Sau khoảng 3 tháng chuẩn bị, cô giáo Nguyễn Thị Kim Tuyến (giáo viên môn Hóa học) và thầy giáo Hoàng Huy Hiệp (giáo viên môn Sinh học) ở Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) đã tổ chức được tiết học liên môn với chủ đề Protein dành cho học sinh lớp 12. Mặc dù giảng dạy nội dung của chương trình hiện hành nhưng toàn bộ phương pháp, kỹ thuật dạy học đều thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018.
Sau khoảng 3 tháng chuẩn bị, cô giáo Nguyễn Thị Kim Tuyến (giáo viên môn Hóa học) và thầy giáo Hoàng Huy Hiệp (giáo viên môn Sinh học) ở Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) đã tổ chức được tiết học liên môn với chủ đề Protein dành cho học sinh lớp 12. Mặc dù giảng dạy nội dung của chương trình hiện hành nhưng toàn bộ phương pháp, kỹ thuật dạy học đều thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới năm 2018.
Học sinh lớp 12A1 Trường THPT Nguyễn Trãi (TP.Biên Hòa) hào hứng trong tiết học liên môn với chủ đề Protein. Ảnh: H.YẾN |
Đây được xem là hoạt động khai phá, mở đầu cho việc ứng dụng dạy học liên môn và các phương pháp, kỹ thuật dạy học mới để đáp ứng Chương trình GDPT mới năm 2018.
Chuẩn bị kỳ công
Dạy học liên môn là ý tưởng được các giáo viên trong Tổ Hóa - Sinh Trường THPT Nguyễn Trãi ấp ủ từ lâu. Thực hiện được ý tưởng này là điều không đơn giản, bởi theo thiết kế của chương trình hiện hành khó có thể tìm ra được nội dung, chủ đề chung để thực hiện liên môn. Tuy nhiên, trước yêu cầu đổi mới dạy học theo chương trình GDPT mới, tổ Hóa - Sinh đã quyết tâm thực hiện bài dạy liên môn. Ngay từ trong hè, cô Tuyến và thầy Hiệp đã xung phong nhận nhiệm vụ này và làm việc cùng nhau.
Cô TRỊNH PHƯƠNG NGỌC, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi: Để có được tiết học liên môn, cô Nguyễn Thị Kim Tuyến và thầy Hoàng Huy Hiệp đã phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng. Tôi đánh giá cao tiết dạy của 2 thầy cô và mong giáo viên các tổ bộ môn khác trong trường sẽ cùng nhau làm việc để thực hiện thêm nhiều tiết dạy liên môn nữa. Đây cũng là yêu cầu trong thực hiện chương trình GDPT mới nhằm phát triển năng lực của học sinh. |
Cô Tuyến kể: “Chúng tôi ngồi lại với nhau rà soát chương trình nhằm tìm được nội dung kiến thức liên quan giữa 2 môn để chọn chủ đề dạy học liên môn. Sau khi rà soát, chúng tôi thấy chương trình lớp 12 có chủ đề Protein có nhiều điểm chung để triển khai. Sau khi tìm được chủ đề, chúng tôi cùng nhau tham khảo nội dung của cả 2 môn, lồng ghép các nội dung lại với nhau, lên kịch bản, soạn giáo án, điều chỉnh nhiều lần cho đến khi thật ưng ý thì mới đưa vào giảng dạy”.
2 giáo viên này bắt tay vào chuẩn bị từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 11; tranh thủ những lúc cả 2 cùng trống tiết hoặc cuối giờ lên lớp để cùng nhau bàn bạc, thảo luận, chia việc rồi tự tìm hiểu, soạn bài ở nhà, chỗ nào còn vướng mắc hoặc chưa đạt lại thảo luận, chỉnh sửa. “Cứ mỗi tuần chúng tôi hoàn thành một chút vì còn phải đảm bảo việc giảng dạy trên lớp. Cao điểm là 2 tuần trước khi dạy, phải tập trung thời gian cho bài giảng, chủ yếu là khâu thiết kế, trình bày công nghệ thông tin” - thầy Hiệp cho biết.
Cả 2 giáo viên đều cho rằng, khó khăn nhất trong thực hiện chủ đề dạy học liên môn là một số vấn đề chuyên môn của hai bên không khớp với nhau nên khó kết hợp. Đơn cử như các từ chuyên môn được sử dụng trong môn Hóa và môn Sinh chưa khớp với nhau. Chẳng hạn, trong khi môn Sinh gọi là acid amin thì môn Hóa lại gọi là amino acid; môn Sinh gọi là polipeptit thì môn Hóa lại gọi là protein. Vì vậy, giáo viên phải thống nhất cách gọi tên và phối hợp khéo léo để học sinh hiểu.
Hào hứng với tiết học liên môn
Trong tiết học liên môn với chủ đề Protein, cả cô Tuyến và thầy Hiệp cùng phối hợp giảng bài. Dù có 2 giáo viên cùng giảng nhưng tiết học không rối mà rất nhịp nhàng, sinh động. Trong tiết học này, 2 giáo viên chỉ đóng vai trò người hướng dẫn, giao việc để học sinh tự tìm tòi, khám phá và tìm ra kiến thức.
Giáo viên thiết kế tiết học 60 phút với nhiều hoạt động, sử dụng nhiều phương pháp, kỹ thuật dạy học như: thảo luận nhóm, thuyết trình, phương pháp phòng tranh… Trong 60 phút, học sinh được giao 7 nhiệm vụ, sau khi hoàn thành mỗi nhiệm vụ, học sinh lại trả lời được một vấn đề, hình thành được kiến thức. Trong đó, có 3 hoạt động tạo được nhiều hứng thú với học sinh liên quan đến phương pháp phòng tranh (học sinh trả lời vấn đề trên phiếu học tập sau đó chụp hình lại rồi trình chiếu trên màn hình để thuyết trình); thực hành thí nghiệm sau đó báo cáo kết quả, nêu nhận xét; gameshow mini “Ai là triệu phú” nhằm hệ thống lại bài học.
Bằng cách thiết kế nhiều hoạt động, giao nhiệm vụ cụ thể, rõ ràng và phân nhóm hợp lý, học sinh đã làm việc tích cực trong suốt 60 phút, tiết học diễn ra hào hứng từ khi mở đầu cho đến khi kết thúc bài học.
Theo cô Tuyến, mục đích của việc dạy học liên môn là giúp phát huy toàn diện năng lực của học sinh. Bằng cách kết hợp kiến thức của nhiều môn học về cùng một chủ đề, học sinh sẽ có cái nhìn tổng quan hơn. Dạy học liên môn với nội dung mở rộng sẽ tạo cho học sinh có hứng thú để tìm tòi, nghiên cứu. Tuy vậy, việc dạy liên môn rất phức tạp, đòi hỏi giáo viên dành nhiều thời gian, công sức để đầu tư. Mặt khác, trong dạy liên môn đôi khi có những vấn đề chuyên môn sâu của môn học sẽ không được đề cập như khi dạy riêng lẻ từng môn.
Thầy Hiệp cho rằng, có những vấn đề nếu tách ra mang tính rời rạc, hàn lâm nhưng nếu gộp lại theo hình thức dạy học liên môn sẽ giúp cho học sinh nhìn nhận vấn đề một cách tổng thể, giải thích được nhiều hiện tượng, gắn với thực tế hơn. “Ví dụ, với chủ đề Protein ở lớp 12, môn Hóa chỉ dừng lại ở kiến thức về sự đông tụ protein; môn Sinh chỉ dừng lại ở việc giới thiệu về protein và quá trình tạo ra protein cùng với các chức năng. Tuy nhiên, khi dạy liên môn thì có thể giải thích được những hiện tượng rất hay như: nguyên nhân gây bệnh đột quỵ, giải độc sữa bằng cơ chế đông tụ protein... Học sinh rất hứng thú với điều này” - thầy Hiệp giải thích thêm.
Hải Yến