Báo Đồng Nai điện tử
En

Động lực mới từ nền tảng văn hóa

07:02, 22/02/2023

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021), Đồng Nai đã ban hành các văn bản, kế hoạch, triển khai lồng ghép các nhiệm vụ phát triển văn hóa, đạt nhiều kết quả tích cực.

Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc (tháng 11-2021), Đồng Nai đã ban hành các văn bản, kế hoạch, triển khai lồng ghép các nhiệm vụ phát triển văn hóa, đạt nhiều kết quả tích cực.

Bài 1: Xây dựng văn hóa, con người Đồng Nai phát triển toàn diện

Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn nghệ thuật, phục vụ các tầng lớp nhân dân năm 2023
Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn nghệ thuật, phục vụ các tầng lớp nhân dân năm 2023

Qua đó, tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và là nguồn lực nội sinh quan trọng trong sự phát triển nhanh và bền vững của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng năm UBND tỉnh giao cho ngành VH-TTDL là xây dựng, phát triển văn hóa, con người Đồng Nai toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho biết, ngay sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc, Sở VH-TTDL đã tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh ban hành nhiều chương trình, kế hoạch… để cụ thể hóa Kết luận của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, chú trọng tuyên truyền Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9-6-2015 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Chủ động, sáng tạo và đột phá

Hoạt động tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị được ngành Văn hóa chủ động thực hiện dưới nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: cổ động trực quan, chiếu phim lưu động, biểu diễn trực tuyến, pa-nô, áp-phích, băng-rôn, cờ, hộp đèn, triển lãm…

Nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí, nâng cao hơn nữa đời sống văn hóa tinh thần của các tầng lớp nhân dân, nhất là hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa, các địa phương trong tỉnh đã có nhiều đề xuất, kiến nghị. Trong đó, hỗ trợ thêm kinh phí hoạt động cho các trung tâm cấp xã và nhà văn hóa ấp; bố trí quỹ đất để xây dựng và mở rộng nhà văn hóa - khu thể thao ấp. Ngoài ra, có hướng dẫn việc sử dụng tài sản công gắn liền với đất vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết tại các đơn vị sự nghiệp công lập để khai thác hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa.

Theo Phó giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Việt Bắc, trong năm qua, nhà hát đã tổ chức hơn 300 buổi biểu diễn, phục vụ gần 300 ngàn lượt người xem trong và ngoài tỉnh. Riêng 5 đội chiếu phim lưu động của Trung tâm Văn hóa - điện ảnh tỉnh, trong 2 tháng đầu năm 2023, đã thực hiện hơn 400 buổi chiếu phim chủ đề ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương và con người Đồng Nai; ưu tiên phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa, miền núi, nông thôn, vùng đồng bào dân tộc.

Hàng năm, ngành VH-TTDL chú trọng đầu tư các nguồn lực cho phát triển văn hóa. Chỉ tính riêng năm 2022, các nguồn lực từ ngân sách nhà nước đầu tư cho phát triển VH-TTDL đối với cấp tỉnh là hơn 293 tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2021 (hơn 257 tỷ đồng); đối với cấp huyện trên 64 tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2021 (trên 53 tỷ đồng). Bên cạnh đó, ngành cũng tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa, đào tạo, xây dựng và phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ tri thức, văn nghệ sĩ.

Mặc dù triển khai muộn hơn so với nhiều tỉnh, thành phố song việc thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 thời gian qua tại Đồng Nai đã có bước khởi sắc.

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan cho hay, phát triển du lịch Đồng Nai có nhiều chuyển biến tích cực, kết cấu hạ tầng du lịch được quan tâm, đầu tư khoảng 300 tỷ đồng cho một số tuyến đường gắn với các khu, điểm du lịch; đồng thời, thu hút được 18 dự án phát triển du lịch với vốn đầu tư trên 10 ngàn tỷ đồng. Một số dự án tiêu biểu đã và đang triển khai như: Dự án Khu du lịch Sơn Tiên; dự án du lịch tại Thác Mai - Bàu nước sôi; tuyến du lịch đường sông; khu phức hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại khu vực núi Chứa Chan và hồ Núi Le...

“Trên lĩnh vực quảng cáo, Đồng Nai có hơn 200 doanh nghiệp hoạt động, đáp ứng điều kiện cơ sở vật chất, bộ máy hoạt động, công nghệ hiện đại. Trung bình mỗi năm, Sở VH-TTDL tiếp nhận gần 1 ngàn hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo. Từ năm 2016 đến nay, Sở đã tiếp nhận và giải quyết gần 400 hồ sơ lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Hoạt động điện ảnh ngoài công lập ngày càng khởi sắc, đã xã hội hóa, thu hút các tổ chức, cá nhân vào đầu tư xây dựng rạp chiếu phim 3D, 4D ở các trung tâm thương mại. Hiện toàn tỉnh có 10 rạp chiếu phim ở H.Long Thành, TP.Long Khánh và TP.Biên Hòa” - bà Loan chia sẻ.

Hướng mạnh về cơ sở, tập trung cho con người

Công tác xây dựng đời sống văn hóa cơ sở đã và đang tạo đột phá, ghi dấu với hàng chục hội thi, hội diễn, tọa đàm, cuộc vận động sáng tác… gắn với xây dựng con người Đồng Nai phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thu hút đông đảo tầng lớp nhân dân tham gia. Đặc biệt, Đồng Nai quan tâm, đầu tư cho hệ thống các thiết chế văn hóa cơ sở. Hiện nay, toàn tỉnh có 11 trung tâm văn hóa - thông tin và thể thao; 152/170 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa, thể thao - học tập cộng đồng (trong đó có 17 trung tâm sử dụng chung với các thiết chế văn hóa, thể thao khác trên địa bàn); có 859/925 ấp, khu phố có nhà văn hóa - khu thể thao ấp, khu phố; 14 nhà văn hóa dân tộc.

Người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động văn hóa, thể thao trong các cơ quan
Người lao động trên địa bàn tỉnh tham gia hoạt động văn hóa, thể thao trong các cơ quan

Trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Long Thành Lê Khắc Toàn cho hay, để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí và tiếp nhận thông tin một cách chính thống tại cộng đồng dân cư, H.Long Thành đã đầu tư và đưa vào hoạt động hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, thu hút đông đảo người dân đến sinh hoạt. Đặc biệt, Long Thành chú trọng nâng cao đời sống văn hóa cho đối tượng công nhân lao động ở các khu công nghiệp, khu nhà trọ. Chỉ tính riêng năm 2022, các nhà văn hóa tổ chức gần 1 ngàn hoạt động, thu hút trên 30% dân số tham gia.

Theo Phó chủ tịch UBND H.Xuân Lộc Huỳnh Thị Lành, hệ thống thiết chế văn hóa trên địa bàn huyện được đầu tư xây dựng đồng bộ. Hàng năm, tỷ lệ ấp, khu phố văn hóa trên địa bàn luôn đạt từ 98% trở lên, 100% xã giữ vững danh hiệu xã văn hóa nông thôn mới, TT.Gia Ray giữ vững danh hiệu đạt chuẩn văn minh đô thị. Tỷ lệ gia đình văn hóa được công nhận năm 2022 đạt 99,29%. Các lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc: Chơro, Mạ, Chăm, S’tiêng được duy trì. Hoạt động văn hóa, văn nghệ truyền thống được tổ chức thường xuyên, góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp của các dân tộc, góp phần thúc đẩy phong trào ngày càng phát triển sâu rộng.

Thực hiện Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, trong giai đoạn 2016-2021, Đồng Nai đã tăng cường đầu tư từ ngân sách cho các lĩnh vực. Trong đó, đầu tư cho lĩnh vực điện ảnh hơn 30 tỷ đồng; du lịch văn hóa trên 20 tỷ đồng; mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm hơn 2,6 tỷ đồng; nghệ thuật biểu diễn hơn 21,7 tỷ đồng; quảng cáo hơn 285 triệu đồng…

Giám đốc Sở VH-TTDL Lê Thị Ngọc Loan nhấn mạnh: “Với phương châm hướng hoạt động về cơ sở, phong trào xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn tỉnh đã và đang tạo sức lan tỏa mạnh mẽ. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư xây dựng từ cấp tỉnh đến cơ sở; mô hình các CLB, nhóm sở thích về văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng được nhân rộng, duy trì hoạt động, đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội đã có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội”.

Ly Na

Bài 2: Nỗ lực bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Tin xem nhiều