Báo Đồng Nai điện tử
En

Củng cố hệ thống cấp cứu ngoại viện

07:30, 11/09/2023

Cấp cứu ngoại viện tức là cấp cứu ngoài cộng đồng. Nạn nhân sẽ được hỗ trợ bởi người gần mình nhất, người chứng kiến sự việc và có kỹ năng cấp cứu ban đầu.

Vận chuyển bệnh nhân bị tai nạn giao thông bằng băng ca, tránh tổn thương cho bệnh nhân
Vận chuyển bệnh nhân bị tai nạn giao thông bằng băng ca, tránh tổn thương cho bệnh nhân. Ảnh: H.DUNG

Mục tiêu của cấp cứu ban đầu là can thiệp càng sớm càng tốt nhằm duy trì chức năng sống của nạn nhân ở tình trạng ổn định nhất có thể cho đến khi được đưa đến bệnh viện. Đây được xem là khoảng thời gian quyết định đến sự sống - chết của bệnh nhân.

Cứu người như cứu hỏa

Mới đây, anh N.V.B., 17 tuổi, ngụ TP.Biên Hòa đang trên đường đi làm thì bị tai nạn giao thông, nằm bất động bên đường, chảy nhiều máu ở vùng đầu. Người đi đường thấy vậy đã gọi đến số hotline của Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai là 02513.840840. Đội cấp cứu của bệnh viện sau đó đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để sơ cấp cứu, băng bó vết thương và đưa anh B. đến bệnh viện.

Tại bệnh viện, các bác sĩ tiến hành kiểm tra, chỉ định chụp CT vùng đầu cho anh B. Kết quả, anh B. bị chấn thương phần mềm vùng đầu, không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Sau khi được xử lý vết thương, nghỉ ngơi theo dõi, anh B. được xuất viện.

Trước đó, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2-9, đội cấp cứu ngoại viện của Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai đã nhanh chóng có mặt tại nhà của một bệnh nhân để cấp cứu cho anh này.

BS CKI Tạ Quang Thịnh, Khoa Cấp cứu cho hay, bệnh nhân là nam, 40 tuổi, ngụ P.Tân Mai, TP.Biên Hòa. Khoảng 15 giờ ngày 2-9, sau khi nhậu xong, bệnh nhân bị tím tái, ngưng thở. Gia đình phát hiện được đã chạy xe máy đến bệnh viện gọi các bác sĩ đến giúp đỡ.

Do đường vào nhà bệnh nhân khá nhỏ và sâu, xe cấp cứu của bệnh viện không thể vào tận nơi nên BS Thịnh đã mang theo đồ nghề cấp cứu, ngồi lên xe máy của người nhà bệnh nhân để tiếp cận hiện trường. Tại nhà bệnh nhân, BS Thịnh đã tiến hành ép tim cho bệnh nhân nhằm duy trì mức tưới máu não. Đồng thời, khẩn trương phối hợp đưa bệnh nhân đến bệnh viện. Tại bệnh viện, bệnh nhân được tiêm thuốc, cấp cứu, 5 phút sau thì có tim trở lại. Kết quả chụp CT cho thấy, bệnh nhân bị xuất huyết não. Do tình trạng bệnh quá nặng nên bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

BS CKI Trần Đức Anh, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai cho biết, với người bị tai nạn giao thông, tai nạn thương tích, chấn thương cột sống, chấn thương đa tạng, đột quỵ… nếu được sơ cứu kịp thời, đúng cách có thể giảm tối đa nguy cơ bệnh nặng hơn, thậm chí là tử vong trước khi đến bệnh viện.

Bệnh viện đã xây dựng được đội cấp cứu ngoại viện hoàn chỉnh với 2 xe cứu thương, 6 bác sĩ, điều dưỡng cùng các loại máy móc, thuốc cần thiết như: thuốc tim mạch, dụng cụ sơ cứu chấn thương, đặt nội khí quản, hỗ trợ hô hấp… Từ khi nhận được điện thoại cần hỗ trợ của người dân, trong vòng khoảng 3 phút, kíp trực ngoại viện sẽ lên xe đến hiện trường. Các bác sĩ, điều dưỡng kíp trực cấp cứu ngoại viện đều có trình độ chuyên môn tốt nên có thể sơ, cấp cứu được hầu hết các loại tổn thương, chấn thương, nặng nhất là ngưng tim, ngưng thở.

“Trung bình mỗi tuần, bệnh viện thực hiện 4-5 ca cấp cứu ngoại viện. Những trường hợp cấp cứu trên địa bàn TP.Biên Hòa đều được miễn phí. Tùy vào mức độ tổn thương của bệnh nhân, kíp cấp cứu sẽ chuyển về bệnh viện hoặc bệnh viện tuyến trên để đảm bảo điều tốt nhất cho bệnh nhân” - BS Đức Anh cho hay.

Lên án nạn chọc phá, quấy rối số điện thoại cấp cứu

Hiện nay, số tổng đài cấp cứu ngoại viện của Đồng Nai là 0251.115. Đây là số điện thoại thường trực của Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai.

BS CKII Đặng Hà Hữu Phước, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho biết, bệnh viện hiện có 11 xe cấp cứu. Trên xe có đầy đủ các phương tiện hỗ trợ hồi sức cơ bản, một số xe có cả máy thở, máy sốc điện… Nhân lực cấp cứu ngoại viện do Khoa Cấp cứu của Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai điều tiết. Tức là trong mỗi tua trực, Khoa Cấp cứu bố trí từ 4-6 bác sĩ và 12-15 điều dưỡng trực. Khi người dân gọi điện đến số điện thoại 0251.115, nhân viên y tế sẽ tiếp nhận thông tin rồi báo cáo lãnh đạo khoa để điều động bác sĩ, điều dưỡng đang trong tua trực đi cấp cứu ngoại viện.

BS CKII ĐẶNG HÀ HỮU PHƯỚC, Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai cho hay: “Trung bình mỗi tháng, bệnh viện thực hiện thành công 30-40 ca cấp cứu ngoại viện. Những trường hợp cấp cứu thường gặp là tai nạn giao thông, đột quỵ, tai nạn thương tích… Mong rằng người dân biết được số cấp cứu 0251.115 để cấp cứu những người thực sự cần cấp cứu, không nên quấy phá bởi trong lúc đường dây cấp cứu bị quấy phá, có những người không được cấp cứu kịp thời sẽ không qua khỏi”.

Tuy nhiên, theo lãnh đạo bệnh viện, trong số 40-50 cuộc gọi báo động cấp cứu ngoại viện mỗi ngày thì có đến 30-40 cuộc gọi đến để chọc phá, quấy rối, thậm chí là cung cấp thông tin giả. Rất nhiều lần, bệnh viện điều xe cấp cứu đến địa chỉ do người gọi điện thoại cung cấp nhưng không có trường hợp nào cần cấp cứu, về xe trống, gây lãng phí nhân lực, thời gian, chi phí…, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý của nhân viên y tế trực cấp cứu vốn đã rất căng thẳng.

Chị Nguyễn Thị Lan, điều dưỡng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai chia sẻ, nhân viên y tế trực cấp cứu rất áp lực vì liên tục phải tiếp nhận các cuộc gọi chọc phá. Có những đối tượng canh đúng 3 giờ 30 sáng mỗi ngày hoặc 11 giờ trưa để gọi đến khoa từ năm này sang năm khác. Những đối tượng này đổi số điện thoại liên tục nên nhân viên y tế không thể loại bỏ được số quấy phá.

“Những cuộc gọi quấy phá diễn ra thường xuyên gây nghẽn đường dây cấp cứu khiến những người thực sự cần được hỗ trợ cấp cứu không liên hệ được với nhân viên y tế. Thời gian kíp trực đi cấp cứu ở bên ngoài nhưng không có bệnh nhân thật ảnh hưởng đến nhân lực làm nhiệm vụ cấp cứu trực tiếp tại khoa. Chúng tôi hy vọng công an vào cuộc quyết liệt để dẹp được nạn quấy phá này” - chị Lan bộc bạch.

Tăng cường kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu

BS CKI Trương Văn Xuất, Phụ trách Phòng Công tác xã hội, quan hệ công chúng Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai cho biết, thực tế thời gian qua cho thấy, nhờ có kiến thức, kỹ năng về sơ cấp cứu ban đầu mà nhiều người bị tai nạn như đuối nước, hóc dị vật… được cứu sống kịp thời. Như vậy, không chỉ có nhân viên y tế mới có thể thực hiện được việc sơ cấp cứu ban đầu đúng cách mà nhiều người ở nhiều ngành nghề khác nhau cũng có thể thực hiện được nếu được tập huấn bài bản.

Để tăng khả năng sống, bình phục cho người bệnh, hạn chế tối đa nguy cơ tử vong, di chứng do được sơ, cấp cứu muộn, trong hơn 3 tháng qua, Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai đã chủ trì tổ chức tập huấn sơ, cấp cứu ban đầu cho hơn 600 cán bộ, giáo viên, nhân viên của các trường học trên địa bàn TP.Biên Hòa.

Các cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học được tập huấn các kỹ năng cấp cứu cơ bản như: cấp cứu ngưng tim ngưng thở, cấp cứu co giật, dị vật đường thở, ngạt nước, sơ cứu bệnh nhân bị chấn thương… Đây là những kiến thức cấp cứu phổ biến mà ai cũng cần được trang bị để có thể hỗ trợ cho bản thân và người khác khi cần thiết.

Chẳng hạn, với trường hợp em bé bị hóc dị vật gây tắc đường thở, các giáo viên cần có kiến thức, kỹ năng để giúp em bé lấy dị vật ra ngoài ngay, đồng thời gọi điện để được hỗ trợ cấp cứu, đưa em bé đến bệnh viện. Bởi trong thời gian ngắn, nếu không lấy được dị vật ra ngoài, em bé bị tắc đường thở lâu có thể dẫn đến tử vong.

Hay trường hợp nạn nhân bị ngưng tim, ngưng thở do đuối nước, nếu có kỹ năng ép tim, hà hơi thổi ngạt…, những người xung quanh khi phát hiện trường hợp đuối nước cũng có thể cứu được họ qua cơn nguy kịch.

Để việc cấp cứu ngoại viện đạt hiệu quả tốt nhất, theo các bác sĩ, đối với một số trường hợp chấn thương như: chấn thương cột sống cổ, chấn thương đa tạng do tai nạn giao thông…, người dân nếu không có kiến thức, kỹ năng, cần gọi ngay cho đội cấp cứu ngoại viện của các cơ sở y tế có chuyên môn để được nhân viên y tế hướng dẫn cách xử trí ban đầu đúng cách; tránh thay đổi tư thế của nạn nhân, vận chuyển bệnh nhân bằng xe máy vì có thể khiến người bệnh gặp di chứng suốt đời.

Ngoài ra, theo BS CKI Trần Đức Anh, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Quốc tế Hoàn Mỹ Đồng Nai, tỉnh cần có trung tâm cấp cứu ngoại viện riêng, được tổ chức bài bản với cơ sở pháp lý rõ ràng hơn để kịp thời cứu sống nhiều bệnh nhân. Ngoài ra, các bệnh viện có thể hỗ trợ nhau tốt hơn trong quá trình cấp cứu bệnh nhân.

Hạnh Dung

Tin xem nhiều