Báo Đồng Nai điện tử
En

Hình tượng y, bác sĩ trên sân khấu cải lương

08:02, 21/02/2023

Sân khấu cải lương Đồng Nai vài năm trở lại đây liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Trong các vở diễn, trích đoạn cải lương, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã lồng ghép, kể nhiều câu chuyện của các y, bác sĩ tận tâm cứu người.

Sân khấu cải lương Đồng Nai vài năm trở lại đây liên tục cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật mang hơi thở của cuộc sống đương đại. Trong các vở diễn, trích đoạn cải lương, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã lồng ghép, kể nhiều câu chuyện của các y, bác sĩ tận tâm cứu người.

Một cảnh trong bệnh viện của vở diễn cải lương Cuộc chiến do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn
Một cảnh trong bệnh viện của vở diễn cải lương Cuộc chiến do Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai biểu diễn. Ảnh: L.Na

Không chỉ tri ân những “thiên thần áo trắng”, các vở diễn, trích đoạn cải lương còn được nhà hát sáng tạo, đổi mới trên sân khấu bằng cách ứng dụng công nghệ hiện đại, các thủ pháp nghệ thuật mới nhằm lan tỏa những năng lượng tích cực đến khán giả trong và ngoài tỉnh.

* Nhiều câu chuyện đẹp về y, bác sĩ…

Sân khấu cải lương Đồng Nai từng dàn dựng nhiều vở diễn, lồng ghép kể câu chuyện của các y, bác sĩ như: Hồi sinh, Cuộc chiến, Sứ mệnh… Các tác phẩm được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai dàn dựng công phu, đầu tư hiện đại, dàn diễn viên trẻ, diễn xuất ấn tượng, thu hút đông đảo khán giả trong và ngoài tỉnh đến thưởng thức.

Mặc dù bối cảnh chính không phải là bệnh viện song vở diễn Hồi sinh (tác giả NSƯT Quế Anh, đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu) lại sử dụng chất liệu từ cuộc sống đời thường, câu chuyện bám chặt vào vấn đề thực tế của xã hội. Tuấn (nghệ sĩ Khánh Dư vào vai) - một chiến sĩ công an trên đường đi làm nhiệm vụ không may hy sinh. Di nguyện của anh trước khi chết là hiến toàn bộ mô tạng để cứu người.

NSƯT LÂM BẢO THỊNH, thành viên Hội đồng Nghệ thuật Sở VH-TTDL cho hay: “Các vở cải lương của Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai gần đây đã xây dựng nhiều đề tài về xã hội đương đại, phù hợp với thực tế cuộc sống. Nhiều vở diễn đã lồng ghép những câu chuyện về nghề y, các y, bác sĩ nỗ lực cứu người, phòng, chống dịch bệnh, tạo hứng thú cho người xem. Qua đó, góp phần lan tỏa những câu chuyện đẹp, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân”.

Từ mô tạng của Tuấn, các y, bác sĩ đã kịp thời hồi sinh những cuộc đời mới. Trong đó có Phương Lan (nghệ sĩ Xuân Chúc vào vai) - nhạc sĩ tài năng được các bác sĩ ghép tim thành công; hay Hưng - công tử con nhà giàu, ăn chơi, suốt ngày tụ tập bạn bè, nhậu nhẹt ở vũ trường. Hưng bị xơ gan, phải nhập viện vì bệnh tình quá nặng, cần được ghép gan khẩn. Những ngày sống trong bệnh viện, đối diện với bệnh tật và cái chết, Hưng khát khao được sống. Anh đã được hồi sinh sự sống sau ca phẫu thuật ghép tạng thành công.

Trong vở cải lương Cuộc chiến (kịch bản Hoàng Dương, chuyển thể NSƯT Quế Anh), ngoài hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân, Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai đã lồng ghép nhiều cảnh tại các bệnh viện. Những chiến sĩ công an bị trọng thương khi truy bắt tội phạm, may mắn họ được các y, bác sĩ tận tình cứu chữa, đưa họ từ cõi chết trở về đoàn tụ với gia đình, với đồng đội.

Hay vở diễn Sứ mệnh (kịch bản và đạo diễn NSƯT Quế Anh) kể câu chuyện của những tiến sĩ y khoa với nhiệm vụ nghiên cứu, thử nghiệm và đưa vào sử dụng vaccine phòng, chống dịch. Để tìm ra vaccine, các tiến sĩ y khoa không ngại hiểm nguy, hy sinh cả tính mạng, hoàn thành sứ mệnh cứu người. Sau đại dịch, những đứa trẻ được cứu sống năm xưa trưởng thành, noi gương các y, bác sĩ, trở thành những bác sĩ giỏi, tiếp tục sứ mệnh…

NSƯT Quế Anh cho hay, các câu chuyện về y, bác sĩ được nhà hát lấy chất liệu từ thực tế cuộc sống và trong phòng, chống dịch bệnh để đưa vào tác phẩm. Bên cạnh những câu chuyện xúc động, những yếu tố tích cực, các vở diễn còn khai thác cả những góc nhìn đối lập, phản ánh mặt tiêu cực của xã hội. Tuy nhiên, dù lựa chọn chi tiết, vấn đề như thế nào thì tác phẩm cũng phải đảm bảo tính thuyết phục, chuyển tải những thông điệp ý nghĩa, có tính khái quát, chạm đến trái tim khán giả.

* Lan tỏa năng lượng tích cực

Nghệ sĩ Thành Vinh chia sẻ: “Những câu chuyện về các y, bác sĩ được dàn dựng trên sân khấu cải lương là sự nỗ lực lớn của đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên nhà hát. Không chỉ mong muốn đem đến một không gian giải trí mang đậm tính nghệ thuật cho khán giả mà qua đó tri ân những “thiên thần áo trắng”, lan tỏa những nguồn năng lượng tích cực từ cuộc sống, giúp người xem chọn lọc, tiếp nhận các vấn đề thực tế qua lăng kính của những người làm nghệ thuật”.

Cũng theo NSƯT Quế Anh, đề tài về các y, bác sĩ, câu chuyện phòng, chống dịch là mảng đề tài hấp dẫn, cần tiếp tục được các văn nghệ sĩ, trong đó có sân khấu cải lương khai thác. Bởi thực tế đây là mảng đề tài khó, không chỉ trong xây dựng kịch bản mà còn cả dàn dựng. Cùng với đó, thiết kế sân khấu, cảnh trí, âm nhạc, trang phục phải phù hợp trên sân khấu, các nghệ sĩ phải diễn xuất, biểu đạt tâm lý, tình cảm qua nét mặt, ngôn ngữ hình thể sao cho trùng khớp với nhân vật.

Có thể nói, trong bối cảnh sân khấu truyền thống nói chung đang thiếu vắng khán giả, thật đáng mừng khi các tác giả, đạo diễn Đồng Nai đã đổi mới đề tài, sáng tạo trong dàn dựng nhằm mang đến làn gió mới cho cải lương. Điều này cho thấy sự đam mê, tâm huyết của họ với nghệ thuật truyền thống nhằm kéo gần khoảng cách với khán giả. Qua đó, bắt kịp với xu hướng phát triển của công nghệ hiện đại nhưng không để mất đi bản sắc văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai 325 năm hình thành và phát triển.  

  Ly Na

Tin xem nhiều