Báo Đồng Nai điện tử
En

Đưa cải lương đến gần giới trẻ

08:04, 04/04/2023

Nhằm kết nối giới trẻ đến với nghệ thuật truyền thống, các trường học trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức các buổi trải nghiệm, đến xem sân khấu cải lương, múa rối nước, rối cạn…

Nhằm kết nối giới trẻ đến với nghệ thuật truyền thống, các trường học trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai tổ chức các buổi trải nghiệm, đến xem sân khấu cải lương, múa rối nước, rối cạn…

Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn cải lương, phục vụ đối tượng học sinh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.Na
Các nghệ sĩ của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn cải lương, phục vụ đối tượng học sinh trên địa bàn tỉnh. Ảnh: L.Na

Không chỉ linh hoạt biểu diễn trực tiếp tại nhà hát, rạp chiếu phim, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai còn đưa sân khấu về các khu dân cư, các thiết chế văn hóa, trường học…, góp phần đưa nghệ thuật truyền thống cải lương, múa rối hồi sinh trên vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

* Khởi động sân khấu học đường

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai thời gian vừa qua đã tổ chức nhiều buổi diễn trực tiếp, trực tuyến và biểu diễn tại các không gian công cộng phục vụ cho đối tượng học sinh trong dự án Sân khấu học đường mà các trường học trên địa bàn tỉnh đang khởi động. Phần lớn các buổi biểu diễn này tập trung vào mảng sân khấu truyền thống với các vở diễn, trích đoạn như: Hương sắc mùa xuân; Thánh Chân công chúa; Vực sâu cạm bẫy; Quỷ vương…

Có mặt trong nhiều đêm diễn tại sân khấu Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai, Nguyễn Anh Duy, học sinh lớp 10 Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu
(TP.Biên Hòa) cho biết, từ nhỏ em đã biết đến nghệ thuật cải lương qua các chương trình trên truyền hình. Song phải đến cuối tháng 3-2023, lần đầu tiên em được cùng các bạn trong trường đến nhà hát, xem trực tiếp nhiều vở cải lương. Em cảm thấy bất ngờ và ấn tượng bởi sân khấu được đầu tư công phu, các cô chú nghệ sĩ diễn rất nhập vai, xúc động.

“Xem cải lương trực tiếp tại nhà hát, em cảm thấy đây là cơ hội quý để những người trẻ như em được tiếp xúc với loại hình nghệ thuật của vùng đất Nam bộ vốn ít phổ biến trong giới trẻ hiện nay. Em mong trong tương lai sẽ có nhiều hoạt động tương tự như vậy để sân khấu cải lương đến gần hơn với người trẻ” - Nguyễn Anh Duy bộc bạch.

Cùng với biểu diễn cải lương và múa rối nước phục vụ học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh, trong quý I-2023, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã tổ chức 89 buổi biểu diễn từ tỉnh đến cơ sở, phục vụ hơn 74 ngàn lượt người xem. Cùng với biểu diễn phục vụ các nhiệm vụ chính trị, nhà hát còn tăng cường live stream trên mạng xã hội các chương trình nghệ thuật đặc sắc, phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ của nhân dân trong và ngoài tỉnh.

Theo thầy giáo Nguyễn Hoàng Thu, Trường TH-THCS-THPT song ngữ Á Châu, dự án Sân khấu học đường được nhà trường triển khai thực hiện qua nhiều giai đoạn. Trong đó, trường sẽ phối hợp với nhà hát đưa học sinh đến tham quan và xem cải lương trực tiếp; tổ chức các buổi giao lưu giữa học sinh với nghệ sĩ; đồng thời, sẽ tái dựng vở diễn Tiếng trống Mê Linh do chính học sinh biểu diễn. Việc giúp học sinh trải nghiệm sân khấu cải lương, ít nhiều sẽ góp phần định hướng nghệ thuật, gìn giữ, phát huy và quảng bá các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Không chỉ học sinh khối tiểu học, THCS, THPT tham gia trải nghiệm nghệ thuật truyền thống tại nhà hát mà cả học sinh nhiều trường mầm non, nhóm trẻ cũng tham gia.

Cô Nguyễn Thị Phương Anh, giáo viên Trường mầm non Nghé Ngọ (P.Trảng Dài, TP.Biên Hòa) chia sẻ: “Thời gian qua, nhà trường đã tổ chức các buổi trải nghiệm thực tế, cho học sinh đến xem múa rối nước, múa rối cạn trực tiếp tại nhà hát. Các con xem nghệ thuật rất say mê, thích thú xen lẫn tò mò. Đây là một trong những hình thức đổi mới phương pháp giảng dạy, đưa nghệ thuật truyền thống trở nên gần gũi hơn với các em”.

* Khơi dậy tình yêu nghệ thuật truyền thống

Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Việt Bắc cho hay, nhà hát rất vui và phấn khởi khi có các trường học đến đăng ký cho học sinh tham quan nhà hát, xem các suất diễn nghệ thuật truyền thống. Bởi, đã có thời gian sân khấu cải lương khá khó khăn khi tìm khán giả trẻ, nhất là các em học sinh. Sự cổ vũ nhiệt tình của các em học sinh đã tạo động lực để diễn viên của nhà hát có thêm năng lượng tích cực, tiếp tục sáng tạo và biểu diễn tốt hơn.

“Từ các buổi diễn phục vụ lớp trẻ, nhà hát mong muốn lan tỏa các giá trị văn hóa, tình yêu nghệ thuật truyền thống đến với cộng đồng. Trong chỉ tiêu nhiệm vụ được giao hàng năm, nhà hát sẽ tiếp tục phối hợp với các trường học, các đơn vị tổ chức những buổi biểu diễn phục vụ khán giả trẻ. Qua đó, giúp cho thế hệ trẻ trong thời đại mới trải nghiệm, khám phá tiềm năng nghệ thuật, chung tay cùng nhà hát bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống” - nghệ sĩ Việt Bắc nói.

Không chỉ học sinh, sinh viên được xem cải lương miễn phí, người dân các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh thời gian qua thường xuyên được gặp gỡ các nghệ sĩ, diễn viên, xem họ biểu diễn trực tiếp tại địa phương. Theo đó, nhà hát đã tổ chức hàng chục buổi diễn phục vụ cơ sở, trong đó chú trọng các trích đoạn, vở cải lương hấp dẫn với nhiều đề tài xây dựng nông thôn mới, lịch sử, văn hóa, phòng chống dịch bệnh... Các vở diễn, trích đoạn cải lương đặc sắc đã và đang mang đến cho người dân cảm giác mới mẻ, hấp dẫn về loại hình nghệ thuật tưởng chừng như đã giảm sức hút đáng kể trong những năm gần đây.

Ly Na

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích