Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một tin vui không chỉ đối với nghệ sĩ đờn ca tài tử, mà còn là niềm vui và sự tự hào chung đối với tất cả người dân Việt Nam.
Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một tin vui không chỉ đối với nghệ sĩ đờn ca tài tử, mà còn là niềm vui và sự tự hào chung đối với tất cả người dân Việt Nam.
Dịp này, Báo Đồng Nai đã ghi lại cảm xúc của các nghệ sĩ tại Đồng Nai.
Ông Phạm Lơ, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử tỉnh Đồng Nai:
Trong nghệ thuật đờn ca tài tử, người nghệ sĩ và người nghe tìm đến với nhau bằng tấm lòng và bằng tình cảm đồng điệu rất riêng. Do vậy, khi nghệ thuật đờn ca tài tử Nam bộ của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, nghệ sĩ lẫn khán giả đều có chung một mong muốn là các cấp chính quyền sẽ tạo điều kiện hơn về kinh phí, địa điểm, chế độ đãi ngộ với bộ môn nghệ thuật này. Bởi hiện nay, sự quan tâm, chia sẻ từ các nguồn lực xã hội đối với môn nghệ thuật và người làm nghệ thuật này hầu như là rất ít.
Ông Lê Văn Có, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử huyện Vĩnh Cửu:
Khi hay tin nghệ thuật đờn ca tài tử được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào chiều 5-12, anh em trong CLB rất vui mừng và tự hào, bởi đây là niềm mong mỏi từ rất lâu của những người yêu mến môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, đằng sau niềm vui là chất chứa bao nỗi niềm ưu tư, bởi hiện nay số lượng người theo đuổi và có cái tâm đối với môn nghệ thuật này còn rất ít. Ngay như trong huyện cũng chỉ còn một câu lạc bộ đờn ca tài tử hoạt động thường xuyên. Do vậy, việc vực dậy phong trào, khuyến khích người dân đến với môn nghệ thuật đờn ca tài tử thông qua các sân chơi, hội thi là điều cần thực hiện trong thời gian sớm nhất.
Bà Nguyễn Thị Phụng, Chủ nhiệm CLB đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa huyện Long Thành:
Đã mấy chục năm theo đuổi bộ môn nghệ thuật này, có nhiều cơ hội tiếp xúc cũng như giao lưu với các CLB, nghệ sĩ ở nhiều tỉnh, thành nên tôi nhận thấy hoạt động của nghệ thuật đờn ca tài tử trong tỉnh hiện nay còn yếu. Tình trạng các CLB đang gặp phải là có người hát, nhưng thiếu người đờn và ngược lại, hoặc có đủ người hát, người đờn lại thiếu khán giả... Do vậy, tôi rất mong các cấp chính quyền của tỉnh sẽ quan tâm hơn nữa trong việc định hướng, tổ chức và khuyến khích sự phát triển của môn nghệ thuật này.
Tác giả Nguyễn Tấn Tài (nghệ danh Anh Liệt) thành viên CLB đờn ca tài tử Trung tâm Văn hóa huyện Long Thành:
Tôi cảm thấy rất vui khi biết tin nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự tự hào rất lớn đối với những người gắn bó với môn nghệ thuật này, động viên để tôi tiếp tục gắn bó và cố gắng cho ra đời thêm nhiều sáng tác mới phục vụ người yêu mến đờn ca tài tử.
Sông Thao (ghi)