(ĐN) - Ngày 21-1, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam Việt Nam. Đến dự có Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam,...
(ĐN) - Ngày 21-1, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm thảm họa da cam Việt Nam. Đến dự có Thiếu tướng Trần Ngọc Thổ, Phó chủ tịch Trung ương Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, cùng đại diện các sở, ngành và MTTQ tỉnh.
Tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” từ năm 2016-2021 được nhận bằng khen của UBND tỉnh |
Trong diễn văn kỷ niệm, bà Đào Nguyên, Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh nhấn mạnh, ngày 10-8-1961, chiếc máy bay trực thăng H.34 của Không lực Hoa Kỳ thực hiện chuyến bay rải chất diệt cỏ đầu tiên mở đầu cho chiến dịch rải chất khai hoang, được đặt dưới mật danh “Ranch Hand”. Từ năm 1961 đến năm 1971, quân đội Mỹ đã tiến hành phun rải khoảng 80 triệu lít chất độc hóa học, 61% trong đó là chất da cam xuống 1/4 diện tích miền Nam Việt Nam.
Chất độc da cam/dioxin có khả năng gây tổn thương đa dạng và phức tạp trên cơ thể, gây đột biến gen và nhiễm sắc thể, từ đó gây nên các dị tật bẩm sinh, các tai biến sinh sản. Chất độc này đã làm cho 4,8 triệu người Việt Nam bị phơi nhiễm, hơn 3 triệu người là nạn nhân chất độc da cam và di chứng da cam đã truyền sang thế hệ thứ tư.
Để thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề chất độc da cam, trong năm 1980 và 1999, Ủy ban Quốc gia điều tra hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam và Ban chỉ đạo Quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học do Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam lần lượt được thành lập. Đặc biệt, ngày 10-1-2004, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam chính thức ra mắt để thực hiện chế độ, chính sách đối với nạn nhân chất độc da cam.
Cũng theo bà Đào Nguyên, Đồng Nai là một trong 10 tỉnh bị phun rải hóa chất nặng nề nhất khi gần 10/80 triệu lít chất độc hóa học đã được quân đội Mỹ phun rải trên địa bàn tỉnh. Riêng Sân Bay Biên Hòa là kho lưu trữ, nạp các chất diệt cỏ (có chất dioxin) lên máy bay đi phun rải, tẩy rửa máy bay sau phun rải hiện vẫn còn tồn lưu nồng độ dioxin cao.
Qua khảo sát, tỉnh có 13,2 ngàn người bị phơi nhiễm dioxin, trong đó có gần 9,2 ngàn nạn nhân chất độc da cam là cán bộ kháng chiến và con cán bộ kháng, dân thường. Riêng Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh được thành lập từ năm 2006 đến nay đã có 1 hội cấp tỉnh, 11 hội cấp huyện, 157 hội cấp xã. Các cấp hội đã vận động được trên 80 tỷ đồng để hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân chất độc da cam bằng xây dựng nhà, hỗ trợ vật nuôi, cây trồng…
Tại lễ kỷ niệm, 10 tập thể, 32 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Vì nạn nhân chất độc da cam” từ năm 2016-2021 đã được UBND tỉnh trao tặng bằng khen. Ngoài ra, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh khen thưởng cho 77 cá nhân và tập thể.
Sông Thao