Báo Đồng Nai điện tử
En

Nỗi buồn di tích

10:12, 09/12/2013

Ngày 12-11, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có quyết định công nhận di tích Thành cổ Biên Hòa là di tích lịch sử cấp quốc gia. Chưa kịp mừng, Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh đã phải đối mặt với nỗi lo thiếu kinh phí bảo tồn di tích.

Ngày 12-11, Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch có quyết định công nhận di tích Thành cổ Biên Hòa là di tích lịch sử cấp quốc gia. Chưa kịp mừng, Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh đã phải đối mặt với nỗi lo thiếu kinh phí bảo tồn di tích.

Một góc Thành cổ Biên Hòa.
Một góc Thành cổ Biên Hòa.

Theo thông tin từ Sở Kế hoạch - đầu tư, trong năm 2014 sẽ không thể cân đối, bố trí nguồn kinh phí từ ngân sách của tỉnh cho các dự án tu bổ, tôn tạo di tích, gồm: Mộ cự thạch Hàng Gòn (TX.Long Khánh); Thành cổ Biên Hòa;  mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh (TP. Biên Hòa).

* Di tích xếp hàng chờ vốn

Ông Lê Trí Dũng, Giám đốc Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh, cho biết theo kế hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt, 3 di tích cấp quốc gia này cần tu bổ, tôn tạo. Trong đó, di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn đã được khởi công từ năm 2010 với tổng kinh phí theo dự toán là trên 32 tỷ đồng. Đến nay, công trình đã hoàn thành các hạng mục: nhà bao che hầm mộ, hàng rào bảo vệ khu chế tác, xử lý hóa chất bảo quản khu hầm mộ và khu chế tác, tu bổ miếu Ông Đá, xây dựng nhà trưng bày, đường nội bộ, bãi đậu xe, nhà vệ sinh... với giá trị xây dựng trên 22 tỷ đồng. Về nguồn đầu tư cho di tích, vốn cấp từ Trung ương đã nhận là 13 tỷ đồng, nguồn của tỉnh 6 tỷ đồng, so với khối lượng công việc đã hoàn thành vẫn còn “nợ” hơn 3 tỷ đồng. Dự án còn đang dở dang với các hạng mục cần tiếp tục thực hiện, như: cây xanh thảm cỏ, phòng cháy, chữa cháy, điện, cấp thoát nước... với kinh phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng nữa.

Giữ  nguyên trạng… chờ vốn

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa VIII vừa qua, khi trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Quyết (tổ đại biểu TP. Biên Hòa) về việc đến bao giờ các di tích lịch sử cấp quốc gia, trong đó có Thành cổ Biên Hòa được trùng tu, tôn tạo để chống xuống cấp, bà Bồ Ngọc Thu, Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư cho hay, năm 2014 tỉnh không có vốn để bố trí cho các công trình này.

Theo bà Bồ Ngọc Thu, năm 2014, nguồn vốn của tỉnh mất cân đối khá lớn, do đó chỉ ưu tiên bố trí vốn đối với các dự án chuyển tiếp; hạn chế tối đa việc khởi công mới các dự án và chỉ bố trí vốn khởi công mới các dự án thật sự cấp bách thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục… “Rất nhiều công trình đang cần vốn trong khi nguồn ngân sách rất eo hẹp, do đó chúng tôi sẽ cố gắng huy động các nguồn khác, kể cả nguồn vốn vay  để ưu tiên xem xét dự án trùng tu, tôn tạo Thành cổ Biên Hòa” - bà Bồ Ngọc Thu khẳng định.

Cũng tại phiên chất vất, Giám đốc Sở Xây dựng Tạ Huy Hoàng cho biết sẽ phối hợp với Sở Văn hóa - thể thao và du lịch khảo sát, đánh giá lại hiện trạng di tích Thành cổ Biên Hòa, từ đó có phương án nhằm đảm bảo cảnh quan, bảo tồn nguyên trạng, giảm thiểu xuống cấp trong khi chờ tỉnh bố trí được nguồn vốn.

Minh Ngọc

Về dự án bảo tồn, trùng tu tôn tạo di tích Thành cổ Biên Hòa, năm 2012 dự án được UBND tỉnh đồng ý phê duyệt trên 25 tỷ đồng. Hiện tại, tổng mức đầu tư dự án đã được điều chỉnh lên hơn 41 tỷ đồng. Nếu như năm 2014 tỉnh vẫn tiếp tục không bố trí vốn, dự án này tiếp tục chờ không biết đến bao giờ, trong khi tình trạng hư hỏng, xuống cấp vẫn ngày càng tiếp diễn.

Tương tự, di tích Mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh đã được bàn bạc phương án trùng tu tôn tạo, nâng cấp gắn với xây dựng công viên từ năm 2008, nhưng đến nay vẫn chưa  thể thực hiện trong khi mộ vị lãnh tụ khởi nghĩa chống Pháp nổi tiếng của vùng Bưng Kiệu (nay là phường Long Bình, TP.Biên Hòa) cùng các nghĩa binh - biểu tượng của tinh thần bất khuất chống ngoại xâm của người dân Đồng Nai tiếp tục rơi vào cảnh nhang tàn khói lạnh.

* Chờ đến bao giờ?

Theo Công văn số 1846/SKHĐT  do Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư Cao Tiến Dũng ký ngày 19-11-2013 về việc đăng ký kế hoạch vốn xây dựng cơ bản năm 2014 của Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh, Sở cho ý kiến: Về việc bố trí nguồn vốn đầu tư cho chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, Sở và các ngành chức năng đã thống nhất trình UBND tỉnh đề nghị bố trí vốn trong năm 2014 cho dự án trùng tu, tôn tạo di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn là 1,5 tỷ đồng để thanh toán trả nợ khối lượng đã hoàn thành trong năm 2013. Do tình hình ngân sách của tỉnh năm 2014 rất khó khăn nên không còn nguồn dành cho các dự án tu bổ, tôn tạo di tích. Theo “gợi ý” của Sở Kế hoạch - đầu tư, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch (cơ quan chủ quản của Ban Quản lý di tích danh thắng tỉnh) nên liên hệ với Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch để bổ sung nguồn đầu tư thêm cho 3 dự án nói trên. “Dự án sẽ tiếp tục thực hiện khi có nguồn hỗ trợ bổ sung từ Trung ương” - văn bản nêu rõ.

Ông Lê Trí Dũng cho biết, với di tích Mộ cự thạch Hàng Gòn, Bộ đã “rót” kinh phí lên đến 13 tỷ đồng, hơn gấp đôi nguồn kinh phí từ địa phương nên chuyện “xin thêm” là điều không thể. Nếu không tiếp tục thực hiện các hạng mục còn dở dang cho hoàn chỉnh, di tích cũng không thể phát huy giá trị như mong muốn ban đầu, gây lãng phí. Với 2 di tích còn lại, Thành cổ Biên Hòa nằm ở vị trí rất đắc địa đối với du lịch nên nếu không đầu tư để phát huy giá trị về mặt du lịch cũng rất uổng phí. Riêng mộ Đoàn Văn Cự và 16 nghĩa binh, mỗi ngày trôi qua di tích càng đối mặt với nguy cơ xuống cấp, sạt lở khiến người có tâm huyết rất nóng ruột.

Nam Hà

 

 

Tin xem nhiều