Báo Đồng Nai điện tử
En

Tham gia BHXH, bị tai nạn lao động ở nước ngoài sẽ được giải quyết chế độ

08:08, 08/08/2012

Đó là một trong những điểm mới đáng lưu ý của Thông tư liên tịch 12/2012/TTLT do Bộ Lao động - thương binh và xã hội - Bộ Y tế ban hành, có hiệu  lực thi hành ngày 4-7-2012 thay thế Thông tư 14/2005/TTLT về việc hướng dẫn khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động (TNLĐ).

Đó là một trong những điểm mới đáng lưu ý của Thông tư liên tịch 12/2012/TTLT do Bộ Lao động - thương binh và xã hội - Bộ Y tế ban hành, có hiệu  lực thi hành ngày 4-7-2012 thay thế Thông tư 14/2005/TTLT về việc hướng dẫn khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo tai nạn lao động (TNLĐ).

Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. (Ảnh minh họa)
Người lao động làm thủ tục hưởng chế độ tại Bảo hiểm xã hội tỉnh. (Ảnh minh họa)

Theo bà Lê Ngọc Mai, Phó giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh cho biết thì nội dung của Thông tư 12 quy định về quy trình khai báo, giải quyết TNLĐ chặt chẽ, cụ thể hơn thông tư cũ. Ngoài ra, Thông tư này còn có nhiều chi tiết mới bổ sung nhằm đảm bảo quyền lợi của người lao động (NLĐ), cụ thể là đối với NLĐ của các doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, trong khi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do người sử dụng lao động (SDLĐ) giao, như: tham dự hội nghị, hội thảo, học tập ngắn hạn, nghiên cứu thực tế.

* Thêm đối tượng áp dụng

Trước đây, Thông tư 14 chỉ quy định áp dụng đối với đối tượng được khai báo, điều tra thống kê và báo cáo TNLĐ của các bên có liên quan ở trong nước, như: doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân có SDLĐ, hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam (trừ các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang). Còn nay, Thông tư 12 quy định thêm một đối tượng nữa là: Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu tại các công trình ở nước ngoài, đưa NLĐ Việt Nam đi làm việc tại các công trình đó; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế có SDLĐ hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc gia nhập, thỏa thuận quốc tế mà cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ký kết có quy định khác.

* Quy trình khai báo tai nạn lao động

Theo quy định thì tai nạn lao động (TNLĐ) là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể người lao động hoặc gây tử vong. Những trường hợp TNLĐ xảy ra tại địa điểm và thời gian hợp lý, bao gồm: Tai nạn xảy ra đối với NLĐ khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc, từ nơi làm việc về nơi ở; tai nạn xảy ra cho NLĐ Việt Nam trong khi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do người SDLĐ phân công.

Khi xảy ra tai nạn đối với NLĐ tại nơi làm việc thuộc phạm vi quản lý của cơ sở; hoặc khi thực hiện công việc, nhiệm vụ khác theo sự phân công của người SDLĐ; hoặc được người SDLĐ ủy quyền bằng văn bản trực tiếp thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc (NLĐ, người quản lý) phải báo ngay cho người SDLĐ biết. Tai nạn xảy ra ở tỉnh nào thì khai báo tại tỉnh đó. Riêng đối với trường hợp NLĐ Việt Nam bị chết hoặc bị TNLĐ trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao ở nước ngoài thì cơ sở trực tiếp quản lý NLĐ đó thực hiện việc khai báo trực tiếp hoặc điện thoại, fax, công điện, thư điện tử với Thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh, nơi cơ sở cử người đi đặt trụ sở chính trong thời hạn 3 ngày.

* Thẩm quyền giải quyết

Thông tư quy định thẩm quyền giải quyết về TNLĐ rất chi tiết. Đoàn điều tra được thành lập sau khi TNLĐ xảy ra và được phân theo 3 cấp: cơ sở, tỉnh và trung ương.

Đối với  NLĐ Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài mà bị chết hoặc bị tai nạn thì đoàn điều tra cơ sở chủ trì và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại (nước mà các doanh nghiệp của Việt Nam trúng thầu, nhận thầu) trong việc tiến hành điều tra. Các vụ tai nạn chết người hoặc làm từ hai người bị tai nạn nặng trở lên xảy ra cho NLĐ Việt Nam tại các công trình mà các doanh nghiệp của Việt Nam trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài (trừ các trường hợp mà NLĐ làm việc theo Luật Lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng). Ðoàn điều tra tai nạn cấp cơ sở phải tuân thủ pháp luật của nước sở tại khi tiến hành điều tra…Trường hợp tai nạn làm NLĐ chết hoặc có 2 người bị thương nặng trở lên thì trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ sở quản lý NLĐ bị tai nạn phải cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn cho thanh tra Sở Lao động - thương binh và xã hội tỉnh để xem xét và lập biên bản điều tra TNLĐ…

K.Liễu

 

Tin xem nhiều