Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo dục gia đình thời Covid-19

09:03, 11/03/2020

Gần 2 tháng qua, sinh hoạt của nhiều gia đình đã bị xáo trộn do học sinh phải nghỉ học để phòng dịch Covid-19. Khi 16/16 ca bệnh đầu tiên ở nước ta đều được chữa khỏi, rất nhiều bậc phụ huynh đã mong ngóng, hy vọng đến ngày con được đi học trở lại.

1. Gần 2 tháng qua, sinh hoạt của nhiều gia đình đã bị xáo trộn do học sinh phải nghỉ học để phòng dịch Covid-19. Khi 16/16 ca bệnh đầu tiên ở nước ta đều được chữa khỏi, rất nhiều bậc phụ huynh đã mong ngóng, hy vọng đến ngày con được đi học trở lại.

Do điều kiện kinh tế còn khó khăn, Tết này, gia đình anh Đỗ Ngọc Dương và chị Lê Thị Thúy tạm gác mong muốn sum vầy bên gia đình, đón Tết nơi xóm trọ
Ảnh minh họa

Nhưng chỉ trong cuối tuần qua, tình hình dịch bệnh lại có diễn biến phức tạp hơn. Từ khi bệnh nhân số 17 được phát hiện, con số đã nhanh chóng nhảy vọt lên 34 chỉ trong vài ngày. Vì thế, UBND tỉnh đã quyết định cho học sinh THCS, tiểu học, mầm non tiếp tục nghỉ học đến hết tháng 3 để phòng dịch. 

Thời gian nghỉ đã quá dài, ngành GD-ĐT nói chung và các trường học nói riêng đều đã chủ động trong việc kết nối, ôn tập cho học sinh. Nhưng như thế là chưa đủ. Trẻ cần được tiếp thu nhiều hơn việc chỉ ôn đi ôn lại, làm đi làm lại những bài tập cũ. Phần trách nhiệm “dạy thêm” này không chỉ dành cho nhà trường mà còn phụ thuộc rất lớn vào các bậc cha mẹ. Nói cách khác, quãng thời gian học sinh nghỉ học ở nhà là cơ hội cho giáo dục gia đình thể hiện vai trò của mình một cách rõ nét hơn.

2. Để giáo dục con trong bối cảnh trẻ có rất nhiều phương tiện giải trí như hiện nay là điều không dễ. Bởi lẽ những thú vui tìm thấy từ điện thoại, iPad, ti vi… thường hấp dẫn hơn những lời răn dạy của cha mẹ. Mặt khác “bụt chùa nhà không thiêng”, trẻ thường chịu nghe lời thầy cô giáo hơn là người thân trong nhà. Vì thế, việc giáo dục trẻ đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại của phụ huynh.

Trong khi cha mẹ không có kỹ năng sư phạm như thầy cô giáo thì làm thế nào để việc tự học ở nhà của con có hiệu quả hơn. Cô Phan Hồ Điệp, giảng viên Khoa Giáo dục đặc biệt Trường đại học Sư phạm Hà Nội đã đưa ra một số lời khuyên dành cho phụ huynh. Đó là kiên nhẫn và tin rằng, con có khả năng; khuyến khích nỗ lực thành công (hãy cho con thấy rằng, thành công chính là việc con đã học được một cái gì đó mới chứ không phải là học với kết quả cao); kết nối chơi với học tập (trẻ càng chơi càng xuất sắc nhưng với điều kiện, bố mẹ tạo cho con một môi trường “có tính tìm hiểu” và kết nối với việc học); tạo môi trường dễ dàng cho việc tự làm, tự khám phá; hãy thu hút con vào những cuộc trò chuyện theo chủ đề; luôn khuyến khích, gợi mở sự tìm hiểu, khám phá của con bằng cách gợi ý nho nhỏ nhưng không có nghĩa là làm hộ hoặc áp đặt câu trả lời của mình với con...

Thực tế, giáo dục gia đình là một quá trình lâu dài, diễn ra thường xuyên, liên tục và tác động đến sự hình thành, phát triển nhân cách, trí tuệ của trẻ ngay từ những năm tháng đầu đời. Nhưng trong hoàn cảnh cụ thể của “kỳ nghỉ” đặc biệt này, việc giáo dục gia đình gắn liền với giáo dục kiến thức ở nhà trường nhiều hơn. Những gợi ý của cô Phan Hồ Điệp rất phù hợp cho các bậc phụ huynh áp dụng với các con, đặc biệt là những trẻ giai đoạn mẫu giáo, tiểu học.

Tường Vi

Tin xem nhiều