03, 21/03/2023

Cơ sở y tế xuống cấp, thiếu trang thiết bị máy móc, thiếu cả nhân sự trực tiếp làm việc lẫn nhân sự làm công tác quản lý.

[links()]Cơ sở y tế xuống cấp, thiếu trang thiết bị máy móc, thiếu cả nhân sự trực tiếp làm việc lẫn nhân sự làm công tác quản lý. Đó là 3 khó khăn lớn nhất hiện nay của hệ thống y tế cơ sở của tỉnh. Những khó khăn này đẩy y tế cơ sở rơi vào vòng luẩn quẩn, cần được giải quyết một cách đồng bộ. Đây cũng chính là bài toán khó đặt ra cho ngành Y tế.

Nhân viên y tế xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Ảnh: H.Yến
Nhân viên y tế xã Phú Hội (H.Nhơn Trạch) tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. Ảnh: H.Yến

Việc xây dựng đề án nâng cao năng lực hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng để trình HĐND tỉnh trong năm 2023 là nhiệm vụ quan trọng nhằm gỡ rối cho hệ thống y tế cơ sở của tỉnh.

* Cái khó… bó cái khôn

Ngoài hệ thống các cơ sở y tế tuyến tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn, TP.Biên Hòa hiện có 30 trạm y tế, 7 bệnh viện tư nhân, 41 phòng khám đa khoa và gần 700 cơ sở hành nghề khám, chữa bệnh (KCB)… Không chỉ có mạng lưới cơ sở y tế rộng khắp, TP.Biên Hòa còn có tỷ lệ bác sĩ/vạn dân và tỷ lệ giường bệnh/vạn dân cao hơn tỷ lệ trung bình toàn tỉnh (14,6 bác sĩ/vạn dân; 59,2 giường bệnh/vạn dân).

Mặc dù vậy, hoạt động của ngành Y tế thành phố vẫn chồng chất khó khăn, đặc biệt là ở khối y tế công lập. Trong đó, khó khăn lớn nhất là tình trạng trụ sở xuống cấp, chật hẹp, thiếu trang thiết bị phục vụ nhu cầu KCB và thiếu bác sĩ.

Mô hình trạm y tế theo nguyên lý y học gia đình

Trạm y tế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình đang là mô hình được nhiều tỉnh, thành thực hiện, trong đó có TP.Hà Nội và TP.HCM. Các trạm y tế đều chú trọng thực hiện tốt nguyên tắc: liên tục, toàn diện, lồng ghép, phối hợp, dự phòng, gia đình, cộng đồng; giúp người dân dễ tiếp cận cơ sở y tế, mức chi phí thấp, bảo đảm chất lượng KCB ban đầu và phòng, chống các loại dịch bệnh.

Trung tâm Y tế (TTYT) TP.Biên Hòa đã xuống cấp trầm trọng và được đề xuất xây dựng trụ sở mới từ cách đây hơn 10 năm nhưng đến nay vẫn “giậm chân tại chỗ”. Đội ngũ y, bác sĩ vẫn phải tiếp tục làm việc trong môi trường xập xệ, thiếu trang thiết bị.

Phó giám đốc Sở Y tế, BS CKII Nguyễn Văn Bình thẳng thắn cho rằng, nhân lực khối KCB của TTYT TP.Biên Hòa vừa thiếu, vừa yếu và đang rơi vào vòng luẩn quẩn. Điều này do nhiều nguyên nhân.

Theo đó, cơ sở vật chất xuống cấp nên không thể đầu tư trang thiết bị được, có đầu tư thì cũng không có người làm, bởi máy móc hiện đại đòi hỏi nhân lực biết cách sử dụng, chưa kể đến việc phải có phòng ốc tương thích, điều kiện bảo quản tốt... Nếu tuyển dụng được bác sĩ về làm việc thì cũng khó giữ chân vì điều kiện làm việc khó khăn. TTYT thường chỉ tuyển được các bác sĩ mới ra trường, nhưng nhiều người chỉ làm việc tại đây đủ 18 tháng để lấy chứng chỉ hành nghề rồi “nhảy việc” sang hệ thống y tế tư nhân…

Cùng với TTYT, nhiều trạm y tế trên địa bàn TP.Biên Hòa cũng đã xuống cấp cần được xây mới, sửa chữa. Đây cũng là hiện trạng của nhiều trạm y tế trên toàn tỉnh. Chẳng hạn, H.Nhơn Trạch có 12 trạm y tế nhưng có đến 5 trạm cần phải xây mới và 4 trạm cần sửa chữa, nâng cấp. Tương tự, H.Long Thành có 14 trạm y tế nhưng có đến 3 trạm cần xây mới và 7 trạm cần cải tạo, sửa chữa.

Về nhân lực, hàng năm các đơn vị đều có thông tin tuyển dụng nhưng rất ít bác sĩ nộp hồ sơ ứng tuyển. Như TTYT TP.Long Khánh đang tuyển dụng 7 bác sĩ, 1 cử nhân hộ sinh, 4 y sĩ đa khoa nhưng mới chỉ tuyển được 1 y sĩ đa khoa. Số nhân sự còn thiếu không biết đến khi nào mới tuyển dụng đủ. Thiếu bác sĩ theo chức danh và vị trí việc làm dẫn đến việc triển khai các dịch vụ KCB cho nhân dân, nhất là KCB bảo hiểm y tế gặp rất nhiều khó khăn.

Không những thiếu nhân lực trực tiếp làm việc, ngành Y tế cũng đang thiếu nhiều nhân lực ở vị trí quản lý, thậm chí không có nguồn để quy hoạch. “Hiện nay, Sở Y tế đang chỉ đạo TTYT TP.Biên Hòa quy hoạch cán bộ giai đoạn 2020-2025, nhưng chỉ có 3-4 cán bộ đủ điều kiện nằm trong danh sách quy hoạch, trong khi toàn thành phố có đến 30 trạm y tế. Không có quy hoạch thì rất khó để bổ nhiệm” - BS CKII Nguyễn Văn Bình cho hay.

* Rà soát lại hệ thống y tế cơ sở

Tuyến y tế cơ sở là tuyến gần dân, dễ tiếp cận dân và triển khai tất cả hoạt động của ngành Y tế, bao gồm dự phòng lẫn điều trị. Theo đó, hệ thống y tế cơ sở phải quản lý, theo dõi sức khỏe của người dân trên địa bàn; có đủ năng lực để điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân. Y tế cơ sở là nơi đầu tiên người dân có thể tiếp cận khi ốm đau, dịch bệnh…, hạn chế việc người dân phải nhập viện để khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện. Với vai trò quan trọng đó, hệ thống y tế cơ sở cần phải được đầu tư bài bản, toàn diện hơn.

Xác định được điều này, UBND tỉnh đã có chủ trương và giao Sở Y tế chủ trì xây dựng đề án nâng cao năng lực hoạt động của y tế cơ sở, y tế dự phòng để trình HĐND tỉnh trong năm 2023.

Khó khăn chung của nhiều trạm y tế là nhân lực mỏng, phụ trách địa bàn rộng, đông dân trong khi mức lương còn thấp; một số trang thiết bị đã hư hỏng, xuống cấp; nguồn kinh phí cho các hoạt động của trạm y tế ngày càng ít… Do những khó khăn đó, các trạm y tế hiện chỉ đáp ứng được yêu cầu KCB ban đầu; phòng, chống dịch bệnh và thực hiện các chương trình y tế quốc gia trong điều kiện bình thường.

Trước đó, trong năm 2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Bảo; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng; Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Cao Văn Quang cùng lãnh đạo Sở Y tế và các sở, ngành liên quan đã đi khảo sát về hệ thống y tế cơ sở, tìm hiểu thực tế, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ y, bác sĩ.

Cùng với những chuyến khảo sát thực tế đó, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu ngành Y tế cần rà soát lại toàn bộ hệ thống y tế cơ sở, cả về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ nhân sự nhằm nắm rõ thực trạng, xây dựng đề án sát thực tế, trong đó cần trình bày được các giải pháp cả trước mắt lẫn lâu dài, có khả năng áp dụng hiệu quả.

Khi đề án được thông qua sẽ thúc đẩy việc xây mới, cải tạo lại cơ sở vật chất; sửa chữa, mua sắm trang thiết bị, máy móc cho hệ thống y tế cơ sở trong toàn tỉnh, đáp ứng tiêu chuẩn mới nhất của Bộ Y tế nhằm phục vụ nhu cầu chăm sóc, KCB của người dân. Cùng với đó, ngành Y tế sẽ tiếp tục tham mưu xây dựng cơ chế để thu hút và giữ chân đội ngũ y, bác sĩ.

Đối với việc thiếu hụt nhân lực ngành Y tế, trong buổi làm việc với các sở, ngành, địa phương về quy hoạch mạng lưới y tế, giáo dục mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng đề nghị các đơn vị: Sở Y tế, Sở GD-ĐT, Sở LĐ-TBXH, Sở Nội vụ, Trường đại học Đồng Nai, Trường cao đẳng Y tế Đồng Nai phối hợp, bàn bạc góp phần tìm giải pháp để đào tạo nguồn nhân lực cho các ngành Y tế, Giáo dục.

Về vấn đề nhân lực quản lý, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Sơn Hùng cũng đã chỉ đạo Sở Y tế rà soát lại các tiêu chuẩn, tiêu chí trong điều kiện bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và quy hoạch, lập danh sách cụ thể đề xuất UBND tỉnh trong tháng 2-2023.

Hải Yến

Bài 3: Khuyến khích xã hội hóa y tế, giáo dục

Tin xem nhiều