Thời gian qua, cùng với các bác sĩ, đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh, y sĩ, dược sĩ đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Thời gian qua, cùng với các bác sĩ, đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh, y sĩ, dược sĩ đã có nhiều đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân Covid-19.
Điều dưỡng của Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất chăm sóc, kiểm tra sức khỏe cho các bệnh nhi mắc Covid-19 tại Bệnh viện Dã chiến số 3 (tại ký túc xá Trường đại học Mở TP.HCM cơ sở 2) hồi tháng 10-2021. Ảnh: Hạnh Dung |
Thấu hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân Covid-19, các điều dưỡng cố gắng quan tâm, chăm sóc và động viên họ. Nhiều bệnh nhân Covid-19 nặng thoát được “cửa tử” một phần nhờ sự tận tâm, trách nhiệm và tình yêu thương của đội ngũ điều dưỡng.
* Tận tình chăm sóc
Từ cuối tháng 7-2021, Trung tâm Hồi sức người bệnh Covid-19 nặng tại Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất bắt đầu tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch. Điều dưỡng Nguyễn Thị Phương Thảo (Phòng Điều dưỡng) không ngại hiểm nguy, khó khăn, vất vả đã xung phong làm nhiệm vụ tại khu vực này cùng các đồng nghiệp.
Chị Phương Thảo cho biết, những bệnh nhân mắc các bệnh thông thường khi vào đến phòng hồi sức tích cực ngoài sự chăm sóc của nhân viên y tế thì thi thoảng người nhà bệnh nhân cũng được vào thăm, chăm sóc bệnh nhân. Nhưng với bệnh nhân Covid-19, người nhà tuyệt đối không được vào thăm, chỉ có đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế túc trực trong phòng bệnh. Đây là thiệt thòi rất lớn đối với bệnh nhân Covid-19, bởi trong hoàn cảnh cận kề sinh tử không có người thân bên cạnh.
Thấu hiểu điều này, các điều dưỡng không chỉ thực hiện y lệnh của bác sĩ, cho bệnh nhân dùng thuốc, hỗ trợ thở máy… mà còn là người trực tiếp đánh răng, rửa mặt, cho bệnh nhân ăn, vệ sinh cho bệnh nhân, tâm sự, động viên, khích lệ người bệnh cùng cố gắng để chiến thắng bệnh tật, sớm trở về với gia đình.
Trong bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, các điều dưỡng, nhân viên y tế phải thường xuyên túc trực bên các giường bệnh, quan sát các chỉ số sinh tồn trên máy, không rời mắt khỏi bệnh nhân. Nếu phát hiện bệnh nhân có diễn biến bất thường, họ phải lập tức báo cho bác sĩ và phối hợp xử trí. Mỗi ca trực của nhân viên y tế thường kéo dài nhiều tiếng đồng hồ, áp lực công việc rất lớn. Trong ca trực, các điều dưỡng không dám uống nước bởi không thể đi vệ sinh và cũng không có thời gian để đi vệ sinh. Thời gian đầu chưa quen, có nhiều người bị mất nước, ngất xỉu.
Chị Phương Thảo chia sẻ, niềm vui lớn nhất của điều dưỡng, bác sĩ, nhân viên phục vụ ở khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng là được nhìn thấy bệnh nhân dần hồi phục sức khỏe, được xuất viện. Ngược lại, khi chứng kiến cảnh bệnh nhân Covid-19 không thể qua khỏi dù đã được tận tình cứu chữa, đặc biệt là những bệnh nhân tuổi đời còn rất trẻ, họ rất đau buồn.
* Không còn khái niệm thời gian
Sau nhiều tháng thực hiện “3 tại chỗ” ở bệnh viện để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19, đến nay điều dưỡng Trần Ngọc Minh, Khoa Ngoại tổng quát Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã có thể về nhà, được ăn cơm chung cùng mẹ già và những người thân yêu trong gia đình.
Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai hiện có 3.946 hội viên với 25 chi hội trực thuộc (tăng 781 hội viên so với kỳ Đại hội lần IV năm 2015), bao gồm: 2.889 điều dưỡng, 490 nữ hộ sinh, 393 kỹ thuật viên và 174 y sĩ, dược sĩ. Trong đó, có 55 hội viên có trình độ sau đại học, hơn 3 ngàn hội viên có trình độ đại học, cao đẳng… |
Chị Ngọc Minh tâm sự, thời điểm dịch bệnh Covid-19 chưa bùng phát mạnh, chị tham gia công tác lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 tại Khoa Nhiễm của bệnh viện và các doanh nghiệp trong tỉnh. Đến khi dịch bệnh bùng phát dữ dội, chị trực tiếp tham gia công tác chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại bệnh viện, hỗ trợ công tác hậu cần cho nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến số 2, số 8, Khu Hồi sức bệnh nhân Covid-19 nặng. Sau ca trực 24 giờ ở bệnh viện, chị Ngọc Minh lại tiếp tục cùng đồng nghiệp hỗ trợ công tác tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân ở các phường, xã trên địa bàn TP.Biên Hòa, có những ngày đến 21 giờ đêm mới được nghỉ ngơi.
Nguy cơ lây nhiễm cao, vất vả là thế nhưng chưa bao giờ điều dưỡng Ngọc Minh có ý định bỏ cuộc hay xin nghỉ việc bởi theo chị Minh, nếu ai cũng xin nghỉ việc thì lấy ai chăm sóc cho bệnh nhân trong hoàn cảnh nguồn nhân lực toàn ngành đang rất mỏng. Chính tình yêu nghề, thương bệnh nhân đã thôi thúc điều dưỡng Trần Ngọc Minh tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Từ cuối tháng 10-2021, khi tỉnh Đồng Nai bước vào giai đoạn bình thường mới, chị Ngọc Minh lại tiếp tục cùng với đồng nghiệp vừa chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân mắc các bệnh thông thường, vừa chăm sóc cho những bệnh nhân mắc Covid-19.
“Khoa có 65 giường bệnh, trong đó dành 25 giường để điều trị cho những bệnh nhân mắc Covid-19. Có những bệnh nhân phẫu thuật ung thư, bị đau ruột thừa vào bệnh viện cấp cứu, xét nghiệm mới phát hiện bị nhiễm Covid-19. Do đó, nhân viên y tế phải hết sức cẩn trọng để phòng, chống lây nhiễm cho chính bản thân và những bệnh nhân khác đang điều trị trong khoa” - điều dưỡng Ngọc Minh tâm sự.
Cũng làm hết việc, không hết giờ suốt hơn 2 năm qua là các kỹ thuật viên của các phòng xét nghiệm Covid-19 trong tỉnh. Chị Nguyễn Thị Khuyên, nhân viên Khoa Xét nghiệm - chẩn đoán hình ảnh - thăm dò chức năng Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cho biết, thời điểm dịch bệnh bùng phát dữ dội, tất cả cán bộ, nhân viên trong Khoa phải luôn trong tư thế sẵn sàng, làm việc xuyên đêm để có được kết quả sớm nhất có thể. Đối diện với nguy cơ lây nhiễm cao, các cán bộ, kỹ thuật viên, nhân viên của Khoa đều không nề hà. Ai cũng mong dịch bệnh sớm qua để mọi người được trở về cuộc sống bình thường, được quây quần bên mâm cơm gia đình sau mỗi ngày làm việc.
* Tiếp tục lấy người bệnh làm trung tâm
ThS - Thầy thuốc ưu tú Huỳnh Tú Anh, Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Sở Y tế, Chủ tịch Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai cho hay, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, đội ngũ điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên trong tỉnh vẫn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, thương yêu người bệnh, giúp người bệnh vơi đi phần nào nỗi đau bệnh tật.
Qua 23 năm thành lập và phát triển, với vai trò là cầu nối cho sự đổi mới và phát triển không ngừng của chuyên ngành điều dưỡng, Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai đã trở thành một tổ chức xã hội nghề nghiệp, đại diện cho tiếng nói của hội viên trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu “Đoàn kết và phát triển”, thông qua việc đẩy mạnh nghiên cứu, đào tạo, cập nhật, ứng dụng, phát triển các kỹ thuật và dịch vụ điều dưỡng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của toàn thể hội viên trong Hội đã có nhiều tiến bộ, đem đến sự hài lòng cho người bệnh.
ThS Huỳnh Tú Anh cho hay, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh, y sĩ, dược sĩ cần chủ động hơn nữa trong việc phát triển các dịch vụ chăm sóc người bệnh chất lượng cao, nâng cao hơn nữa tính chuyên nghiệp trong chăm sóc người bệnh. Qua đó, khẳng định được vai trò, vị thế của ngành điều dưỡng trong xã hội.
Do đó, trong nhiệm kỳ 2021-2026, Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai sẽ tăng cường công tác đào tạo, tạo điều kiện thuận lợi để các hội viên phát triển chuyên môn, tay nghề. Phối hợp tham gia tư vấn và xây dựng chính sách đối với đội ngũ điều dưỡng, các chuẩn nghề nghiệp phù hợp với thực tế và mang tính hội nhập. Tiếp tục đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh của điều dưỡng. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ nguồn lực tài chính của các cấp chính quyền và các nhà tài trợ trong các lĩnh vực hoạt động của Hội để triển khai các hoạt động chuyên môn như: nghiên cứu khoa học, đào tạo, tập huấn…
Hôm nay 21-1, Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai tổ chức Đại hội lần thứ V, nhiệm kỳ 2021-2026. Trong 5 năm 2015-2020, Hội Điều dưỡng tỉnh Đồng Nai đã được nhận bằng khen của Bộ trưởng Y tế, của Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, Chủ tịch Trung ương Hội Điều dưỡng Việt Nam… Có 3 hội viên được phong tặng danh hiệu Thầy thuốc ưu tú, 1 Thầy thuốc trẻ tiêu biểu Việt Nam, 1 hội viên được tôn vinh Điều dưỡng tiêu biểu toàn quốc và nhiều cá nhân được tặng bằng khen, giấy khen của lãnh đạo các cấp. |
Hạnh Dung