Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt khó vì yêu nghề giáo

07:12, 06/12/2022

Thầy giáo Bùi Văn Thắng (công tác tại Trường tiểu học Cầu Xéo, TT.Long Thành, H.Long Thành) đã có 12 năm gắn bó với Đồng Nai, trong đó có 10 năm truyền đam mê mỹ thuật cho nhiều thế hệ học sinh trên địa bàn H.Long Thành và H.Nhơn Trạch.

Thầy giáo Bùi Văn Thắng (công tác tại Trường tiểu học Cầu Xéo, TT.Long Thành, H.Long Thành) đã có 12 năm gắn bó với Đồng Nai, trong đó có 10 năm truyền đam mê mỹ thuật cho nhiều thế hệ học sinh trên địa bàn H.Long Thành và H.Nhơn Trạch.

Thầy giáo Bùi Văn Thắng với niềm vui được truyền cảm hứng mỹ thuật cho học sinh của mình. Ảnh: C.Nghĩa
Thầy giáo Bùi Văn Thắng với niềm vui được truyền cảm hứng mỹ thuật cho học sinh của mình. Ảnh: C.Nghĩa

Nói về tình yêu với nghề giáo, thầy giáo Thắng vui vẻ cho hay: “Tôi sinh ra, lớn lên và bén duyên với ngành Sư phạm tại tỉnh Thanh Hóa, nhưng Đồng Nai mới là nơi cho tôi cảm giác hạnh phúc của một người thầy, được làm công việc mình yêu thích. Đây cũng là mảnh đất cho tôi có một gia đình hạnh phúc và tôi nguyện sẽ gắn bó, cống hiến trọn đời với ngành dù cuộc sống còn khó khăn”.

* Gập ghềnh con đường vào nghề giáo

Thầy giáo Thắng chia sẻ, khi còn là học sinh phổ thông ở vùng quê nghèo H.Thạch Thành (tỉnh Thanh Hóa) anh đã rất đam mê môn Mỹ thuật. Anh luôn mong ước sau này sẽ có cơ hội trở thành thầy giáo dạy môn Mỹ thuật để truyền cảm hứng nghệ thuật cho học sinh thông qua những nét vẽ và màu sắc. Mơ ước trở thành thầy giáo dạy mỹ thuật càng gần hơn khi anh là người dân tộc Mường, được tỉnh Thanh Hóa ưu tiên tuyển sinh đào tạo, bố trí việc làm ngay sau khi tốt nghiệp. Thêm vào đó, trong suốt quá trình học còn được tỉnh miễn học phí, đồng thời có thêm hỗ trợ học tập.

Tuy nhiên, con đường đến với nghề sư phạm của anh không hoàn toàn bằng phẳng. Vào năm 2010, khi anh tốt nghiệp, tỉnh Thanh Hóa không còn chế độ bố trí việc làm như những năm trở về trước. Thầy giáo Thắng chia sẻ: “Khi cầm tấm bằng sư phạm mỹ thuật ra trường mà không được bố trí việc làm, tôi thực sự hụt hẫng, bối rối lẫn lo lắng. Mình học sư phạm Mỹ thuật ra trường, nếu không được làm đúng với chuyên môn thì biết làm gì để nuôi sống bản thân. Khi đó, nếu tôi phải tự đi tìm việc làm đúng với chuyên môn đã được đào tạo là điều vô cùng khó, vì giáo viên mỹ thuật bắt đầu dư thừa”.

Biết rằng cơ hội việc làm ở quê nhà khó tìm nên ngay trong năm tốt nghiệp, anh đã xin phép cha mẹ cho mình được vào Nam làm “họa sĩ tự do”, hằng ngày cầm cọ đi vẽ trang trí cho các quán karaoke, nhà hàng. “An ủi cho tôi là nhờ vẽ đẹp nên có nhiều “mối”, thu nhập mỗi tháng rất cao, từ 10-15 triệu đồng, làm xong công trình nào là có tiền “nóng” tiêu xài, gửi về cho cha mẹ” - thầy giáo Thắng nhớ lại.

Dẫu là “họa sĩ tự do” việc làm không hết và thu nhập rất ổn nhưng khao khát được trở thành thầy giáo dạy vẽ đúng nghĩa vẫn luôn đau đáu trong lòng nên cứ có chút thời gian, anh lại chạy đi trường này, trường kia xem có thiếu giáo viên dạy vẽ không để nộp đơn.

* Ngày hạnh phúc được làm thầy

Sau thời gian kiên nhẫn, cuối năm 2012, hay tin UBND H.Long Thành tuyển dụng giáo viên mỹ thuật về công tác tại Trường tiểu học Cầu Xéo, anh liền mang hồ sơ đến nộp ở Phòng GD-ĐT huyện. Ngày phỏng vấn và dạy thử, anh đã chinh phục được Hội đồng tuyển dụng ngay. Ngày được thông báo trúng tuyển là ngày anh cảm thấy hạnh phúc nhất cuộc đời, chỉ mong sao sớm được đến trường nhận nhiệm vụ và bắt tay ngay vào công việc.

Thầy giáo BÙI VĂN THẮNG: Nghệ thuật mang đến điều kỳ diệu trong tâm hồn

Tôi đã từng dạy mỹ thuật cho một số trường hợp là trẻ bị khuyết tật, chậm phát triển về trí tuệ, rối loạn cảm xúc... Với các môn học khác các em thường ít tập trung nhưng khi được học môn Mỹ thuật, các em phản ứng rất tích cực. Có em khiến tôi vô cùng ngạc nhiên khi bình thường ít nói nhưng lại có khả năng vẽ tuyệt vời. Nhiều suy nghĩ chưa nói ra được bằng lời đã được thể hiện qua từng nét vẽ, màu sắc. Dường như tôi đã “rà” đúng “tần số tâm hồn” của các em, làm tôi càng say mê và hạnh phúc với nghề hơn.

Nói thêm về cảm xúc ngày được tuyển dụng, anh Thắng cho hay: “Tôi biết thu nhập của nhà giáo chẳng thể nào bằng được công việc họa sĩ tự do mà tôi làm 2 năm trước đó nhưng tôi vẫn cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vì sắp được làm thầy giáo, được tiếp xúc hằng ngày với các em học sinh”. Khi được hỏi thu nhập chính thức của một thầy giáo vào năm 2012, anh Thắng chia sẻ: “Thu nhập khởi điểm ngày tôi bước vào ngành là 2,2 triệu đồng/tháng, chỉ bằng 1/6 thu nhập so với công việc cũ tôi làm. Nhưng nếu nghĩ về thu nhập của nghề giáo thì có lẽ tôi đã không bước chân vào ngành Giáo dục”.

Có được cơ hội trở thành một nhà giáo đã tạo hứng khởi để thầy đem niềm đam mê cống hiến và sáng tạo. Thầy giáo Thắng cho hay, năm đầu đến trường công tác, mỗi tuần anh được phân công dạy 23 tiết, thời gian còn lại còn được một số trường trên địa bàn mời thỉnh giảng vì thiếu giáo viên. Niềm đam mê đã khiến anh dành hết thời gian cho các học sinh của mình. “Được tiếng” nên Nhà thiếu nhi H.Long Thành và một số trường mầm non lân cận cũng mời anh thỉnh giảng mỗi tuần vài tiết. Nhờ bước vào môi trường sư phạm, mối quan hệ cũng nhiều hơn nên anh được mời làm giám khảo của nhiều hội thi vẽ tranh thiếu nhi của H.Long Thành, H.Nhơn Trạch.

Sau 10 năm chính thức trở thành một nhà giáo, thầy giáo Thắng luôn cảm thấy hạnh phúc với nghề. Anh Thắng cho hay: “Hạnh phúc lớn nhất của tôi là hằng ngày được hướng dẫn học sinh những nét vẽ hồn nhiên theo cách nghĩ của các em. Khi các em có nhiều kỹ năng vẽ hơn, tôi định hướng vẽ theo chủ đề, chẳng hạn như chủ đề bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, vẽ về ngôi trường, về gia đình... Thông qua các chủ đề không chỉ rèn luyện kỹ năng hội họa, mỹ thuật mà còn hun đúc tâm hồn các em hướng đến chân, thiện, mỹ nhiều hơn”.

Công Nghĩa

Tin xem nhiều