Báo Đồng Nai điện tử
En

Giáo dục bình đẳng giới cho học sinh, sinh viên

11:12, 30/12/2013

Bằng việc chủ động tiếp cận, tìm hiểu các kiến thức về luật, trong đó có Luật Bình đẳng giới, nhận thức của học sinh, sinh viên về bình đẳng giới có những chuyển biến tích cực.

Bằng việc chủ động tiếp cận, tìm hiểu các kiến thức về luật, trong đó có Luật Bình đẳng giới, nhận thức của học sinh, sinh viên về bình đẳng giới có những chuyển biến tích cực.

Theo kết quả khảo sát mới đây của Sở Lao động - thương binh và xã hội trên 1.200 học sinh, sinh viên cho thấy, 86% ý kiến được khảo sát hiểu đầy đủ về bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực cho sự phát triển của cộng đồng,  gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả từ sự phát triển đó.

* Chủ động tiếp cận kiến thức

Qua kết quả khảo sát, điều đáng nói là nhận thức của học sinh, sinh viên được trang bị không phải từ nhà trường mà chủ yếu là do học sinh, sinh viên chủ động tiếp cận với các nội dung bình đẳng giới từ các phương tiện thông tin đại chúng. Cụ thể, có đến 49% ý kiến cho rằng tại các trường không triển khai các hoạt động tuyên truyền liên quan đến bình đẳng giới.

Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng thảo luận sôi nổi tại một buổi tuyên truyền pháp luật.  Ảnh: N.Tuyết
Sinh viên Trường đại học Lạc Hồng thảo luận sôi nổi tại một buổi tuyên truyền pháp luật. Ảnh: N.Tuyết

Võ Vĩnh An, lớp 11A5 Trường THPT Trấn Biên (TP. Biên Hòa), chia sẻ trong quá trình học môn Giáo dục công dân, thỉnh thoảng em cũng được nghe thầy cô nói đến vấn đề dân số, gia đình, giới tính, chăm sóc sức khỏe sinh sản trẻ vị thành niên… nhưng cụ thể về bình đẳng giới thì rất hiếm. “Thông qua  thông tin được đăng tải trên báo, truyền hình, truyền thanh, mạng xã hội… em hiểu hơn về bình đẳng giới. Đặc biệt trong gia đình em, mẹ luôn dạy rằng là con trai làm việc lớn, nhưng cũng nên làm thêm việc nhà, nên khi mẹ vắng nhà em hoàn toàn có thể chủ động được chuyện ăn uống cho bản thân” - Vĩnh An bộc bạch.

Nguyễn Thị Huỳnh Như, sinh viên năm 2, khoa mầm non (Trường đại học Đồng Nai), cũng cho rằng kiến thức bình đẳng giới mà mình có được đều do bản thân tự học. Theo Huỳnh Như thì chủ động tìm hiểu kiến thức bình đẳng giới là cần thiết, đặc biệt là giới nữ, bởi khi hiểu được những kiến thức này, phụ nữ sẽ tự tin hơn khi tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội.

* Cần có sự đồng bộ

Chị Đỗ Thanh Tâm, Phòng công tác học sinh - sinh viên (Sở GD-ĐT), phụ trách tuyên truyền kiến thức bình đẳng giới trong học sinh, sinh viên, cho hay từ trước đến nay ngành giáo dục chưa có một chương trình độc lập nào về bình đẳng giới cho học sinh, sinh viên. Có chăng chỉ là những nội dung nhỏ liên quan đến bình đẳng giới được lồng ghép trong các hoạt động ngoài giờ lên lớp, hoạt động ngoại khóa và truyền thông về giáo dục sức khỏe, vệ sinh cá nhân, công tác bảo hiểm y tế học sinh, sinh viên; giáo dục dân số, gia đình, giới tính, sức khỏe sinh sản vị thành niên, giáo dục kỹ năng sống… Bởi theo chị Thanh Tâm, kinh phí để tổ chức các hoạt động về bình đẳng giới cho học sinh, sinh viên hiện không có.

Trong bài phát biểu tại hội thảo việc thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ dưới góc độ giới và mục tiêu bình đẳng giới sau năm 2015, PGS.TS Đỗ Thị Bích Loan, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam (Bộ GD-ĐT), cho rằng một trong những giải pháp có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy bình đẳng giới là phải tăng cường công tác truyền thông. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở pháp lý thông qua việc nghiên cứu, ban hành chiến lược, chính sách và mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới. Tăng cường thực hiện phân tách giới trong công tác thống kê giáo dục; loại bỏ định kiến giới trong chương trình, sách giáo khoa...

Bên cạnh việc lồng ghép trong tiết học của một số môn học, như: Văn, Sinh, Giáo dục công dân… giáo viên có tích hợp vào trong quá trình giảng dạy, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT) thì chương trình học của học sinh, sinh viên hiện nay còn nặng về kiến thức, 45 phút cho một tiết học không đủ để tích hợp cùng lúc nhiều vấn đề, giáo viên chỉ nói hoặc nêu câu hỏi để học sinh trả lời, còn để nói sâu về bình đẳng giới là điều vô cùng khó khăn. Ngoài ra, Sở GD-ĐT cũng có triển khai đề án nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường. Tuy nhiên, nội dung chủ yếu là những hành vi đạo đức, ý thức tôn trọng pháp luật…

Để giúp học sinh nhận thức sâu sắc hơn về bình đẳng giới, đa số học sinh, sinh viên được khảo sát cho rằng, cần phải đưa nội dung bình đẳng giới vào trường học như một môn bắt buộc. Nhưng theo ông Nguyễn Quốc Tuấn thì đó không phải là yếu tố quyết định, mà quan trọng hơn cần phải có sự đồng bộ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Đặc biệt, trong gia đình cha mẹ phải làm gương cho con cái thông qua những hành vi cụ thể.

Nguyễn Tuyết

 

 

 

 

 

Tin xem nhiều