Báo Đồng Nai điện tử
En

Phật giáo Đồng Nai tích cực làm khuyến học

Văn Truyên
08:33, 11/09/2023

Ngoài thực hiện tốt công tác phật sự, Phật giáo Đồng Nai còn đóng góp tích cực trong hoạt động khuyến học.

Đại đức Thích Nguyên Thông, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam H.Long Thành dạy trẻ em đồ chữ trên vở tập tô dành cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Ảnh: S.Thao
Đại đức Thích Nguyên Thông, Phó trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam H.Long Thành dạy trẻ em đồ chữ trên vở tập tô dành cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1. Ảnh: S.Thao

Điểm đáng chú ý là ngoài những phần quà, học bổng tức thời dành cho học sinh khó khăn, Phật giáo Đồng Nai còn hỗ trợ dài hạn cho học sinh, sinh viên đến trường. Nhiều cơ sở Phật giáo trong quá trình nhận nuôi trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh gia đình khó khăn còn chăm lo việc học cho các em.

* Những “giáo viên” đặc biệt

Nắm bàn tay nhỏ của từng trẻ được chăm sóc tại Thiền tự Phước Quang, đại đức Thích Nguyên Thông, Phó ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) H.Long Thành dạy các em đồ chữ trên vở tập tô dành cho trẻ chuẩn bị vào lớp 1.

Hiện cơ sở tôn giáo này đang chăm sóc và tạo điều kiện cho gần 20 trẻ đến trường. Các em ở đây được theo học ở trường như trẻ ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, theo đại đức, trẻ ở đây đa phần đều tiếp thu chậm nên ông phải thường xuyên kèm cặp, kiểm tra việc học của từng trẻ.

Tương tự, nhiều năm qua đại đức Thích Nhuận Hành, Trụ trì chùa Hoàng Mai, Phó trưởng Ban Trị sự GHPGVN H.Cẩm Mỹ
(TT.Long Giao, H.Cẩm Mỹ) trở thành thầy giáo của nhiều trẻ em nơi đây. Sau thời gian thực hiện nghi lễ tôn giáo, ông lại trở về với lớp học tình thương để cùng những người tu hành khác dạy trẻ em học đánh vần, luyện chữ. Lớp học bao giờ cũng vui vì ngoài học các em được “bao” ăn bánh, uống sữa, ăn trái cây, có bánh kẹo đem về cho anh em ở nhà.

Lớp vui là vậy song theo đại đức Thích Nhuận Hành, cả người dạy và các em đều có ý thức giờ học ra học, chơi ra chơi. Bài vở giao phải hoàn thành và có kiểm tra để ai làm tốt thì khen còn chưa tốt thì nhắc nhở. Vì vậy mà việc học của trẻ tiến bộ theo thời gian.

Chị Nguyễn Thị Cúc (xã Xuân Mỹ, H.Cẩm Mỹ) cho hay, nhà chị cách chùa gần 2km nên chị cho con đến lớp để rèn chữ, học điều hay lẽ phải từ các nhà sư. Nhiều tiến bộ từ con trong lời ăn tiếng nói, cách học làm cả nhà chị rất vui.

Cùng với hỗ trợ trẻ em học văn hóa, nhiều nhà tu hành còn dạy nghề cho trẻ em. Đại đức Thích Chiếu Bổn, Giám đốc Trung tâm Nhân đạo Làng Tre cho hay, có 230 trẻ em bị cha mẹ bỏ rơi khi mới ra đời, trẻ khuyết tật bị bỏ rơi, người già lang thang cơ nhỡ hay người cao tuổi neo đơn không người chăm nom… đang được chăm sóc tại cơ sở.

Đồng Nai hiện có 929 chức sắc hàng giáo phẩm cùng trên 7,3 ngàn tăng, ni và gần 1 triệu tín đồ Phật giáo. Tăng ni và đồng bào tín đồ Phật giáo đã và đang tiếp tục góp phần xây dựng Phật giáo Đồng Nai ngày càng vững mạnh gắn với phương châm mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề ra: Đạo pháp - dân tộc - chủ nghĩa xã hội.

Trong số này có những trẻ có khả năng học văn hóa tốt nhưng có em khó tiếp thu bài vở ở trường nên muốn tìm một nghề để học. Từ thực tế đó, cơ sở mộc thuộc trung tâm đã trở thành nơi dạy nghề cho các em. Thời gian qua, nhiều em đã ra nghề và tìm được công việc phù hợp tại các cơ sở mộc mỹ nghệ. Không ít lần, ông trực tiếp hướng dẫn các em một số thao tác, kỹ năng trong quá trình học nghề.

* Tích cực hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn

Bên cạnh tổ chức các lớp học dành cho trẻ em, tạo điều kiện cho trẻ đến trường, nhiều nhà tu hành trong Phật giáo còn đóng vai trò là “bà đỡ” cho học sinh, sinh viên đến trường. 

Trong đó, nhiều năm qua, ni sư Thích nữ Diệu Pháp (chùa Tịnh Quảng Xá, TT.Định Quán, H.Định Quán) cùng phật tử đã duy trì phục vụ bữa ăn trưa cho học sinh nhiều trường.

Ni sư cho hay, trước đây vào buổi trưa không ít học sinh khó khăn đến chùa xin cơm chay ăn để chiều học tiếp. Hoặc có em ăn cơm xong rồi mới đạp xe về nhà vì nhà quá xa nếu về nhà thì đã đầu giờ chiều. Sau khi được sự chấp thuận của các cấp chính quyền địa phương, từ năm 2013 đến nay, mỗi ngày bếp ăn từ thiện của ni sư cung cấp hàng trăm phần ăn miễn phí cho học sinh của 7 trường tiểu học, THCS, THPT. Kinh phí thực hiện bếp ăn một phần do các mạnh thường quân trong huyện đóng góp, phần còn lại có được từ nguồn thu nhập do ni sư cùng đệ tử của chùa Tịnh Quảng Xá canh tác hoa màu trên diện tích đất của chùa.

Còn ni trưởng Thích nữ Kim Sơn (Quan Âm tu viện, TP.Biên Hòa) là một trong những cá nhân thường xuyên hỗ trợ học bổng cho học sinh, sinh viên khó khăn đến trường. Theo đó, mỗi năm ni trưởng Thích nữ Kim Sơn cùng Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao hàng trăm suất học bổng cho học sinh hoàn cảnh khó khăn đến trường. Ngoài ra, ni trưởng Thích nữ Kim Sơn còn đứng sau làm “người giấu mặt” âm thầm hỗ trợ lâu dài cho nhiều sinh viên ở Đồng Nai cũng như ở một số tỉnh, thành khác có cơ hội theo đuổi ước mơ trên giảng đường.

Bà Đỗ Thị Phước Thiện, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh cho hay, thời gian qua ni trưởng Thích nữ Kim Sơn luôn đồng hành cùng các hoạt động hỗ trợ học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn do Hội Chữ thập đỏ tỉnh thực hiện. Điều này đã góp phần nâng bước các em trên con đường đến trường.

Bên cạnh những hoạt động kể trên, Phật giáo Đồng Nai vẫn mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho công tác khuyến học khuyến tài. Bởi, một số tôn giáo khác đã tham gia vào quá trình giáo dục chuyên sâu bằng các trường học, cơ sở đào tạo trong khi đó, Phật giáo vẫn chưa thực hiện được. Theo thượng tọa Thích Huệ Khai, Trưởng ban Trị sự GHPGVN tỉnh, một cơ sở giáo dục chuyên nghiệp là mong muốn mà Phật giáo Đồng Nai hướng đến nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho người học, thể hiện nhiều hơn vai trò của Phật giáo trong sự nghiệp giáo dục. Song song đó, Phật giáo Đồng Nai sẽ tiếp tục duy trì các hoạt động, mô hình khuyến học, khuyến tài nhằm tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên hoàn cảnh khó khăn được đến trường.

Văn Truyên

Tin xem nhiều