Báo Đồng Nai điện tử
En

Lời thuyết minh bên thềm di sản

08:06, 13/06/2023

Hơn 10 năm gắn bó với di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên, đam mê truyền tải mạch nguồn và tinh hoa văn hóa đến với người dân và du khách đã trở thành một phần cuộc sống của thuyết minh viên Phạm Thị Hồng Tươi.

Hơn 10 năm gắn bó với di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên, đam mê truyền tải mạch nguồn và tinh hoa văn hóa đến với người dân và du khách đã trở thành một phần cuộc sống của thuyết minh viên Phạm Thị Hồng Tươi.

Chị Phạm Thị Hồng Tươi (áo dài, bìa phải) giới thiệu văn hóa, lịch sử của di tích Văn miếu Trấn Biên với du khách đến tham quan. Ảnh: Ly Na
Chị Phạm Thị Hồng Tươi (áo dài, bìa phải) giới thiệu văn hóa, lịch sử của di tích Văn miếu Trấn Biên với du khách đến tham quan. Ảnh: Ly Na

Với giọng nói nhẹ nhàng, truyền cảm cùng với tinh thần tìm tòi, ham học hỏi, chị Hồng Tươi đã và đang đem đến cho hàng trăm ngàn lượt khách trong và ngoài tỉnh những câu chuyện hấp dẫn về văn hóa, con người vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

* Kể chuyện văn hóa, lịch sử…

Chị Hồng Tươi cho biết, chị bắt đầu làm thuyết minh viên tại di tích Văn miếu Trấn Biên từ năm 2012. Thời điểm mới vào nghề, chị cũng như những người trẻ khác, gặp rất nhiều khó khăn khi chưa hiểu hết về di tích, chưa nắm vững kiến thức về văn hóa, lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Đó cũng là thời điểm công nghệ chưa phát triển như hiện nay nên việc tìm hiểu về di tích, di sản chủ yếu phải đi trực tiếp hoặc đọc trên sách, báo.

“Gắn bó với nghề thuyết minh hơn 10 năm nay, tôi cảm thấy mình rất có duyên với nơi này. Chính vì thế mà ngoài việc đưa thông tin đến du khách, tôi còn nghe và học hỏi từ nhiều kênh thông tin khác để mở rộng thêm vốn hiểu biết, nghiên cứu tư liệu để bài thuyết minh ngày càng phong phú, sinh động, tạo xúc cảm đối với người nghe” - chị Hồng Tươi chia sẻ.

Theo chị Hồng Tươi, di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên là điểm đến thu hút khá đông người dân và du khách từ khắp mọi miền đất nước về tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử. Trừ những thời điểm phải đóng cửa do đại dịch Covid-19 bùng phát, trong năm di tích luôn mở cửa và chưa một ngày vắng khách. Mỗi lần thuyết minh cho một đoàn khách/nhóm khách là một trải nghiệm thú vị đối với chị.

Chị PHẠM THỊ HỒNG TƯƠI cho biết: “Chỉ tính riêng tháng 5-2023, di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên đón gần 10 ngàn lượt khách đến dâng hương và tham quan, tìm hiểu văn hóa, lịch sử Đồng Nai. Trong đó có 29 đoàn tham quan (hơn 4,3 ngàn lượt khách) vãng lai”.

Trong số những trải nghiệm ấy, có lẽ kỷ niệm nhớ nhất với chị Hồng Tươi là thời điểm mới vào nghề, thuyết minh cho đoàn học sinh tiểu học trên địa bàn TP.Biên Hòa đến tham quan, dâng hương tại Văn miếu. Với đối tượng thiếu nhi này, chị vừa kể chuyện, vừa phải giải thích một cách cụ thể để các em dễ hình dung, dễ nhớ. Chẳng hạn, tên gọi các nhà ở Văn miếu đều mang ý nghĩa về học thuật. Khuê Văn Các là vẻ đẹp sao Khuê - ngôi sao chủ đạo trong bầu trời văn học. Đại thành môn chính là lớp cổng của sự thành đạt, các nho sĩ ngày xưa đi thi đạt trình độ học vấn uyên thâm sẽ được bước qua lớp cổng này để vào khu thờ tự bên trong…

“Đặc biệt, trong nhóm học trò ấy có cậu học trò nhỏ rất tò mò, đặt nhiều câu hỏi về tượng thờ Khổng Tử, các danh nhân văn hóa… Cậu chăm chú nghe và cứ như nuốt lấy từng câu, từng lời về lịch sử, công trạng các danh nhân. Bẵng đi một thời gian (11 năm sau), vào tháng 4-2023 vừa qua, cậu học trò năm nào đã vào đại học, trở lại thăm Văn miếu. Cậu nói, những câu chuyện mà tôi kể đã tạo động lực lớn để cậu cố gắng phấn đấu, có khát vọng vươn lên” - chị Hồng Tươi bộc bạch.

* Tự hào tiếp nối dòng chảy lịch sử

Làm việc ở Văn miếu, chị Hồng Tươi nhận ra mình “say” với văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai và “say” cả nghề thuyết minh. Vì “say” nên chị lao vào tìm hiểu để tiếp nối, gìn giữ, lan tỏa giá trị văn hóa đến với du khách tham quan.

“Mặc dù sống ở Biên Hòa nhưng không phải người Biên Hòa nào cũng hiểu hết giá trị vốn có của Văn miếu Trấn Biên. Tôi thấy bản thân mình chính là cầu nối, kết nối, lan tỏa những giá trị ấy đến với cộng đồng. Nếu không “say”, không đam mê với nghề thì những ham muốn vật chất đời thường đã kéo tôi văng ra khỏi vùng văn hóa đa dạng, độc đáo này từ lâu rồi” - chị Hồng Tươi tâm sự.

Vốn là sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh của Trường đại học Lạc Hồng, chị Hồng Tươi có lợi thế khi có thể giao tiếp bằng tiếng Anh lưu loát. Chị cho biết, ở Văn miếu mặc dù không có quá nhiều đoàn khách nước ngoài đến tham quan song nhờ vốn tiếng Anh chị đã đính chính những thông tin sai lệch khi một du khách nước ngoài nào đó hiểu sai về Văn miếu Trấn Biên.

Chị Hồng Tươi kể, mới đây một đoàn khách du lịch đến từ Singapore sau khi vào Văn miếu, vừa nghe giới thiệu được một ít thông tin đã nói rằng, Văn miếu là của Trung Quốc. Chị đã tỉ mỉ giải thích cho đoàn khách hiểu lịch sử hình thành, phát triển của Văn miếu. Đây là một địa chỉ văn hóa đặc biệt, từ lâu đã trở thành biểu tượng của truyền thống hiếu học, trọng nhân tài, của hào khí và văn hóa người Việt ở phương Nam.

Ở tuổi 35, với lòng đam mê, tri thức được chuyển tải uyển chuyển phù hợp với từng đối tượng, trong những bối cảnh, không gian cụ thể, chị Hồng Tươi được nhiều du khách gọi là “sứ giả” văn hóa. Những bài thuyết minh của chị không chỉ đóng vai trò quan trọng đưa du khách đến với di sản, mà còn đưa di sản đến với du khách. Qua đó, lan tỏa giá trị di sản văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển.

Ly Na

Tin xem nhiều