Tại hội nghị triển khai chuyên đề những nội dung cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) do Ban TVTU tổ chức mới đây, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương một lần nữa nhấn mạnh, Đề cương văn hóa Việt Nam ngay từ khi ra đời đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta về cách mạng và văn hóa.
Tại hội nghị triển khai chuyên đề những nội dung cốt lõi của Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943-2023) do Ban TVTU tổ chức mới đây, PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương một lần nữa nhấn mạnh, Đề cương văn hóa Việt Nam ngay từ khi ra đời đã khẳng định tư duy, tầm nhìn, trí tuệ, bản lĩnh của Đảng ta về cách mạng và văn hóa.
Đề cương văn hóa Việt Nam như ngọn đèn pha soi rọi cho những người cộng sản và toàn dân nhìn thấy con đường mình đang đi và sẽ đi tới; động viên, thức tỉnh, dẫn đường giới trí thức, văn nghệ sĩ, những người nặng lòng với đất nước dấn thân cùng Đảng Cộng sản Đông Dương để cứu nước, cứu dân. Đề cương khẳng định: “Văn hóa dân tộc Việt Nam sẽ do cách mạng dân chủ giải phóng thắng lợi mà được cởi mở xiềng xích và sẽ đuổi kịp văn hóa tân dân chủ thế giới”.
Cũng theo PGS-TS Nguyễn Thế Kỷ, Đề cương văn hóa chỉ rõ, sự nghiệp văn hóa là của toàn dân, đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; tính chất nền văn hóa mới Việt Nam là dân tộc về hình thức, tân dân chủ về nội dung. Đề cương xác định 3 nguyên tắc: “dân tộc hóa”, “đại chúng hóa”, “khoa học hóa”; đồng thời khẳng định việc kế thừa, xây dựng và phát triển nền văn hóa hàng ngàn năm của dân tộc.
Trong suốt 80 năm qua, Đảng ta không ngừng kế thừa, vận dụng và phát triển những nội dung cốt lõi của Đề cương văn hóa, nhất là những vấn đề có tính chất nền tảng, phương hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng VH-TTDL Nguyễn Văn Hùng tại hội thảo khoa học cấp quốc gia 80 năm Đề cương văn hóa Việt Nam (1943-2023) khơi nguồn và động lực phát triển cho rằng, Đề cương văn hóa không chỉ có giá trị về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa lớn lao trong việc chỉ đạo hoạt động văn hóa - xã hội ở nước ta. Vì vậy, để phát huy hiệu quả giá trị, nguyên tắc Đề cương văn hóa trong bối cảnh mới, cần xác định xây dựng môi trường văn hóa là nhiệm vụ trọng tâm, cốt lõi nhằm từng bước hình thành nên hệ sinh thái có khả năng nuôi dưỡng, thúc đẩy sự sáng tạo, đồng thời tăng cường năng lực kết nối, lan tỏa, định hình những giá trị tốt đẹp của văn hóa, con người Việt Nam.
Phát triển văn hóa là sự nghiệp của toàn dân. Do đó, cần tạo điều kiện thuận lợi cho các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình sáng tạo cho tới tiếp cận và hưởng thụ sản phẩm văn hóa. Mỗi người dân đều có thể đóng góp vào sự phát triển chung của lĩnh vực văn hóa, giúp nâng cao giá trị và phát huy các nguồn lực vốn có của văn hóa.
Minh Ngọc