Sáng 9-8, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khởi công dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng”.
Sáng 9-8, tại TP.Đà Nẵng, Bộ Quốc phòng và Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) khởi công dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng”.
Cùng với sân bay quân sự Biên Hòa và Phù Cát, sân bay Đà Nẵng được xác định là 1 trong 3 “điểm nóng” bởi từng là nơi lưu chứa, pha chế và thực hiện các chuyến bay có vận chuyển dioxin. Lần đầu tiên, một dự án nhằm tẩy rửa chất dioxin gây ô nhiễm trong đất và trầm tích đã được khởi động, không chỉ nhằm xử lý triệt để môi trường ô nhiễm dioxin tại đây, ngăn ngừa phát tán chất ô nhiễm mà còn có thể tái sử dụng đất sạch đã qua xử lý phục vụ cho cộng đồng dân cư.
Chọn phương án khắc phục tối ưu
Thiếu tướng Lê Huy Vịnh, Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không không quân, Trưởng ban quản lý dự án “Xử lý môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng” cho biết, sau khi đánh giá, cân nhắc kỹ càng nhiều phương án tẩy độc sân bay Đà Nẵng, thì phương án sử dụng công nghệ hấp giải nhiệt trong mố (phương pháp xử lý bằng nhiệt) đã được các cơ quan chức năng, nhà khoa học đánh giá là khả thi, phù hợp và mang lại hiệu quả tối ưu nhất.
Hội thảo khoa học về khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin tại TP.Đà Nẵng ngày 9-8. Ảnh: T.THÚY |
Dự án sẽ khoanh vùng địa điểm tẩy rửa (khoảng gần 200 ngàn m2), đào lấy đất và trầm tích bị nhiễm dioxin (khoảng 73 ngàn mét khối đất). Số đất và trầm tích này sẽ được đưa vào một bể chứa sau đó sẽ được làm nóng đến nhiệt độ 335oC thông qua 1.254 giếng truyền nhiệt. Quá trình hấp giải nhiệt bao gồm việc làm nóng đất và trầm tích ở nhiệt độ cao, khiến cho cấu trúc hóa học của dioxin bị phân hủy thành Carbon dioxit, nước và Clorua. Đất và trầm tích sau khi được xử lý sạch, lấy mẫu xét nghiệm nhằm đảm bảo sau xử lý đạt chuẩn quy định về nồng độ dioxin, sau đó đưa trở lại làm vật liệu san lấp tại chỗ trong sân bay.
Dự án sẽ hoàn tất vào cuối năm 2016. Kinh phí thực hiện dự án là 41 triệu USD do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam cũng đã chi ra 35 tỷ đồng để tiến hành rà phá bom mìn, các loại vũ khí gây nổ còn tồn đọng tại sân bay sau chiến tranh nhằm đảm bảo an toàn cho dự án. Tính ra, tổng kinh phí nhằm khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng lên đến khoảng 900 tỷ đồng.
Đảm bảo an toàn cho cộng đồng
Theo bà Randa Chichakli, đại diện cho nhà thầu CDM Smith (Hoa Kỳ, đơn vị quản lý và giám sát xây dựng dự án), việc đảm bảo an toàn cho cộng đồng dân cư trong quá trình thực hiện dự án là rất quan trọng. Những hoạt động dễ phát tán chất ô nhiễm ra không khí và nước đều được quản lý chặt chẽ.
Bao giờ khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa? Tiến sĩ, Đại tá Thân Thành Công, Trưởng phòng Quản lý môi trường Cục Khoa học - công nghệ và môi trường (Bộ Quốc phòng) cho biết, căn cứ vào tài liệu do Bộ Quốc phòng Mỹ cung cấp về tình trạng lưu giữ chất da cam trong chiến tranh tại sân bay Biên Hoà cho thấy, mức độ ô nhiễm chất dioxin tại đây còn nặng nề hơn nhiều so với sân bay Đà Nẵng, bởi trước đây từng có sự cố vỡ và rò rỉ các thùng chứa chất da cam ở khu vực kho bãi phía Tây Nam sân bay. Bộ Quốc phòng đã thực hiện phương án chôn lấp, cô lập tại sân bay Biên Hòa nhằm tạm thời ngăn chặn sự lan tỏa chất dioxin, nhưng đây là biện pháp chưa triệt để, lượng dioxin tồn dư chưa được xử lý thật sự. Trong những cuộc làm việc giữa Bộ Quốc phòng và USAID mới đây, Giám đốc USAID là Francis A. Donovan hứa sẽ sớm tiến hành khảo sát, đánh giá tình hình ô nhiễm trong và ngoài khu vực sân bay Biên Hòa; xác định phạm vi, mức độ ô nhiễm, khối lượng vật liệu nhiễm dioxin (đất và trầm tích). Trên cơ sở đó sẽ lập kế hoạch về phương án, công nghệ xử lý, tài chính để lập dự án khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa. Tuy nhiên, bao giờ sân bay Biên Hòa chính thức được tẩy độc, khắc phục môi trường ô nhiễm dioxin như sân bay Đà Nẵng thì vẫn còn là câu hỏi lớn chưa được trả lời cụ thể. |
Nhiều biện pháp ngăn ngừa sẽ được đưa ra. Toàn bộ công nhân và những người có trách nhiệm có mặt trên công trường đều phải sử dụng trang thiết bị bảo hộ đặc biệt theo quy định. Ngay cả những phương tiện, trang thiết bị có tiếp xúc với vật liệu nhiễm dioxin, như: bánh xe tải, các ống dẫn hơi nước, khử nhiệt... cũng phải được xử lý khử nhiễm trước khi đi vào các khu vực sạch nhằm đảm bảo an toàn ở mức tối đa. “Các biện pháp kỹ thuật và giám sát môi trường nghiêm ngặt sẽ được thực hiện trong suốt quá trình triển khai dự án”, bà Randa Chichakli cam kết.
“Sau khi dự án hoàn thành, sẽ có khoảng 29 hécta đất sạch có thể đưa vào sử dụng phục vụ nhu cầu của người dân. Nhưng quan trọng hơn, là sẽ chấm dứt triệt để được tình trạng ô nhiễm dioxin lan tỏa, ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt, sức khỏe của người dân”, Thiếu tướng Lê Huy Vịnh cho biết.
Thanh Thúy (từ Đà Nẵng)