Báo Đồng Nai điện tử
En

Gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số

07:07, 04/07/2022

Đồng Nai là vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có vốn di sản văn hóa riêng, tạo nên một bức tranh đa dạng và phong phú.

Đồng Nai là vùng đất có nhiều dân tộc anh em cùng sinh sống. Mỗi dân tộc có vốn di sản văn hóa riêng, tạo nên một bức tranh đa dạng và phong phú.

Biểu diễn cồng chiêng của đồng bào Chơro được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai công diễn trực tuyến, phục vụ bà con trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Ly Na
Biểu diễn cồng chiêng của đồng bào Chơro được Nhà hát Nghệ thuật Đồng Nai công diễn trực tuyến, phục vụ bà con trong và ngoài tỉnh. Ảnh: Ly Na

Trước nguy cơ bị mai một của nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh, việc gìn giữ và phát huy bản sắc truyền thống đã và đang được chính quyền, địa phương và người dân đặc biệt quan tâm, thực hiện.

* Khơi dậy niềm tự hào

Trong số các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các DTTS, việc tổ chức lễ hội Sayangva, Sayangbri hằng năm và truyền dạy cồng chiêng cho đồng bào Chơro ở H.Vĩnh Cửu được thực hiện thường xuyên, liên tục.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh đã xác định mục tiêu, bảo đảm ít nhất 75% người dân vùng sâu, vùng xa; 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được thụ hưởng và tham gia hoạt động văn hóa xem, nghe các kênh phát thanh, kênh truyền hình quốc gia và địa phương.

Trưởng ấp Lý Lịch, xã Phú Lý (H.Vĩnh Cửu) Nguyễn Đình Biên cho biết, Sayangva là lễ hội lớn và quan trọng nhất trong năm. Đầu năm 2022, bà con ấp Lý Lịch đã tổ chức lễ hội rộn ràng sau 2 năm tạm hoãn do dịch Covid-19 bùng phát. Ai nấy đều rất hân hoan, cùng nhau tham gia các nghi lễ truyền thống, đánh cồng chiêng, giới thiệu ẩm thực đặc sắc của dân tộc đến với mọi người.

Theo Phó chủ tịch UBND H.Vĩnh Cửu Nguyễn Thị Dung, câu chuyện bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS được các cấp chính quyền và người dân quan tâm trong nhiều năm qua. Không chỉ chú trọng tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao cho bà con tại các thiết chế văn hóa mà địa phương luôn khuyến khích đồng bào dân tộc tích cực tham gia, tạo ra các hoạt động của đồng bào, nhằm phát huy giá trị văn truyền thống gắn với phát triển du lịch cộng đồng. Việc bảo tồn, phát huy gắn liền với việc xây dựng đời sống văn hóa mới, bài trừ các hủ tục lạc hậu, khơi dậy niềm tự hào cho bà con.

Việc lưu giữ những nét đẹp đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào DTTS đã và đang mang lại hiệu quả. Dẫn chứng điều này, Phó trưởng phòng Văn hóa - thông tin H.Định Quán Thiều Quang Tân cho hay, đến nay trên địa bàn huyện đã xây dựng được 4 nhà văn hóa (NVH) dân tộc. Tại các ấp, khu phố có đông đồng bào dân tộc sinh sống cũng đã xây dựng các NVH ấp, khu phố. Riêng đồng bào Khmer ở KP.Hiệp Nhất (TT.Định Quán) cũng đã xây dựng được ngôi chùa khang trang là nơi sinh hoạt tín ngưỡng cho bà con.

“Bên cạnh đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, H.Định Quán đã khôi phục tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể dục thể thao dành riêng cho bà con trên quy mô cấp huyện (2 năm/lần). Đồng thời, huyện khôi phục và tổ chức thường xuyên 5 lễ hội: Yang coi và Yang Bơnơm của đồng bào Mạ; Sayangva của đồng bào Chơro; Tạ Tài phán của người Hoa; Lồng tồng của đồng bào Tày - Nùng. Ngoài ra, huyện tổ chức các lớp tập huấn cồng, chiêng, mở các lớp dạy múa hát dân ca và nhạc cụ ngũ âm cho con em đồng bào Mạ và Khmer; sưu tập hình ảnh, hiện vật về đồng bào DTTS trưng bày tại nhà truyền thống Tượng đài chiến thắng La Ngà...” - ông Tân chia sẻ.

Năm 2021, Sở VH-TTDL đã ban hành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS tại các điểm bố trí ổn định dân cư gắn với phát triển du lịch giai đoạn 2021-2022. Từ đề án, việc gìn giữ những nét đẹp đời sống văn hóa tinh thần của bà con các dân tộc càng mang lại hiệu quả.

Nhiều địa phương trong tỉnh như: Định Quán, Tân Phú, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc… đã đưa các lễ hội, sản phẩm truyền thống đồng bào DTTS về biểu diễn cồng chiêng, dệt thổ cẩm, đan lát… phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào, ý thức bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của chính đồng bào các dân tộc.

* Hiệu quả từ gìn giữ giá trị văn hóa

Báo cáo kết quả thực hiện công tác dân tộc của Sở VH-TTDL cho biết, hằng năm ngành Văn hóa triển khai sưu tầm hiện vật DTTS, trong đó đặc biệt quan tâm đến những hiện vật, cổ vật có giá trị khoa học, văn hóa, lịch sử cao, đang có nguy cơ mai một như: đồ nghề của thầy cúng; nhạc cụ, nhạc khí dân tộc; trang sức, trang phục. Tiến hành kiểm kê hàng chục di tích phổ thông của đồng bào và lập danh mục lộ trình xếp hạng những di tích liên quan đến đồng bào DTTS trình UBND tỉnh phê duyệt. Các di tích chủ yếu gồm các loại hình như miếu, chùa, thánh đường, nhà dài…

Đặc biệt, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vùng đồng bào DTTS được quan tâm, đầu tư, sưu tầm và bổ sung hiện vật. Toàn tỉnh hiện có 14 NVH dân tộc được xây dựng và đi vào hoạt động, trong đó H.Định Quán có 4 NVH; H.Long Thành có 3 NVH; H.Xuân Lộc có 4 NVH… Đây không chỉ là nơi sinh hoạt cộng đồng mà còn là địa điểm duy trì, bảo lưu các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; là nơi gặp gỡ, giao lưu văn hóa, thể thao, trao đổi kinh nghiệm sản xuất giữa đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, công tác bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của đồng bào dân tộc được thực hiện thường xuyên. Thư viện tỉnh đã bổ sung các tài liệu tác phẩm văn học dân tộc; tài liệu nghiên cứu về lịch sử phát triển văn hóa, từ điển tra cứu ngôn ngữ các dân tộc, báo; tạp chí phục vụ đồng bào DTTS. Để lưu truyền tiếng mẹ đẻ cho con cháu, bà con các dân tộc cũng tự đứng ra mở các lớp dạy tiếng nói và chữ viết cho con em mình. Trong đó, có các cơ cở dạy Hoa văn hay các trường song ngữ Việt - Hoa; hoặc mở lớp dạy tiếng Chăm và chữ viết Chăm của ông Đô Hô Sên (xã Bình Sơn, H.Long Thành)...

Trong năm 2022, ngoài tham gia liên hoan diễn xướng văn hóa đồng bào các dân tộc của khu vực Trường Sơn - Tây nguyên, Đồng Nai còn thực hiện phim giới thiệu văn hóa dân gian của người Tày trên địa bàn tỉnh; kiểm kê văn hóa phi vật thể và lễ hội truyền thống các dân tộc tại TP.Long Khánh và H.Xuân Lộc. Mở lớp dạy đánh cồng chiêng cho thanh thiếu niên dân tộc Chơro ở Định Quán…

Ly Na

Tin xem nhiều