Đây là lo lắng của nhiều bệnh nhân bị các bệnh liên quan đến cột sống, như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, hẹp ống sống, chấn thương cột sống...
Đây là lo lắng của nhiều bệnh nhân bị các bệnh liên quan đến cột sống, như: thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, hẹp ống sống, chấn thương cột sống...
Các bác sĩ Khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Thống Nhất phẫu thuật cột sống bằng kỹ thuật 3 trong 1 cho bệnh nhân bị gẫy cột sống lưng. Ảnh: Đ.Ngọc |
Về vấn đề này, theo bác sĩ Hoàng Văn Thuận, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, cho rằng chuyện mổ liệt hay không liệt là thắc mắc rất chính đáng. Đây không chỉ là mối quan tâm của bệnh nhân mà còn của chính các thầy thuốc.
Quan trọng chỉ định mổ phải đúng
Bác sĩ Thuận chia sẻ, đúng là khoảng hơn 20 năm trước khi mới triển khai mổ cột sống ở Việt Nam biến chứng liệt sau phẫu thuật cột sống là có, do điều kiện phương tiện, cơ sở vật chất khó khăn, trình độ bác sĩ còn hạn chế. Nhưng hiện nay, điều kiện, trang thiết bị đầy đủ, hiện đại; trình độ, kiến thức của bác sĩ được cập nhật liên tục, các biến chứng sau mổ giảm đi rất nhiều. Cụ thể, tại Khoa ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã triển khai phẫu thuật cột sống hơn 6 năm chưa có ca nào bị liệt sau phẫu thuật cột sống.
Điều quan trọng nhất trong phẫu thuật cột sống là chỉ định mổ cho đúng. Nếu mổ sớm quá sẽ không tốt vì thường sẽ dễ bị tái lại ở vài năm sau do không lấy hết được phần bị thoái hóa; còn mổ trễ quá khả năng phục hồi càng chậm, có trường hợp không phục hồi được. Trong bệnh lý cột sống không phải cái nào cũng có chỉ định mổ. Cụ thể như, đối với thoát vị đĩa đệm phân loại độ 1, 2, 3 chỉ cần điều trị kháng viêm, giảm đau, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng; thông thường độ 4 mới có chỉ định mổ, nhưng có trường hợp độ 3 vẫn phải mổ nếu phù hợp giữa lâm sàng và cận lâm sàng, tức là vị trí đau trên người bệnh đau trùng với rễ thần kinh bị chèn ép thể hiện trên MRI, trường hợp này mổ rất hiệu quả. Nếu trường hợp độ 4, nhân đệm vỡ ra, giãn ra rồi bắt buộc phải mổ vì không còn cách nào khác. Đơn cử như trường hợp bệnh nhân Nguyễn Ngọc Ái, ngụ tại xã Bàu Hàm 2 (huyện Thống Nhất) bị đau vai, tê tay cách đây 2 năm nhưng chỉ đi châm cứu, điều trị Đông y. Đến khi tay bị yếu và co rút thì mới đến bệnh viện khám thì bác sĩ phát hiện bị thoát vị đĩa đệm cổ C3-C4, phải chỉ định phẫu thuật lấy khối thoát vị chèn ép dây thần kinh cổ giúp tay bệnh nhân hoạt động trở lại bình thường. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng may mắn như ông Ái. Tại Bệnh viện đa khoa Thống Nhất đã gặp rất nhiều bệnh nhân bị đau cột sống nặng đến mức bí tiểu, yếu 2 chân mới đến đây điều trị. Những trường hợp nặng, mổ càng trễ khả năng phục hồi càng chậm, có trường hợp không phục hồi được.
Triển khai kỹ thuật cao trong mổ cột sống
Tại Đồng Nai, Bệnh viện đa khoa Thống Nhất là một trong những bệnh viện hàng đầu trong điều trị, phẫu thuật các bệnh liên quan đến cột sống. Trong thời gian qua, bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật cao trong điều trị các bệnh về cột sống, như: bơm xi - măng điều trị gãy, xẹp thân sống loãng xương; thay thân sống ngực trong lao cột sống; mổ phẫu thuật thân sống cổ cao; phẫu thuật u tủy sống... Mới đây, bệnh viện đã triển khai kỹ thuật mới trong phẫu thuật cột sống là giải ép xâm lấn tối thiểu, đặt đĩa đệm qua lỗ liên hợp, nẹt vít chân cung qua da. Đây là một phẫu thuật ứng dụng 3 kỹ thuật xâm lấn tối thiểu hay còn gọi là “3 trong 1”.
Kỹ thuật mới này mang lại nhiều ưu thế trong phẫu thuật cột sống vì: không gây tổn thương các mô lành, không gây mất máu, không làm đau bệnh nhân, không gây nhiễm trùng vì không gây giập nát cơ; để lại sẹo nhỏ, không để lại sẹo co rút; thời gian nằm viện ngắn hơn nhiều. Chỉ định chung của kỹ thuật “3 trong 1” cho các trường hợp hẹp ống sống mất vững do thoái hóa, thoát vị, xơ dày dây chằng vàng; trượt cột sống do chấn thương, gãy eo, mất vững lâu ngày thành trượt. Với riêng kỹ thuật giải ép xâm lấn tối thiểu phẫu thuật cho bệnh hẹp ống sống không mất vững do tuổi cao, thoái hóa, xơ hóa dây chằng, phì đại mặt khớp. Với riêng kỹ thuật nẹp vít chân cung qua da phẫu thuật cho bệnh đau cột sống nguyên nhân do đĩa đệm hay còn gọi là tiền mất vững, gãy cột sống mà không tổn thương dây chằng và tổn thương thần kinh.
Bệnh nhân Sàn Cỏn Sáng, ở xã Phú Lập (huyện Tân Phú) bị chấn thương cột sống do tai nạn lao động té từ trên cây xuống đất khiến anh bị gãy cột sống lưng L1, không thể ngồi được. Nhờ được phẫu thuật nẹp vít chân cung qua da nên chỉ vài ngày sau mổ, anh Sáng đã có thể ngồi và đi lại nhẹ nhàng. Anh Sáng cho biết sau khi mổ xong, anh cảm thấy thật vui sướng khi thấy mình có thể ngồi dậy và đi lại bình thường. Vết thương cũng không đau nhiều. Anh cảm thấy mình thật may mắn.
Phòng ngừa bệnh cột sống Để phòng ngừa các bệnh cột sống, bác sĩ Hoàng Văn Thuận, Trưởng khoa Ngoại thần kinh Bệnh viện đa khoa Thống Nhất, khuyến cáo khi bệnh nhân có dấu hiệu đau nên đi khám, đừng để đến khi tê mới đi khám là đã chuyển sang giai đoạn khác, nếu tê đến mức không còn biết đau là bệnh đã nặng và nặng hơn nữa là bị liệt. Do đó, người dân nên khám để tầm soát bệnh để điều trị sớm. Riêng những trường hợp bị nhẹ, chưa đến mức mổ, để điều trị tốt bệnh lý cột sống cần phải có tập luyện, tốt nhất nên đi bơi, đạp xe đạp thể thao, hạn chế đi bộ vì khi đi nhiều sẽ dồn lực xuống cột sống, tăng chèn ép rễ thần kinh gây thiếu máu, thoái hóa nặng hơn. Nếu bệnh nặng, hạn chế lao động nặng, tránh khiêng, mang vác đồ nặng, tất cả các động tác phải đúng tư thế, cột sống luôn được giữ thẳng; hạn chế dùng chất kích thích, không căng thẳng vì đó là yếu tố thuận lợi làm cho cơn đau tăng lên, làm bệnh tiến triển thêm. |
Đặng Ngọc