Báo Đồng Nai điện tử
En

Vượt lên số phận...

10:08, 08/08/2012

Đồng Nai hiện có hơn 13 ngàn nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Dù phải đối mặt với những đớn đau về thể xác, kiệt quệ về tinh thần, nhưng vẫn có những người luôn lạc quan, vượt  lên số phận để sống vui, sống có ích.

 

Đồng Nai hiện có hơn 13 ngàn nạn nhân bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin. Dù phải đối mặt với những đớn đau về thể xác, kiệt quệ về tinh thần, nhưng vẫn có những người luôn lạc quan, vượt  lên số phận để sống vui, sống có ích.

* Viết chữ... bằng chân

Câu chuyện về cậu bé Hồ Hữu Hạnh ở xã Gia Canh (huyện Định Quán) là một trường hợp như thế. Sinh ra, Hạnh không may mắn khi thiếu đi đôi bàn tay. Tuổi thơ của em là những năm tháng sống trong mặc cảm, bị bạn bè xa lánh. Gia đình nghèo, vì thế ngay từ khi còn rất nhỏ, Hạnh đã phải dùng đôi chân của mình để tự chăm sóc bản thân cũng như làm việc nhà phụ cha mẹ. Bù lại sự khiếm khuyết ấy, đôi chân của Hạnh rất kỳ diệu.

                   Em Hồ Hữu Hạnh đang học vi tính bằng chân.                     Ảnh: P.Liễu
Em Hồ Hữu Hạnh đang học vi tính bằng chân. Ảnh: P.Liễu

Anh Hồ Hữu Thân, cha của Hạnh kể: “Vì ngại con dị tật nên tôi không muốn cho con đến trường. Nhưng thấy cháu cứ đứng ngoài cửa sổ lớp học nhìn vào, học lỏm từng cái chữ, sau đó dùng chân “vẽ” chữ trên đất. Thấy con ham học, vợ tôi “liều” dẫn cháu đến Trường tiểu học Kim Đồng xin học”. Ngay trong năm học đầu tiên, Hạnh đã đạt danh hiệu học sinh giỏi trước sự ngỡ ngàng của thầy cô, sự thán phục của bạn bè. Hành trình luyện viết chữ bằng đôi chân của em thật gian nan. Từ con chữ ban đầu nguệch ngoạc, với quyết tâm và sự miệt mài rèn luyện, nét chữ của Hạnh chẳng mấy chốc đẹp dần lên như các bạn.

 Ngoài giờ học, Hạnh giúp cha mẹ làm tất cả những việc trong nhà từ rửa chén, nấu cơm, giặt đồ… và những sinh hoạt cá nhân Hạnh không phải nhờ đến ai. Thậm chí em có thể bơi, chạy xe đạp, chở hàng ra chợ phụ mẹ.

Cảm phục trước nghị lực phi thường của cậu bé Hạnh “chim cánh cụt” - một nhà tài trợ đã tặng em bộ máy vi tính để “chắp cánh” cho ước mơ trở thành kỹ sư tin học.

* “Hai thầy giáo da cam”

Câu chuyện về lớp học của “hai thầy giáo da cam” Hoài Phúc (30 tuổi) và Hoài Phi (26 tuổi)  ở ấp Suối Râm xã Long Giao (huyện Cẩm Mỹ) cũng là một câu chuyện cảm động. Hai anh em dù bị dị tật nặng, nhưng đều rất ham học. Trong suốt những năm tháng của tuổi học trò, việc đi học của Phúc và Phi đều phải do mẹ cõng đến trường. Mong muốn của hai anh em này là sau khi tốt nghiệp THPT sẽ thi vào đại học, nhưng vì nhà nghèo, sức khỏe của Phúc và Phi cũng không tốt nên giấc mơ vào đại học của hai anh em đã không được toại nguyện. Song, ước mơ được “sống” với cái chữ lại luôn cháy bỏng trong tâm trí của “anh em da cam” nên Phúc và Phi đã xin mẹ được mở lớp học dạy thêm ngay tại sân nhà cho những trẻ em nghèo trong xóm.

Tiếng lành đồn xa, nhiều người thấy con hàng xóm học tiến bộ, nên cũng dẫn con mình đến xin học nhà “thầy” Phúc, “thầy” Phi. Không chỉ dạy các em viết chữ, làm toán và các môn học khác, bằng vốn kiến thức tin học khá dày, anh em da cam còn mong muốn được dạy các em môn này, nhưng do nhà chỉ có một máy vi tính, nên chưa thực hiện được. Ngoài kiến thức phổ thông được học từ nhà trường, khối kiến thức xã hội mà hai anh em có được qua đọc sách, đọc trên mạng đã cho anh em Phúc, Phi một cuộc sống tinh thần phong phú - dù  cuộc sống của hai người chỉ quanh quẩn trong nhà.

Mỗi nạn nhân, mỗi câu chuyện cuộc đời khác nhau. Nhưng một điều không thể phủ nhận, nhiều nạn nhân da cam ở Đồng Nai vẫn đang từng ngày sống và làm việc với ý chí vươn lên mạnh mẽ. Không ít người đã rèn luyện nghị lực và thành công, vượt qua những khiếm khuyết bản thân để giúp mình, giúp đời....

Phương Liễu

 

Tin xem nhiều