Đồng Nai đang phấn đấu sẽ sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển được tỉnh đặc biệt xem trọng.
Tập trung gỡ khó
Đồng Nai đang phấn đấu sẽ sớm trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại. Do đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển được tỉnh đặc biệt xem trọng.
Đồng chí Trần Văn Tư, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy, dẫn đầu đoàn công tác đến thăm mô hình dạy, học của Trường cao đẳng Lê Quý Đôn. Ảnh: H.DUNG |
[links()]Trong tháng 8 vừa qua, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hòa Hiệp cùng lãnh đạo các sở, ngành liên quan đã có các cuộc làm việc với một số trường cao đẳng nghề trong tỉnh để nắm rõ hơn về tình hình hoạt động của các trường, kịp thời có những chỉ đạo sát thực tế giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi để các trường phát triển hiệu quả hơn.
* Thay đổi nhận thức về học nghề
Một trong những khó khăn lớn nhất hiện nay của các trường nghề là tuyển sinh không đủ chỉ tiêu. Ông Nguyễn Phúc Thiện, Phó hiệu trưởng Trường cao đẳng Lê Quý Đôn, cho biết: “Năm 2015, trường được Bộ GD-ĐT phân bổ 2,2 ngàn chỉ tiêu. Năm 2016, số chỉ tiêu trường được phân bổ là 2 ngàn. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, toàn trường mới có 785 sinh viên hệ cao đẳng chính quy và 117 sinh viên trung cấp chuyên nghiệp. Nhà trường mong muốn Sở GD-ĐT, Sở Y tế tạo điều kiện cho nhà trường tiếp cận nguồn tuyển sinh tại các trường THPT, bệnh viện, trung tâm y tế trong tỉnh”.
Theo thống kê của Sở GD-ĐT, kết thúc năm học 2015-2016, tỷ lệ học sinh sau tốt nghiệp THCS được phân luồng học lớp 10 THPT chiếm 75%, học văn hóa chương trình giáo dục thường xuyên 14%, đi học nghề kết hợp với học văn hóa chỉ chiếm 7%, học trung cấp chuyên nghiệp chiếm 1,13%, số còn lại tham gia các lớp học nghề ngắn hạn và tham gia lao động sản xuất.
Sinh viên Trường cao đẳng y tế Đồng Nai trong giờ thực hành. |
Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai Lê Anh Đức thì lo ngại đến chất lượng đầu vào của học viên, sinh viên trường nghề, bởi đa phần học sinh không thi đậu vào các trường THPT, đại học hoặc học sinh có hoàn cảnh gia đình khó khăn mới lựa chọn học nghề. Mặc dù vậy, số lượng học sinh dự tuyển vào các trường nghề chưa cao, khiến các trường nghề không có nhiều lựa chọn.
Trong khi đó, với trách nhiệm đào tạo nghề cho học viên là người dân tộc thiểu số và bộ đội xuất ngũ, nhiều năm qua Trường cao đẳng nghề số 8 đã đến từng xã, ấp, vùng sâu, vùng xa để vận động người dân tộc, bộ đội xuất ngũ nhập học nhưng kết quả vẫn không như mong đợi.
Tương tự, dù có chính sách miễn học phí cho toàn thể học viên, sinh viên trong và ngoài tỉnh, nhưng những năm qua Trường cao đẳng nghề Lilama 2 vẫn chưa tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên như mong muốn. Do khâu tuyển sinh khó khăn nên nhiều trường nghề không cung cấp đủ lao động có tay nghề cho các doanh nghiệp, đặc biệt là lao động kỹ thuật tay nghề cao như cơ khí, hàn. Do đó, doanh nghiệp phải tự đào tạo hoặc tuyển dụng từ các địa phương khác.
Ông Peter Wunsch, đại diện Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (Giz), làm công tác hỗ trợ cho Trường cao đẳng nghề Lilama 2, cho rằng điều quan trọng nhất để thu hút được nhiều người tham gia học nghề chính là phải thay đổi được hình ảnh về dạy nghề. Tức là trong nhận thức của học sinh, làm sao để các em thấy được đi học nghề là niềm tự hào chứ không phải cùng đường mới đi học nghề. “Tôi mong rằng Tỉnh ủy, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành của Đồng Nai cần đẩy mạnh công tác truyền thông để học sinh, phụ huynh thấy rằng trên địa bàn tỉnh có rất nhiều trường nghề đào tạo theo tiêu chuẩn quốc tế, khu vực, có đầy đủ điều kiện để giúp các em có việc làm ngay sau khi ra trường chứ không nhất thiết cứ phải đi học đại học rồi thất nghiệp” - ông Peter Wunsch bộc bạch.
* Tập trung gỡ khó
Ông Phạm Văn Cộng, Phó giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội, cho biết nhằm thực hiện có hiệu quả chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật trình độ cao theo chuẩn quốc gia, khu vực và quốc tế do Sở Lao động - thương binh và xã hội chủ trì (một trong 4 chương trình của Chương trình đào tạo phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2016-2020), Sở đã đề ra mục tiêu cụ thể như sau: trong 5 năm tới, toàn tỉnh có 55,8 ngàn người được tuyển mới, đào tạo trình độ từ trung cấp nghề trở lên; đào tạo 1 ngàn công nhân kỹ thuật theo chuẩn khu vực và quốc tế với các nghề trọng điểm, như: công nghệ hàn, chế tạo thiết bị cơ khí, điện tử công nghiệp, điện công nghiệp, kỹ thuật lắp đặt điện và tự động hóa trong công nghiệp, kỹ thuật cơ khí ứng dụng CNC, cơ điện tử, kỹ thuật lắp đặt ống công nghệ. Phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ đào tạo nghề trình độ từ trung cấp nghề trở lên đạt 20% trong tổng số lao động được đào tạo nghề. Qua đó, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 85%, trong đó tỷ lệ qua đào tạo nghề đến cuối năm 2020 là 65%. |
Ngoài những khó khăn về vấn đề đất đai, nguồn nước sạch, nhiều trường nghề trên địa bàn tỉnh cho rằng mức phân bổ kinh phí/học viên còn thấp, chưa đủ để các trường đầu tư trang thiết bị, vật tư phục vụ đào tạo. Ông Lê Anh Đức, Hiệu trưởng Trường cao đẳng công nghệ cao Đồng Nai, cho biết: “Mức kinh phí từ 4,6-6 triệu đồng/năm/học viên quá thấp so với tình hình thực tế. Do đó, nhà trường không có thêm các khoản thu để đầu tư trang thiết bị giảng dạy”.
Trong khi đó, TS.Lê Văn Hiền, Chủ tịch hội đồng Trường cao đẳng nghề Lilama 2, cho rằng để trường trở thành trung tâm công nghệ cao quốc tế thì ngoài nguồn vốn của Trung ương, nhà trường kiến nghị tỉnh cho trường vay gói ưu đãi 150 tỷ đồng để mua sắm trang thiết bị, xây dựng trung tâm, xây dựng và kiểm định chương trình đào tạo ngành hàng không và viễn thông.
Về những kiến nghị này, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư đề nghị các sở, ngành liên quan rà soát, tính toán lại mức chi kinh phí cho các trường sao cho phù hợp. Ngoài ra, các bên liên quan cần rà soát lại hiệu quả của các chương trình hợp tác giữa tỉnh và các trường nghề để xem hiệu quả đến đâu, trong thời gian tới tỉnh cần những nghề gì để phân bố kinh phí hợp lý, tránh lãng phí.
Một vấn đề được Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư rất quan tâm, đó là chất lượng đầu ra của các sinh viên, học viên trường nghề. Đồng chí Trần Văn Tư chỉ đạo lãnh đạo các sở, ngành liên quan theo dõi hoạt động và đầu ra của sinh viên Trường cao đẳng Lê Quý Đôn, sau khoảng 2 năm tới xem báo cáo 40% sinh viên nhà trường có hộ khẩu thường trú Đồng Nai có đủ điều kiện dự tuyển tham gia tu nghiệp sinh Nhật Bản hoặc lao động xuất khẩu ngành điều dưỡng, hộ lý tại các nước phát triển, như: Mỹ, Canada, Đức… sau khi tốt nghiệp thực hiện như thế nào. Với 241 học viên người dân tộc của Trường cao đẳng nghề số 8 vừa tốt nghiệp hồi tháng 7-2016, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Trần Văn Tư đề nghị: “Trường cao đẳng nghề số 8 phối hợp với Ban Dân tộc, các sở, ngành liên quan rà soát và nắm chắc số lượng cụ thể học viên người dân tộc tốt nghiệp ra trường đang làm những việc gì, ở đâu, đời sống, thu nhập ra sao. Sau đó báo cáo với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để có những bước thực hiện tiếp theo, nhằm thực hiện tốt hơn nữa vấn đề đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh”.
Trước khó khăn về tuyển sinh, đồng chí Trần Văn Tư nhấn mạnh, điều quan trọng nhất là các trường nghề phải nỗ lực hơn nữa để nâng cao chất lượng đào tạo. Các trường nghề có tạo được uy tín, tiếng vang, chỗ đứng thì phụ huynh, học sinh mới yên tâm gửi gắm và theo học. Về những đề xuất của các trường về vấn đề nguồn vốn, đất đai, cơ sở vật chất, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy yêu cầu các trường cùng các sở, ban, ngành liên quan rà soát cẩn thận, lên kế hoạch, lộ trình thực hiện cẩn thận, cụ thể để từng bước tháo gỡ những khó khăn. Vấn đề nào có thể giải quyết thì UBND tỉnh, các sở, ngành tạo điều kiện thuận lợi giúp các trường tháo gỡ trên tinh thần tích cực nhất.
Ông Ralf Hill, chuyên gia về lĩnh vực cơ khí của Cộng hòa liên bang Đức, chia sẻ ở Đức có một trung tâm đào tạo nghề ngay trong các xí nghiệp cho học sinh. Đầu tiên, học sinh sẽ được học những kỹ năng cần thiết, chuẩn bị tâm lý, nội dung, ưu điểm của xí nghiệp. Sau đó, học sinh vừa học lý thuyết vừa làm việc tại xí nghiệp trong 3,5 năm. Điều này không chỉ có lợi cho các cơ sở kinh tế, công ty tham gia đào tạo mà còn có lợi cho nền kinh tế quốc dân. Trong quá trình học nghề, học sinh được nhận lương đảm bảo đủ chi phí đi lại, mua sách vở, trang trải một phần cuộc sống. Các xí nghiệp có trách nhiệm cao với học sinh mà họ đào tạo về việc làm. Sau khi hoàn thành khóa học, học sinh có thể làm việc ở tất cả các ngành liên quan đến nghề họ đã được đào tạo không chỉ ở Đức mà còn ở châu Âu và ngoài châu Âu. Đây là cơ hội tốt giúp người học nghề tiến thân và gặt hái được nhiều thành công. |
Hạnh Dung
Bài 3: Học nghề để hội nhập