Báo Đồng Nai điện tử
En

Trường nghề thời hội nhập (bài 1)

11:08, 28/08/2016

Để đào tạo được những lao động có tay nghề, trình độ cao, có khả năng ngoại ngữ tốt..., vai trò của các trường cao đẳng, trung cấp, các cơ sở đào tạo nghề là vô cùng quan trọng.

Trong bối cảnh hội nhập khu vực và quốc tế ngày càng sâu rộng, vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao có khả năng thích ứng và thích ứng cao với thị trường lao động nước ngoài được nhiều quốc gia trên thế giới quan tâm. Việt Nam nói chung và Đồng Nai nói riêng không nằm ngoài mối quan tâm đó.

Cơ hội và thách thức

Để đào tạo được những lao động có tay nghề, trình độ cao, có khả năng ngoại ngữ tốt..., vai trò của các trường cao đẳng, trung cấp, các cơ sở đào tạo nghề là vô cùng quan trọng.

Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (thứ 3 từ trái qua) thăm xưởng đào tạo nghề của Trường cao đẳng nghề Lilama 2. Ảnh: H.Dung
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư (thứ 3 từ trái qua) thăm xưởng đào tạo nghề của Trường cao đẳng nghề Lilama 2. Ảnh: H.Dung

[links()]Toàn tỉnh hiện có 64 cơ sở hoạt động dạy nghề. Hàng năm đào tạo từ 40-45 ngàn người theo ba cấp trình độ từ sơ cấp, trung cấp đến cao đẳng nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, trong đó có 6 cơ sở thuộc Trung ương, còn lại do địa phương quản lý. Tất cả các trường cao đẳng nghề trên địa bàn tỉnh đều được Bộ Lao động - thương binh và xã hội kiểm định chất lượng và công nhận đạt cấp độ 3 (cấp cao nhất).

* Cơ hội

Những năm gần đây, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành đã đặt vấn đề và đặt hàng với nhiều trường nghề trong tỉnh từ việc bồi dưỡng kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên trường nghề đến nguồn lao động chất lượng cao. Cụ thể, như  năm 2013, Sở Lao động - thương binh và xã hội ký kết hợp tác với Trường cao đẳng nghề Lilama 2 tổ chức đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ giáo viên dạy nghề cấp quốc tế cho 40 giáo viên trong tỉnh với 2 nghề điện công nghiệp và cắt gọt kim loại tại Trường cao đẳng nghề Lilama 2 và tại Đức với kinh phí hơn 11 tỷ đồng. 3 năm tiếp theo có 192 giáo viên dạy nghề được đào tạo chương trình sư phạm quốc tế City & Guilds.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cho biết tỉnh đã có chương trình hợp tác trong đào tạo nghề chất lượng cao với nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh. Tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành và các trường rà soát lại hiệu quả của các chương trình đào tạo, nếu chương trình nào, trường nào thực hiện tốt, tỉnh sẽ tiếp tục đặt hàng đào tạo. Thời gian tới, các trường nghề cần chủ động đổi mới chương trình đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, giáo viên có năng lực, đáp ứng yêu cầu đào tạo nghề theo chuẩn quốc gia, quốc tế, khu vực; thu hút số lượng học sinh theo học nghề đạt chỉ tiêu đề ra.

Sở cũng đặt hàng với trường đã, đang đào tạo trình độ cao đẳng nâng cao quốc tế các nghề chế tạo thiết bị cơ khí, điện tử công nghiệp, công nghệ hàn, kỹ thuật cơ khí ứng dụng CNC, điện công nghiệp, kỹ thuật lắp đặt điện và tự động hóa công nghiệp. Đây là cơ hội tốt để Trường cao đẳng nghề Lilama 2 phát huy được khả năng, năng lực đào tạo theo trình độ quốc tế của “đàn anh” trong lĩnh vực dạy nghề ở Đồng Nai.

Trường cao đẳng nghề Lilama 2 cùng với cao đẳng nghề số 8 và cao đẳng nghề cơ giới và thủy lợi đã được Trung ương quyết định đầu tư đến năm 2020 phát triển thành trường nghề chất lượng cao, đủ năng lực đào tạo một số nghề được các nước tiên tiến trong khu vực ASEAN và quốc tế công nhận. Riêng Trường cao đẳng nghề Lilama 2 đã đào tạo được 6 ngành nghề theo tiêu chuẩn quốc tế, gồm: điện tử công nghiệp, hàn, chế tạo thiết bị cơ khí, kỹ thuật cơ khí ứng dụng CNC, điện công nghiệp và kỹ thuật lắp đặt điện và tự động hóa trong công nghiệp. Học viên sau khi được đào tạo sẽ được tổ chức City & Guilds (Vương quốc Anh) kiểm định, công nhận, cấp bằng.

Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Phạm Văn Cộng cho hay: “Trong những năm gần đây, tỉnh đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng vào xây mới, nâng cấp các cơ sở dạy nghề như Trung tâm dạy nghề huyện Cẩm Mỹ, Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai, Trường trung cấp nghề 26-3. Riêng 6 tháng đầu năm 2016, các doanh nghiệp đã đặt hàng với tỉnh gần 35 ngàn lao động có trình độ từ công nhân kỹ thuật trở lên”.

* Thách thức

Giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội Huỳnh Văn Tịnh cho biết: “Trong xu thế hội nhập, đa số các trường cao đẳng, trung cấp nghề đều ý thức được tầm quan trọng của chương trình đào tạo. Do đó, các trường đã chủ động biên soạn, xây dựng chương trình đào tạo theo chương trình khung của Tổng cục Dạy nghề, thường xuyên bổ sung, cập nhật các nội dung mới cho phù hợp với công nghệ mới của doanh nghiệp và quy trình sản xuất. Nhiều trường như: cao đẳng nghề Lilama 2, cao đẳng nghề Đồng Nai, cao đẳng nghề chất lượng cao Đồng Nai có sự phối hợp chặt chẽ với các doanh nghiệp trong khâu biên soạn chương trình nhằm sát với thực tế, bớt công đào tạo lại của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc hợp tác này vẫn còn hạn chế bởi nhiều doanh nghiệp do tập trung kinh doanh, sản xuất nên ít tham gia vào hoạt động dạy nghề”.

Các giáo viên dạy nghề của Trường cao đẳng nghề Lilama 2 học tập cùng các giáo viên dạy nghề của các nước trong, ngoài khu vực dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài.
Các giáo viên dạy nghề của Trường cao đẳng nghề Lilama 2 học tập cùng các giáo viên dạy nghề của các nước trong, ngoài khu vực dưới sự hướng dẫn của chuyên gia nước ngoài.

Trước yêu cầu và đòi hỏi ngày càng cao về đội ngũ lao động, nhiều trường nghề trong tỉnh đã mạnh dạn mời các chuyên gia nước ngoài cùng tham gia soạn thảo chương trình đào tạo, giảng dạy và tư vấn cho trường. Bên cạnh đó, có những trường hợp tác chặt chẽ với các doanh nghiệp để tạo được ngày càng nhiều cơ hội cho học viên, sinh viên thực tập.

Đại tá Trần Anh Thu, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề số 8, cho hay: “Hiện tại, trường đang hợp tác quốc tế với đại học Tây Sydney (Úc) để đào tạo 3 nghề là: quản trị kinh doanh, kế toán doanh nghiệp, công nghệ thông tin; hợp tác với Học viện Chisholm (Úc) để đào tạo nghề điện tử công nghiệp; hợp tác với City & Guilds của Anh để đào tạo và cấp chứng chỉ cho 7 nghề khác. Ở trong nước, trường hợp tác với Tổng cụ Dạy nghề đào tạo sư phạm dạy nghề và kỹ năng nghề công nghệ ô tô, điện công nghiệp, điện tử công nghiệp cho giáo viên các trường cao đẳng, trung cấp nghề và trung tâm dạy nghề khu vực phía Nam”.

Bên cạnh những trường nghề đi trước đón đầu để tuyển sinh, đào tạo và tìm kiếm đầu ra cho học viên, sinh viên, trên địa bàn tỉnh còn có những trường nghề chưa sử dụng hiệu quả trang thiết bị hiện đại được đầu tư. Nhiều trường gặp khó khăn trong công tác tuyển sinh, dù đến tận từng xã, ấp để tuyên truyền, vận động người dân đi học nghề nhưng hàng năm tuyển không đủ chỉ tiêu.

Lãnh đạo Sở Lao động - thương binh và xã hội cho biết đến năm 2020, dân số Đồng Nai khoảng 3,2 triệu người, trong đó số người trong độ tuổi lao động khoảng 2,1 triệu người. Số lao động có khả năng cung cấp cho các doanh nghiệp trong giai đoạn 2016-2020 khoảng 40 ngàn người/năm. Dự báo về nhu cầu lao động đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn 2016-2020 cần khoảng 40 ngàn người/năm. Doanh nghiệp có vốn đầu tư trong nước cần khoảng 18 ngàn người/năm. Ở cả hai khối doanh nghiệp cần tuyển khoảng 8-10% lao động có trình độ đại học trở lên;
10-12% lao động có trình độ trung cấp, cao đẳng; 50-60% lao động đã qua đào tạo nghề, còn lại là chưa qua đào tạo.

PGS.TS Cao Văn Sâm, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, nói:  “Trong bối cảnh đổi mới dạy nghề, việc phát triển chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn chức năng nghề vô cùng cần thiết. Đây cũng là thách thức lớn đối với các cơ sở dạy nghề. Đào tạo nguồn nhân lực phải lấy sự thay đổi của công nghệ sản xuất để phát triển. Không có doanh nghiệp nào sử dụng và chỉ quan tâm đến nguồn lao động trong phạm vi nhỏ mà luôn muốn mở rộng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính năng suất của người lao động dẫn đến năng suất của doanh nghiệp và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, của quốc gia. Trong thời gian tới, biến động về thị trường lao động rất lớn. Bởi vậy, nếu các địa phương, các trường nghề, doanh nghiệp và người học không chủ động tự đổi mới, nâng cao chất lượng của mình thì dễ bị tụt hậu so với các doanh nghiệp, các quốc gia khác.

Hạnh Dung

Bài 2: Tập trung gỡ khó

 



 


 

 

 

 

 

Tin xem nhiều