Báo Đồng Nai điện tử
En

Ngày xửa ngày xưa số 33: Đừng bắt con gánh ước mơ của mẹ!

07:07, 02/07/2022

Đúng ngày 1-7, chương trình thiếu nhi được mong đợi nhất mùa hè năm nay của thiếu nhi TP.HCM đã khai màn tại Nhà hát Bến Thành. Đó là Ngày xửa ngày xưa số 33 của sân khấu Idecaf với vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá.

Đúng ngày 1-7, chương trình thiếu nhi được mong đợi nhất mùa hè năm nay của thiếu nhi TP.HCM đã khai màn tại Nhà hát Bến Thành. Đó là Ngày xửa ngày xưa số 33 của sân khấu Idecaf với vở Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá.

Một cảnh trong vở diễn. Ảnh: T.Trọng
Một cảnh trong vở diễn. Ảnh: T.Trọng

Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad: Đại chiến nàng tiên cá (tác giả Quang Thảo, đạo diễn Đình Toàn) là câu chuyện về thuyền trưởng Sinbad (Đình Toàn đóng) và thủy thủ đoàn. Họ là những người ưa phiêu lưu, mạo hiểm. Họ đi khắp nơi trên thế giới và mỗi nơi họ đến đều có những câu chuyện rất thú vị.

Rồi một ngày họ nhận lời mời đến vịnh Tiên Cá để tham gia buổi trao truyền thủy ngọc quyền năng cho công chúa Mê Ly (NSƯT Mỹ Duyên). Buổi lễ đang đến hồi quyết định, khi Tiên cá bà ngoại (NSƯT Hữu Châu) chuẩn bị trao thủy ngọc quyền năng cho cháu gái thì tiên cá đen Mê La (NSƯT Thành Lộc) và đồng bọn xuất hiện muốn đoạt thủy ngọc quyền năng và muốn trở thành người thống trị đại dương thay vì bấy lâu nay chỉ dành cho dòng họ tiên cá trắng. Mê La đã phá tan buổi lễ bằng một tà thuật rất kỳ lạ và nhốt cả dòng họ tiên cá trắng vào ngục. Bất ngờ trước sự cố xảy ra, Sinbad và thủy thủ đoàn với sự dũng cảm, mưu trí nhanh chóng bắt tay vào tìm hiểu và từng bước theo dấu vết của Mê La và đồng bọn để giải cứu tiên cá trắng, cứu lấy đại dương…

Ngày xửa ngày xưa năm nay có một thay đổi mới là thời lượng ngắn hơn so với mọi năm, chỉ khoảng 2 tiếng. Vở khá gọn ghẽ nhưng kịch tích và tạo được độ lắng với câu chuyện dung dị, giàu cảm xúc. Số lượng nhân vật lên đến khoảng 20, tập trung các nghệ sĩ đã được các khán giả nhí yêu thích bao nhiêu năm qua như: Thành Lộc, Bạch Long, Hữu Châu, Hoàng Trinh, Mỹ Duyên, Hương Giang, Đình Toàn, Lê Khánh, Tuấn Khôi, Tuấn Khải, Quốc Trung… Kết hợp với đội múa rối Nụ Cười là khoảng 60 diễn viên. Trang phục bắt mắt, lung linh. Cảnh trí, đạo cụ, âm nhạc, khói, bong bóng xà phòng… hỗ trợ đã làm cảnh đại dương thật đẹp, như một miền cổ tích, tha hồ cho khán giả nhí bay bổng, tưởng tượng.

Vở có những bài học nho nhỏ nhưng ý nghĩa dành cho thiếu nhi như không nên chê bai ngoại hình khiến người khác mặc cảm, tự ti; không để sự ghen tị, đố kỵ lấn át khiến bạn trở nên xấu tính; đoàn kết là sức mạnh chống lại cái ác; con người đang vô tư tàn phá, hủy hoại môi trường, cứu lấy môi trường là cứu lấy cuộc sống của chúng ta…

Trong đó, nhức nhối và thời sự nhất là câu chuyện cha mẹ tạo áp lực, bắt con cái phải làm theo ý mình mà không quan tâm tới tình cảm, khả năng và mong muốn của con. Vì có vẻ ngoài xấu xí, không chịu học hành, bị mọi người cười chê, xa lánh nên Tiên cá Mê Sảng (Hương Giang đóng) đã mỗi ngày tiêm nhiễm vào đầu con mình là Mê La bất chấp mọi thủ đoạn, phải làm bá chủ đại dương, bắt những người coi thường mình phải trả giá. Thế nhưng, bà Mê Sảng nào ngờ vì tham vọng của mình đã đẩy chính con ruột trượt dài hết sai lầm này đến sai lầm khác. Mê Sảng cũng như bao bà mẹ khác, cũng hết sức yêu con, nhưng vì những giây phút nóng vội, thiếu suy nghĩ bà đã vô tình hủy hoại cuộc đời của con. Và câu chuyện cứ thế như một lời nhắc nhở các bậc phụ huynh hãy bình tĩnh. Hãy nhìn lại khả năng, tâm sinh lý của con, hãy lắng nghe mong muốn của con để đừng duy ý chí mà dẫn đến những hậu quả đau lòng.         

Trí Trọng

 

Tin xem nhiều