Báo Đồng Nai điện tử
En

Trân trọng với văn hóa dân gian

08:06, 06/06/2023

Với bề dày 325 năm hình thành và phát triển, Biên Hòa Đồng Nai có một kho tàng văn hóa dân gian đa dạng và phong phú. Kho tàng ấy trải rộng ở nhiều lĩnh vực, từ nghệ thuật trình diễn cho đến phong tục, tập quán, tri thức dân gian...

Với bề dày 325 năm hình thành và phát triển, Biên Hòa Đồng Nai có một kho tàng văn hóa dân gian (VHDG) đa dạng và phong phú. Kho tàng ấy trải rộng ở nhiều lĩnh vực, từ nghệ thuật trình diễn cho đến phong tục, tập quán, tri thức dân gian...

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai khôi phục sân khấu múa rối nước, phục vụ hè năm 2023 cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.NA
Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai khôi phục sân khấu múa rối nước, phục vụ hè năm 2023 cho thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.NA

Nhiều loại hình VHDG đã và đang được các đơn vị, địa phương khai thác, vừa phục vụ nhu cầu của nhân dân, vừa bảo tồn và phát huy các giá trị của di sản.

* Gìn giữ văn hóa dân gian

Những ngày đầu tháng 6, sân khấu múa rối nước do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn tại rạp chiếu phim Khánh Hưng (TP.Biên Hòa) luôn chật kín khán giả. Với chủ đề Thế giới tuổi thơ, nhà hát đã và đang tổ chức nhiều suất diễn múa rối lôi cuốn, hấp dẫn. Những tích cũ, trò xưa, những câu chuyện cổ tích được tái hiện trong không gian múa rối nước không chỉ đơn thuần mang tính giải trí mà nó còn lưu giữ nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Anh Trần Minh Tuấn (ngụ P.Trung Dũng, TP.Biên Hòa) cho biết: “Không có gì vui hơn khi mùa hè đến, được cùng các con đi xem múa rối nước, chứng kiến những tiếng reo vỡ òa của rất đông khán giả nhí lúc chú Tễu vén màn, cất lời chào… Mặc dù Đồng Nai không phải là cái nôi của rối nước, song việc gìn giữ, đưa  những giá trị văn hóa mộc mạc này đến với thiếu nhi thể hiện sự tiếp nối, trân trọng truyền thống cũng như sức sống bền bỉ, mãnh liệt của nghệ thuật dân gian”.

Năm 2023, Bảo tàng Đồng Nai sẽ thực hiện biên soạn tài liệu và in sách văn hóa phi vật thể: Phong tục, tập quán của người Tày ở xã Thanh Sơn (H.Định Quán). Các phong tục, tập quán được biên soạn gồm: Tập quán thờ cúng; các ngày lễ, Tết trong năm; sinh đẻ; hôn nhân; nghi lễ mừng thọ; tang ma; tín ngưỡng Then của người Tày.

Theo Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Việt Bắc, song song với biểu diễn phục vụ thanh thiếu nhi trên địa bàn tỉnh, Nhà hát sẽ phối hợp với Tỉnh đoàn tăng cường các suất diễn (trong tháng 7) để phục vụ các đoàn đại biểu tham gia liên hoan múa rối các nhà thiếu nhi, trung tâm hoạt động thanh thiếu nhi khu vực miền Đông Nam bộ (mở rộng) năm 2023. Qua đó, giúp khán giả trong và ngoài tỉnh có những trải nghiệm văn hóa hấp dẫn, bổ ích.

Trước nguy cơ mai một, thất truyền của các tri thức VHDG, thời gian qua, Bảo tàng Đồng Nai đã tổ chức kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu các bài thuốc dân gian của các dân tộc: Hoa, Nùng, Tày, Mạ, Chơro, S’tiêng… Bên cạnh đó, bảo tàng còn nghiên cứu, đánh giá thực trạng sử dụng các bài thuốc dân gian, đội ngũ thầy thuốc dân gian hiện nay ở Đồng Nai. Trên cơ sở đó, bảo tàng đã đề xuất những giải pháp nhằm bảo tồn và phát triển bền vững loại hình tri thức dân gian độc đáo của các dân tộc.

Hay tại H.Định Quán, từ năm 2017 đến nay, chính quyền địa phương đã phối hợp với các nghệ nhân, thành lập các đội nhạc cụ, tổ chức nhiều lớp truyền dạy sử dụng bộ nhạc cụ dân tộc Mường, Khmer cho con em đồng bào. Các đội nhạc cụ truyền thống này thường xuyên tham gia biểu diễn, giao lưu trong các sinh hoạt hóa của cộng đồng… góp sức gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa truyền thống trong đời sống hiện đại.

* Lập hồ sơ khoa học cho các di sản

Ngoài thực hiện kiểm kê văn hóa phi vật thể lễ hội truyền thống các dân tộc tại 2 huyện: Định Quán (32 địa điểm tổ chức lễ hội) và Tân Phú (14 địa điểm tổ chức lễ hội), trong năm 2023, Bảo tàng Đồng Nai còn tham gia lễ hội Sayangva tại một số địa phương. Đây là việc làm cần thiết nhằm lấy tư liệu, thông tin, hình ảnh cho việc xây dựng kế hoạch lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với lễ hội Sayangva (Mừng lúa mới) của người Chơro ở Đồng Nai.

Già làng Mai Văn Lượng, người uy tín của đồng bào Chơro ở P.Bảo Vinh (TP.Long Khánh) cho hay: “Đồng bào Chơro rất vui mừng, phấn khởi khi lễ hội Sayangva được duy trì hàng năm với đầy đủ các nghi lễ truyền thống, biểu diễn văn nghệ, trò chơi dân gian. Càng vui mừng hơn khi biết rằng, thời gian tới các đơn vị sẽ lập hồ sơ đề nghị đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là động lực để bà con tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của dân tộc”.

Mới đây nhất, Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TTDL) Lê Thị Thu Hiền có văn bản gửi Sở VH-TTDL về việc góp ý hồ sơ đề nghị đưa di sản vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội chùa Ông cù lao Phố (TP.Biên Hòa).

Theo đó, Đồng Nai cần bổ sung địa điểm phân bố di sản nơi các hội quán tọa lạc, các đình, đền của người Việt; xác định và thể hiện cụ thể đại diện chủ thể nắm giữ và thực hành di sản. Nếu chủ thể nắm giữ và thực hành lễ hội là cả người Hoa và người Việt thì các thành phần của hồ sơ đều phải có sự hiện diện của người Việt và thể hiện được sự tham gia của cộng đồng người Hoa, nguời Việt trong tất cả các hoạt động.

Bên cạnh đó, Cục Di sản văn hóa đề nghị làm rõ sự liên quan và tham gia thực hành nghi lễ nghinh thần của các nhóm người khác ngoài 4 hội quán như: đình Tân Lân, đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh, đình Bình Quan, Thiên Hậu cổ miếu. Đồng thời, bổ sung vai trò bảo vệ di sản của cộng đồng người Việt nếu đã xác định họ là một trong 2 cộng đồng chủ thể nắm giữ và thực hành di sản.

Ly Na

Tin xem nhiều