Báo Đồng Nai điện tử
En

Hạnh phúc khi làm chủ cuộc sống

08:03, 07/03/2021

Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, những năm qua để thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội, Đảng và Nhà nước đã không ngừng quan tâm, tạo điều kiện; tổ chức Hội LHPN các cấp khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ có thêm cơ hội làm chủ cuộc sống của mình...

Bên cạnh các biện pháp tuyên truyền, những năm qua để thúc đẩy bình đẳng giới trong xã hội, Đảng và Nhà nước đã không ngừng quan tâm, tạo điều kiện; tổ chức Hội LHPN các cấp khuyến khích, hỗ trợ phụ nữ có thêm cơ hội bước ra khỏi "gian bếp", làm chủ cuộc sống của mình.

ThS Phùng Thị Thu Thủy, giảng viên Khoa Dược Trường đại học Lạc Hồng hướng dẫn sinh viên thực hành thí nghiệm. Ảnh: Nga Sơn
ThS Phùng Thị Thu Thủy, giảng viên Khoa Dược Trường đại học Lạc Hồng hướng dẫn sinh viên thực hành thí nghiệm. Ảnh: Nga Sơn

Làm chủ cuộc sống, phụ nữ đã có cơ hội theo đuổi ước mơ; tự chủ về tài chính, thúc đẩy bình đẳng giới trong gia đình… Từ đó, có điều kiện để yêu thương, chăm sóc bản thân; cảm thấy hạnh phúc hơn, yêu đời hơn.

* Theo đuổi ước mơ

Từ khi còn nhỏ, ThS Phùng Thị Thu Thủy, giảng viên Khoa Dược Trường đại học Lạc Hồng đã thích làm bác sĩ để chữa bệnh cho mọi người. Thấy chị còn nhỏ mà đã đề ra cho mình mục tiêu đúng đắn nên cha mẹ ủng hộ hết lòng. Trong suốt những năm học phổ thông, chị luôn phấn đấu trong học tập để sau này có thể khoác lên mình chiếc áo blouse.

Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Thủy thi đỗ vào ngành Dược Trường đại học Y dược TP.HCM. Chị Thủy cho biết, lúc còn ngồi trên ghế giảng đường đại học, chị luôn nghĩ sau này tốt nghiệp ra trường sẽ làm việc tại bệnh viện hoặc công ty về dược. Nhưng trong quá trình làm đề tài tốt nghiệp, thầy hướng dẫn định hướng nên làm công tác giảng dạy. Vì vậy sau khi tốt nghiệp, chị nộp hồ sơ ứng tuyển và được nhận vào làm giảng viên bộ môn Hóa dược, thuộc Khoa Dược Trường đại học Lạc Hồng. Mặc dù chưa từng nghĩ làm giảng viên nhưng từ khi công tác tại trường, được tiếp xúc với sinh viên, tình yêu nghề lớn dần trong chị.

Chị Thủy chia sẻ, lúc đầu mới đứng lớp, chị luôn tâm niệm phải làm sao truyền đạt hết kiến thức mà mình có cho sinh viên trong một khoảng thời gian có hạn. Điều này trở thành áp lực cho chính chị và gây mệt mỏi cho sinh viên. Từ đó, chị quyết tâm thay đổi phương pháp dạy bằng việc phát huy tính chủ động của sinh viên trong mỗi tiết học. Bên cạnh đó, chị còn dày công quay những video bài học đăng lên website nội bộ của trường để sinh viên xem trước, buổi học trên lớp tập trung thảo luận sâu, góp phần nâng cao chất lượng dạy và học.

TS-NGƯT Nguyễn Thị Thu Lan, Chủ tịch Hội Nữ trí thức tỉnh cho biết, bên cạnh sự nỗ lực của cá nhân phụ nữ, với vai trò của mình, Hội Nữ trí thức đã có nhiều hoạt động nhằm động viên, khuyến khích phụ nữ học tập, nghiên cứu khoa học như: tạo điều kiện để hội viên phụ nữ tham gia các hội thảo khoa học, khuyến khích nữ trí thức ở các đơn vị tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, hằng năm tôn vinh phụ nữ tài năng…

Nghiên cứu khoa học là công việc khó khăn, đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, trí tuệ nhưng niềm đam mê nghiên cứu mà TS Huỳnh Bùi Linh Chi, Trưởng bộ môn Hóa, Khoa Sư phạm khoa học tự nhiên Trường đại học Đồng Nai đã vượt qua để cống hiến cho khoa học những đề tài nghiên cứu, những bài báo khoa học chất lượng được công bố trên các tạp chí uy tín trong nước và quốc tế. Chia sẻ về niềm đam mê nghiên cứu khoa học, TS Huỳnh Bùi Linh Chi cho biết, phần lớn thời gian của chị là ở phòng thí nghiệm để nghiên cứu và tìm ra các hoạt chất mới. Trong đó, chị đặc biệt có hứng thú nghiên cứu về các loài địa y và các loài thực vật. Qua những đề tài nghiên cứu về thực vật, địa y, chị và đồng nghiệp đã tìm ra được những hoạt chất mới được áp dụng để ứng dụng chăm sóc sức khỏe con người.

* Thúc đẩy bình đẳng trong gia đình

Với mong muốn chia sẻ gánh nặng kinh tế gia đình cùng chồng và đặc biệt là có tiếng nói trong gia đình, bà Nguyễn Thị Liễu, chủ Doanh nghiệp tư nhân Giày Hợp Phát (ở KP.11, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) chưa từng có suy nghĩ nghỉ việc ở nhà làm nội trợ, chăm sóc con, phụ thuộc vào thu nhập của chồng.

Bà Nguyễn Thị Liễu, chủ Doanh nghiệp tư nhân Giày Hợp Phát (tại KP.11, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) kiểm tra hàng gia công sau khi công nhân may. Ảnh: Nga Sơn
Bà Nguyễn Thị Liễu, chủ Doanh nghiệp tư nhân Giày Hợp Phát (tại KP.11, P.Tân Phong, TP.Biên Hòa) kiểm tra hàng gia công sau khi công nhân may. Ảnh: Nga Sơn

Bà Liễu kể, vợ chồng bà đều là người miền Trung vào Đồng Nai đi làm công nhân. Năm 1995, bà sinh con đầu lòng. Vì không có người trông con, 2 vợ chồng bàn bạc và quyết định bà nghỉ việc ở công ty, tìm một công việc khác phù hợp hơn để có điều kiện chăm sóc con nhỏ. Lúc ấy, con trai lớn mới 6 tháng tuổi, bà đem con đi gửi và lên TP.HCM tìm nguồn hàng gia công nhận về làm. Ban đầu bà chỉ có ý định nhận về làm kiếm thêm thu nhập cho gia đình, nhưng sau đó bà lấy hàng về để nhiều người cùng làm.

Năm 2013, bà thành lập Doanh nghiệp tư nhân Giày Hợp Phát nhằm mở rộng quy mô gia công. Từ chỗ chỉ có từ 15-20 công nhân những ngày đầu thành lập, đến nay doanh nghiệp của bà đã có 2 cơ sở với 100 công nhân làm việc tại chỗ và khoảng 400-500 lao động nhận hàng gia công tại nhà. Quy mô doanh nghiệp càng lớn, áp lực, vất vả mà bà phải chịu lại càng cao. Thế nhưng điều đáng quý là chưa bao giờ bà có ý định bỏ cuộc. “Với tôi, phụ nữ tự chủ về tài chính không chỉ giúp cuộc sống gia đình thoải mái hơn mà còn là cơ hội để phụ nữ được ra ngoài xã hội giao lưu với mọi người, được người bạn đời coi trọng hơn” - bà Liễu cho hay.

Bà Lê Thị Thái, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho rằng, kinh tế gia đình ổn định sẽ giúp phụ nữ hạnh phúc hơn, hạn chế được tình trạng bạo lực gia đình. Vì vậy, tổ chức Hội các cấp luôn có những hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, khởi nghiệp, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn. Với sự hỗ trợ giúp đỡ của Hội thông qua các nguồn vốn, giúp cây - con giống, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi…, nhiều hội viên phụ nữ nghèo đã có cuộc sống khá hơn, từng bước làm chủ được cuộc sống của mình.

Chị Sou A Ta, hội viên phụ nữ xã Xuân Hưng (H.Xuân Lộc) là một trong những cá nhân như thế. Trước đây, gia đình chị Sou A Ta là hộ nghèo của xã. Từ năm 2008, được Hội LHPN xã hỗ trợ vay 4 triệu đồng để phát triển kinh tế. Với số vốn vay của Hội cộng với tiền tiết kiệm của gia đình, chị đã bàn với chồng chuyển từ cây tràm, cây lúa sang trồng cây thanh long ruột đỏ. Nhờ học hỏi kinh nghiệm từ các nhà vườn và mạnh dạn áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, vườn thanh long của gia đình chị phát triển tốt và đem lại giá trị kinh tế cao. Từ đó, chồng chị đã bàn với chị mở rộng diện tích trồng cây thanh long từ 1,3ha lên 5ha, cho thu nhập bình quân mỗi năm hàng tỷ đồng, giải quyết việc làm cho khoảng 10 lao động nữ tại địa phương (thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/tháng).

Tại chương trình trực tuyến kỷ niệm Ngày quốc tế Phụ nữ 8-3 diễn ra vào sáng 6-3, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị khởi động chiến dịch Vì nụ cười phụ nữ nhằm tôn vinh những nỗ lực của phụ nữ Việt Nam trong khó khăn, thử thách, đặc biệt trong thời điểm đại dịch Covid-19 để đóng góp vào sự phát triển bền vững và phồn vinh của đất nước. Đồng thời, động viên, hỗ trợ phụ nữ tự tin vượt qua khó khăn, hướng tới cuộc sống hạnh phúc. Theo đó, năm 2021, Hội LHPN Việt Nam sẽ phối hợp với các đơn vị tổ chức các hoạt động văn hóa, giải trí, nghệ thuật và sức khỏe theo từng tháng, từng quý để khuyến khích phụ nữ tham gia.

Nga Sơn

Tin xem nhiều