Báo Đồng Nai điện tử
En

Lúng túng với sách giáo khoa

Công Nghĩa
09:34, 08/08/2023

Nhiều phụ huynh tiếp tục lúng túng với câu chuyện thay sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) năm 2018 của Bộ GD-ĐT. Điều này xuất phát từ việc một chương trình nhưng có nhiều bộ sách khác nhau và mỗi trường có thể tự chọn một bộ để giảng dạy.

Nhà sách Phương Nam trong Trung tâm Thương mại Vincom Biên Hòa bày bán sách giáo khoa cho năm học mới. Ảnh: C.Nghĩa
Nhà sách Phương Nam trong Trung tâm Thương mại Vincom Biên Hòa bày bán sách giáo khoa cho năm học mới. Ảnh: C.Nghĩa

Chị Trần Thị Lý (P.Tam Hiệp, TP.Biên Hòa) năm nay có con học lớp 11 tại Trường THPT Ngô Quyền cho hay: “Những ngày qua tôi đã đi khắp các nhà sách ở TP.Biên Hòa chỉ để tìm một cuốn sách Vật lý lớp 11 của bộ Chân trời sáng tạo còn thiếu nhưng không có hàng. Nhân viên các nhà sách nói phải chờ giữa tháng 8 mới có cuốn sách này vì NXB chưa in kịp”.

* Những bộ sách… thập cẩm

Đến nay, Chương trình GDPT năm 2018 đã được áp dụng cho học sinh từ lớp 1 đến lớp 3 của bậc tiểu học, lớp 6 đến lớp 7 của bậc THCS và lớp 10 của bậc THPT. Còn từ năm học 2023-2024 sắp tới, học sinh lớp 4 bậc tiểu học, lớp 8 bậc THCS và lớp 11 bậc THPT cũng sẽ tiếp cận với chương trình mới, đồng nghĩa với phụ huynh sẽ phải mua sách mới theo chương trình mới mà không thể tiếp tục dùng sách cũ. Tuy nhiên, ngay cả khi mua sách mới cũng gặp không ít khó khăn vì nguồn cung không đáp ứng kịp khi ngày tựu trường đang đến gần.

Phụ huynh Huỳnh Quốc Thuận có con học lớp 8 tại Trường THCS Hùng Vương (TP.Biên Hòa) cho biết, năm học sắp tới con anh sẽ không thể dùng lại bộ SGK lớp 8 của năm học cũ nữa, vì lớp 8 sẽ bắt đầu học theo Chương trình GDPT năm 2018 nên buộc phải thay sách mới. Tuy nhiên, ngay cả việc mua SGK mới cũng không hề dễ dàng mà phải mua theo “toa” nhà trường thông báo. Chẳng hạn môn Toán học theo bộ sách Cánh diều, còn môn Giáo dục thể chất lại học theo sách của bộ Chân trời sáng tạo, môn Tiếng Anh lại là của bộ sách khác nữa.

Phát hiện trên 4 ngàn bản SGK giả
Đội Quản lý thị trường số 1 thuộc Cục Quản lý thị trường Đồng Nai đã phát hiện 4.100 bản SGK từ lớp 1 đến lớp 12 giả tại nhà sách Hoàng Sơn (P.Tân Biên, TP.Biên Hòa). Những bản sách này được tái bản trái quy định, khi kiểm tra quét mã QR truy xuất nguồn gốc thì không đúng thông tin, số seri in trên sách giả đã được sử dụng. Toàn bộ số SGK giả nói trên đã bị lực lượng chức năng thu giữ xử lý theo quy định. Nhà sách Phương Nam trong Trung tâm Thương mại Vincom Biên Hòa bày bán sách giáo khoa cho năm học mới

Trong khi đó, anh Hoàng Thanh Phong (P.An Bình, TP.Biên Hòa) có con sắp bước vào lớp 3 cho biết, anh xin lại của người bà con ở tỉnh Bình Phước được bộ SGK lớp 3 theo Chương trình GDPT năm 2018, nhưng khi hỏi giáo viên chủ nhiệm con mình mới “té ngửa” ra là Trường tiểu học An Bình không dùng bộ SGK lớp 3 Chân trời sáng tạo mà là bộ sách Cánh diều. Cuối cùng anh Phong phải bỏ bộ sách cũ đã xin và đăng ký mua bộ sách mới theo đúng với yêu cầu của nhà trường.

Hiệu trưởng một trường THCS công lập tại P.Trảng Dài (TP.Biên Hòa) cho hay: “Ban giám hiệu đã cho giáo viên nghiên cứu tất cả các cuốn trong 3 bộ SGK mà Bộ GD-ĐT phê duyệt đủ điều kiện triển khai. Theo ý kiến của số đông giáo viên, cuốn sách nào hay thì nhà trường chọn chứ không nhất thiết chỉ chọn các cuốn trong một bộ cố định. Chẳng hạn cuốn sách Toán trong bộ Cánh diều hay hơn so với bộ Chân trời sáng tạo thì chúng tôi sẽ chọn cuốn hay hơn để dạy cho học sinh”.

* Lãng phí sách cũ lẫn mới

Việc thay SGK theo chương trình GDPT đã khiến nhiều phụ huynh trăn trở vì quá lãng phí và rối bời. Anh Lê Quốc Việt (xã Long Phước, H.Long Thành) chia sẻ: “Chương trình GDPT mới không khiến cho phụ huynh lẫn học sinh bớt áp lực, thậm chí là tốn kém, rối bời và áp lực hơn. Đơn cử bộ SGK lớp 8 theo chương trình cũ của năm học trước được con tôi giữ gìn cẩn thận nên còn khá mới, thế nhưng năm học sắp tới này lại không thể chuyển cho các em tái sử dụng được. Nguyên nhân là bởi lớp 8 từ năm học tới sẽ phải học theo SGK của chương trình mới. Như vậy sách cũ nếu không giữ lại làm kỷ niệm thì cũng chỉ biết bán ve chai cho gọn nhà”.

Quản lý nhà sách ở một trung tâm thương mại lớn tại TP.Biên Hòa cho hay, những năm học trước cứ vào dịp tháng 5 đến tháng 8 là nhà sách này lại nhập về lượng lớn SGK phục vụ nhu cầu mua sắm chuẩn bị cho năm học mới. Còn khoảng 2 năm trở lại đây nhà sách này chỉ nhập về một số lượng sách rất hạn chế, vì sách theo chương trình GDPT có phụ huynh sẽ mua nguyên bộ, có phụ huynh lại chọn mua mỗi bộ một vài cuốn theo hướng dẫn của từng trường. Nếu chấp nhận “xé lẻ” các bộ sách ra bán, nhà sách sẽ lỗ, vì những cuốn sách không bán được được thì không biết xử lý thế nào để thu hồi vốn.

Giám đốc Công ty CP Sách và thiết bị trường học Đồng Nai VÕ AN NINH: Đồng Nai vẫn đang thiếu SGK

Khoảng đầu tháng 7, nguồn cung SGK đối với các lớp là tương đối đủ, tuy nhiên đối với SGK lớp 4-8-11 các NXB lại in không kịp để cung cấp cho địa bàn Đồng Nai. Chỉ tính riêng SGK lớp 4-8-11, nhu cầu mua sắm hoàn toàn mới của học sinh Đồng Nai lên tới trên 2 triệu bản và hiện vẫn còn thiếu khoảng 500 ngàn bản nữa, dự kiến đến giữa tháng 8 mới có đủ số lượng cần thiết.

Giám đốc một công ty chuyên cung cấp mặt hàng SGK tại Đồng Nai cũng cho rằng, việc chương trình GDPT năm 2018 nhưng có nhiều bộ SGK đã khiến phụ huynh bối rối, các trường cũng mất khá nhiều thời gian nghiên cứu và lựa bộ nào phù hợp. Khi triển khai chương trình mới lên các lớp cao hơn, nhiều trường không chỉ dừng lại ở chọn một bộ sách mà có thể mỗi bộ sẽ chọn một số cuốn để thành một bộ sách phù hợp với trường mình.
Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có kết luận về chuyên đề giám sát thực hiện các nghị quyết về đổi mới chương trình và SGK phổ thông. Trong kết luận đã nêu ra nhiều khó khăn, hạn chế, vướng mắc cần được tiếp tục quan tâm, làm rõ và kịp thời tháo gỡ. Đánh giá về chủ trương một chương trình có nhiều SGK khác nhau, kết luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cần làm rõ việc áp dụng nhiều SGK khác nhau cho từng môn học ở cơ sở giáo dục có thực sự cần thiết không. Ngoài ra, cần xem xét tính cần thiết trong sửa đổi quy định để thống nhất việc lựa chọn SGK, hướng tới quyền lựa chọn SGK của học sinh, giáo viên, phụ huynh.

Công Nghĩa


Phó giám đốc Sở GD-ĐT VÕ NGỌC THẠCH:

Chỉ đạo các trường hỗ trợ phụ huynh

 

Thời gian tựu trường đang đến rất gần, trong khi ngày khai giảng năm học mới chỉ còn khoảng 1 tháng nữa. Do đó, việc liên hệ với các NXB đẩy nhanh tiến độ cung ứng sách là rất cấp bách, nhất là SGK mới dành cho lớp 4-8 và 11 hiện vẫn còn thiếu. Các trường có thể đứng ra hỗ trợ, làm đầu mối cho phụ huynh liên hệ với đơn vị phân phối để mua đúng SGK mà trường sử dụng, sách nào tái sử dụng được thì thông báo cho phụ huynh rõ.

Chị PHẠM THỊ THU (xã Quảng Tiến, H.Trảng Bom):

Mong có một bộ SGK dễ chọn và giá thành phù hợp

Việc có nhiều bộ SGK áp dụng cho một chương trình đang khiến phụ huynh chúng tôi bối rối khi mua sắm cho con em mình, nhất là khi chuyển trường cho con mà trường trước đó không dùng cùng một bộ sách. Hơn nữa, giá sách mới so với giá sách cũ khá cao khiến nhiều phụ huynh gặp khó khăn, nhất là với những gia đình có đông con.   

Đặng Công (ghi)


 

Tin xem nhiều