Báo Đồng Nai điện tử
En

Sân khấu sau liên hoan kịch nói toàn quốc năm 2021: Liệu có bứt phá?

08:01, 18/01/2022

Tối 17-1, sau nửa tháng diễn ra, liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 khu vực phía Nam đã kết thúc bằng buổi lễ tổng kết và trao giải tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM).

Tối 17-1, sau nửa tháng diễn ra, liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 khu vực phía Nam đã kết thúc bằng buổi lễ tổng kết và trao giải tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang (TP.HCM).

Một cảnh trong vở Câu hò đất mẹ, vở đoạt huy chương vàng trong liên hoan. Ảnh: Trí Trọng
Một cảnh trong vở Câu hò đất mẹ, vở đoạt huy chương vàng trong liên hoan. Ảnh: Trí Trọng

Với 20 đơn vị và 26 vở diễn dự thi, liên hoan lần này đạt số lượng vượt trội so với các kỳ liên hoan trước. Khoảng 2/3 số vở dự thi được đánh giá chất lượng từ khá trở lên. Trong đó, có những vở của đạo diễn trẻ biết cách vận dụng kỹ thuật hiện đại một cách linh hoạt và thông minh.

* Có một lớp trẻ đang trỗi dậy

Cuộc hành trình tìm bức chân dung của đạo diễn Hoàng Tấn (đơn vị Nhà hát Kịch TP.HCM) gây ấn tượng bởi đưa kỹ thuật điện ảnh vào sân khấu. Anh sử dụng màn hình LED tải bối cảnh nền, màn hình Gauze phía trước sân khấu. Diễn viên diễn giữa 2 màn hình trên sân khấu mà người xem có cảm giác như đang xem những thước phim. Cảnh trí cứ thế sống động, đẹp mê man và mang màu ký ức, khiến câu chuyện tôn vinh lãnh tụ dung dị, hấp dẫn không thể rời mắt.

Đạo diễn Ngọc Hùng thì đưa kỹ thuật màn hình múa bóng vào vở Mưa bóng mây (Công ty TNHH Giải trí Hero Film). Vở chỉ có 2 diễn viên Ngọc Trinh - Hòa Hiệp nhưng sự kết hợp kỹ thuật khá mới mẻ này một cách phù hợp đã khiến câu chuyện về những người già giàu cảm xúc, không nhàm chán.

Đạo diễn trẻ Minh Nhật dần dần khẳng định phong cách với những vở diễn mang đời sống của những người lao động cần cù, lam lũ. Trước đây, anh có vở Hiu hiu gió bấc từng làm khán giả rung động. Liên hoan lần này, anh đem đến Biển người mênh mông về câu chuyện ở xóm trọ nghèo cũng khiến người ta rưng rưng.

Đạo diễn Chánh Trực sắc sảo với vở kịch mang màu sắc đả kích, châm biếm duy nhất của liên hoan, vở Công lý như mặt trời.

Đạo diễn trẻ Mi Lê lại cực kỳ gai góc với vở diễn đầy tính thời sự trong Sự sống. Một vở diễn khai thác câu chuyện của một gia đình trẻ trong khu trọ nghèo nàn trong những ngày Sài Gòn gồng mình chống dịch Covid-19. Với góc nhìn đó, Mi Lê phản ánh khá chân thật những khó khăn mà người dân và lực lượng tuyến đầu đã phải căng mình chống dịch như thế nào. Vở gây xúc động khiến nhiều người không kìm được phải bật khóc.

Ở mảng thiết kế sân khấu thường rất ít và thiếu hụt người trẻ, nhưng gần đây xuất hiện thiết kế trẻ Hồng Vân. Cô được nhiều đơn vị như: Nhà hát Trần Hữu Trang, Sân khấu Thế giới trẻ, Nhà hát Kịch TP.HCM… tin tưởng “chọn mặt gửi vàng”. Lần này, cô cũng khiến nhiều người thích thú với thiết kế sáng tạo và thông minh trong vở Khúc nguyệt cầm (Công ty GODI). Đó là một vòng tròn lớn với những tua rua dài màu tím khiến người ta có thể liên tưởng đến mặt đàn nguyệt, hoặc mặt căng thêu. Vòng tròn này xoay nghiêng, hạ lên hạ xuống là những không gian, thời gian khác nhau.

* Sau ngày hội, sân khấu sẽ như thế nào?

Không chỉ ở lĩnh vực đạo diễn, tác giả, thiết kế sân khấu… mà trong mỗi vở diễn, lực lượng diễn viên trẻ làm chủ khá nhiều. Có thể kể ra như: Hoàng Vân Anh, Quốc Thịnh, Đoàn Thanh Tài, Thế Hải… của Sân khấu Hoàng Thái Thanh. Thanh Tuấn, Thái Kim Tùng, Hoàng Tấn… của Nhà hát Kịch TP.HCM. Xuân Trang, Hoàng Thy, Hòa Hiệp, Lê Lộc… của Sân khấu Hồng Vân. Đặc biệt, Sân khấu Thế giới trẻ toàn là những gương mặt trẻ trưởng thành từ sàn diễn này hiện là những cái tên chủ lực để chinh phục khán giả như: Quang Tuấn, Thuận Nguyễn, Hoàng Phi, La Thành, Minh Dự, Diễm Phương…

Có những sân khấu đã thể hiện “bản sắc” riêng của mình như Hoàng Thái Thanh xuất sắc với những bi kịch, có thể kể đến 2 vở tham gia liên hoan là Bạch Hải ĐườngSài Gòn có một ngã tư. Nhà hát Thế giới trẻ của Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM càng ngày càng khẳng định khả năng dựng vở lịch sử của mình. Thành Thăng Long thuở ấy đã khiến đêm diễn dự thi như bùng nổ với nội lực của diễn viên, sự kỹ càng trong dàn dựng của đạo diễn để bi kịch của Lý Chiêu Hoàng - vị vua cuối cùng của triều Lý khiến người xem cứ chất ngất nỗi niềm, đau đáu với tâm sự của những con người trong cuộc chuyển xoay quyền lực.

Rồi những ngày hội cũng kết thúc. Với sân khấu thành phố, đây là cuộc vui nghề, nhưng mối quan tâm lớn nhất vẫn là sự sinh tồn của sân khấu xã hội hóa. Bởi, chính những sân khấu xã hội hóa đang là bộ mặt của sàn kịch thành phố, đang gồng gánh để các điểm diễn có thể sáng đèn. Trăn trở của họ là làm sao có thể bán từng tấm vé, có thể thu hút khán giả đến với sân khấu trong tình hình có quá nhiều loại hình giải trí hấp dẫn như hiện nay. Đặc biệt, sau thời gian dịch bệnh kéo dài gần 2 năm, rất nhiều người, nhiều ngành đang khó khăn, trong đó có sân khấu. Chỉ mong những sáng tạo trong liên hoan được trân trọng, những người trẻ được tiếp sức để bền lòng với sân khấu…

Trong đêm tổng kết, Ban tổ chức đã trao 6 huy chương vàng cho các vở Thành Thăng Long thuở ấy (Nhà hát Thế giới trẻ, thuộc Trường đại học Sân khấu - điện ảnh TP.HCM); Mưa bóng mây (Công ty TNHH Giải trí Hero Film); Thành phố tình yêu (Nhà hát Kịch TP.HCM); Khóc giữa trời xanh (Công ty CP Sử Việt), Câu hò đất mẹ (Công ty TNHH Phiêu Linh); Bao giờ mẹ lấy chồng (Sân khấu Thế giới trẻ). Ngoài ra, còn có 5 vở đoạt huy chương bạc và 8 vở huy chương đồng. Về giải cá nhân, có 40 huy chương vàng, 46 huy chương bạc và 19 huy chương đồng.

Trí Trọng

Tin xem nhiều