Báo Đồng Nai điện tử
En

Bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian: Vừa cấp bách, vừa lâu dài

11:12, 08/12/2013

Tại hội thảo khoa học "Giáo dục và truyền thông với việc phát huy văn hóa dân gian Đông Nam bộ", nhiều đại biểu đến từ các tỉnh, thành Đông Nam bộ và cả miền Tây Nam bộ đã khẩn thiết đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian trước nguy cơ mai một.

Tại hội thảo khoa học “Giáo dục và truyền thông với việc phát huy văn hóa dân gian Đông Nam bộ” do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh và Chi hội Văn nghệ dân gian Đồng Nai tổ chức ngày 7-12, nhiều đại biểu đến từ các tỉnh, thành Đông Nam bộ và cả miền Tây Nam bộ đã khẩn thiết đặt ra vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian trước nguy cơ mai một.

Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới phát biểu tại hội thảo.
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Huỳnh Văn Tới phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Văn Truyên)

Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Quang Huy nhận định: Hiểu biết về văn hóa dân gian trong một bộ phận người dân, nhất là giới trẻ còn hạn chế, mà chuyện “cướp bia” ở vòng xoay Tam Hiệp ngày 4-12 mới đây là một minh chứng. Văn hóa Việt Nam với truyền thống nhân ái, giúp đỡ nhau lúc hoạn nạn, trân trọng tình làng nghĩa xóm đang đứng trước thách thức lớn. Vì vậy, vấn đề giáo dục và truyền thông để phát huy văn hóa dân gian có tính cấp bách hơn bao giờ hết.

Nguy cơ mai một

Chủ trì hội thảo gồm có TS. Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh; Th.S Phan Đình Dũng, Phó trưởng ban Văn nghệ dân gian Hội Văn học nghệ thuật tỉnh.

TS. Mai Mỹ Duyên (giảng viên Trường đại học văn hóa TP. Hồ Chí Minh) nhận xét, một số hình thức diễn xướng dân gian như múa bóng rỗi đang từ từ mai một, nếu không có biện pháp bảo tồn, phát huy sẽ dần biến mất. TS. Mỹ Duyên nêu vấn đề: Đờn ca tài tử vừa được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, nhưng sau đó bảo tồn và phát huy ra sao khi chưa có nơi nào chính thức đào tạo nghệ nhân biểu diễn, cũng như chưa có lớp công chúng đủ kiến thức, hiểu biết thưởng thức? Với thực tế học sinh trong các trường học chỉ được dạy lèo tèo vài điệu lý, giáo viên không chuyên nghiệp thì loại hình này khó thể đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. “Phần lớn nghệ nhân biểu diễn hiện nay đều tự phát, vì yêu thích mà tập luyện, nhưng khán giả trẻ không mặn mà thì sẽ bảo tồn, phát huy như thế nào?”, TS. Mỹ Duyên đặt câu hỏi.

Đa số đại biểu đều nhận định, để gieo cấy nền tảng về văn hóa dân gian trong lớp trẻ, không nơi nào có thể thực hiện tốt hơn nhà trường. Nhưng việc truyền dạy văn hóa dân gian trong nhà trường hiện nay vẫn vướng “3 vòng kim cô”: thời gian, kinh phí và nội dung (giáo trình). TS. Lâm Nhân (Trưởng khoa Dân tộc thiểu số Trường đại học văn hóa TP. Hồ Chí Minh) băn khoăn: “Ai sẽ là người truyền dạy về văn hóa dân gian khi giáo viên thiếu kiến thức chuyên môn, nhưng nghệ nhân dân gian thì không được đào tạo về sư phạm, theo quy định sẽ không được đứng lớp?”.

Góp sức giữ lửa

Th.S Vũ Trung Kiên (Học viện Chính trị - hành chính quốc gia) kể, năm 2010 cô Trần Thị Châu Thưởng (Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh) từng tổ chức cho học sinh du khảo tìm hiểu các di tích lịch sử, văn hóa dọc sông Đồng Nai. Sau chuyến đi, các học sinh đã hào hứng viết bài thu hoạch, thuyết trình và bày tỏ cảm xúc thích thú khi hiểu thêm về các di tích của quê mình. “Điều này cho thấy, học sinh không thờ ơ với văn hóa dân gian, chỉ có điều cần phải được khơi gợi”, Th.S Kiên nhấn mạnh.

Ông Trương Thanh Hùng, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, cảm thán: “Trong nhà trường, nội dung chương trình giáo dục hiện nay quá xa rời văn hóa dân gian. Trong gia đình, ông bà không còn kể chuyện đời xưa cho con cháu. Trong làng xóm, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp đang bị thế hệ trẻ lãng quên. Trong khi đó, truyền hình lại cổ vũ, quảng cáo cho văn hóa Tây phương, như: Noel, lễ tình nhân, nói sao lớp trẻ không thờ ơ với văn hóa dân tộc? Giới trẻ không phải là không thích, nhưng cần phải được truyền kiến thức và tình yêu, điều đó phải cần sự chung tay, đồng bộ của cả giáo dục, truyền thông và gia đình”.

Ông Châu Phước Hiệp (Bảo tàng chứng tích chiến tranh TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ kinh nghiệm trong cách truyền bá văn hóa dân gian. Vào ngày lễ tình nhân 14-2, bảo tàng mời các nghệ nhân đờn ca tài tử lên giao lưu với sinh viên, trình diễn và thuyết trình các bản nhạc tài tử. “Vào 14-2 thay vì lang thang ngoài đường “ăn lễ” của Tây, có 100 sinh viên được hiểu biết thêm về văn hóa Việt Nam. Việc bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian trong giới trẻ cần phải được thực hiện từ từ và lâu dài mới bền vững”, ông Hiệp nêu kinh nghiệm. TS. Nguyễn Văn Quyết, Phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, đề nghị những giải pháp nêu lên tại hội thảo nhằm bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian cần phải được thực hiện và đưa vào quy định chặt chẽ để phát huy hiệu quả.      

Hà Lam

 

 

 

 

 

 

 

 

 
 

 

Tin xem nhiều